Bánh Huế - Nét duyên của đất cố đô
Các loại bánh Huế đa sắc, đa vị lại có màu sắc bắt mắt chấm cùng nước mắm pha khéo có đủ vị mặn, chua, cay, ngọt quả là ngon đến khó cưỡng.
Nói đến Huế, sẽ là không trọn vẹn nếu không nhắc đến ẩm thực của cố đô. Ngoài bún bò và cơm hến trứ danh, các món bánh Huế từ lâu đã trở thành linh hồn của văn hóa ẩm thực Huế, làm say lòng du khách đến với cố đô thơ mộng, cổ kính.
Bánh ướt thịt nướng Kim Long
Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế, bánh ướt thịt nướng Kim Long không chỉ ngon mà còn trở thành món ăn hấp dẫn và đẹp mắt. Bánh được làm bằng bột gạo có pha một lượng nhỏ bột lọc, tráng mỏng. Thịt nướng thường là thịt heo ba chỉ hoặc thịt bò thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm, vừng. Sau vài giờ ướp thịt được đem nướng trên bếp than hoa cho tới khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Lấy thịt nướng kẹp với rau thơm, xà lách để làm nhân cuốn với bánh ướt. Bánh ướt thịt nướng ngon, hấp dẫn một phần là nhờ vào loại nước chấm được pha chế từ nước mắm nguyên chất, đường, chanh, tỏi, ớt... theo tỷ lệ và bí quyết riêng.
Bánh khoái
Bánh khoái là một trong những đặc sản xứ Huế. Gần giống bánh xèo của miền Nam về nguyên liệu nhưng bánh khoái được người Huế nâng lên thành đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực bởi quy trình đồ bánh rất công phu: sau khi thịt vừa chín vàng, gắp nhân tôm, thịt, nấm, giá đỗ… cho vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại thành hình bán nguyệt. Trở bánh cho vàng hai mặt rồi đưa ra đĩa, 10 phút sau ăn bánh vẫn giòn.
Món bánh khoái ngon còn nhờ vào nước lèo từ hàng chục nguyên liệu khác nhau. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa bánh khoái và bánh xèo. Từ bánh xèo dân dã, bánh khoái được nâng lên thành món ăn dành cho cung đình, vương phủ. Từ cung phủ, bánh khoái lan truyền trở lại dân gian, thành một món ăn đặc trưng và phổ biến của xứ Huế.
Bánh nậm
Bánh nậm làm từ bột gạo, vừa thơm vừa mát, bột được phết rất mỏng trên lá dong, rải lên trên là lớp nhân vàng gạch thơm lừng của thịt heo trộn với tôm bằm cùng chút hành lá. Khi ăn mở bánh nóng ra, trải lên đĩa, để nguyên lá gói. Mùi thơm mát của lá dong hòa quyện với chút cay nồng của nước mắm tạo nên hương vị thơm ngon, mềm mượt, thanh tao của bánh nậm tưởng chừng như có thể tan chảy ra khi đặt vào miệng.
Nếu bánh nậm có màu trắng đục và mềm mượt thì bánh bột lọc lại có màu trong suốt, nhìn thấu con tôm đỏ và miếng thịt mỡ kho, dai dai, giòn giòn. Bánh được gói nhỏ nhắn, gọn gàng trong lá dong. Lột lá bánh xong, chấm bánh vào chén mắm ớt loãng đặc trưng xứ Huế rồi thưởng thức, cảm giác dai dai, giòn giòn, ăn hoài mà không thấy ngán.
Là một món ăn dân gian được truyền vào cung đình Huế, đến nay bánh ram ít đã có mặt ở tất cả các hàng quà vặt của bất cứ con hẻm nào xứ Huế. Người Huế không dùng bánh ram ít trong bữa ăn chính hàng ngày, mà thường dùng để ăn sáng hoặc ăn bữa phụ. Phải là những người khéo tay và tỉ mỉ mới có thể làm ra được những chiếc bánh vừa ngon vừa dẻo lại vừa bùi, có vị thanh mát, nước chấm pha vừa miệng, không quá mặn hay quá ngọt, ăn kèm với ớt Huế cay đến xuýt xoa.
Bánh ram ít có hai phần rõ ràng, phần bánh ram và phần bánh ít. Khác với bánh ít, bánh ram rất giòn. Nếu như khi làm bánh ít cần phải hấp lên để đảm bảo độ dẻo và màu trắng ngần của bánh, thì bánh ram người ta dùng loại vỏ bột nếp dẻo ấy trộn với khoai lang cho có vị ngọt và màu sắc đẹp tự nhiên, sau đó đưa vào chiên.
Cái hấp dẫn nhất của bánh ram ít chính là sự kết hợp giữa vị giòn tan của bánh ram với vị thơm, dẻo rất đặc trưng của nếp từ bánh ít và vị ngọt thanh của nước mắm.