Bánh gio - nhớ mãi vị quê
Nếu thứ bánh gio ngoài chợ như một cô nàng lả lướt ỏng ẻo xức nước hoa quá tay thì món bánh của bà giống một cô gái chân quê hiền lành mà mặn mà đằm thắm.
Đã lâu rồi tôi mới lại ăn bánh gio bà ngoại làm, cái thứ bánh hiền hòa óng ả thoang thoảng hương tro dù ăn cùng mật ngọt hay đường cũng đều có cái hay riêng, cái thì quyện quấn vào nhau như một tổng thể dịu ngọt cái thì tí tách hạt đường tạo nên một sự tương phản thú vị rồi tan vào với nhau.
Để làm được thứ bánh duyên ấy phải có thứ nước lẳng chuẩn, bằng không thì hoặc bị rời rã như bánh chưng nửa mùa hoặc bị nồng vôi hoặc bị nhoét bánh. Nước lẳng là thứ nước vàng trong béo bóng được gạn từ hỗn hợp nước vôi và tro của các loại lá, vỏ cây mà nhiều khi tôi cũng không nhớ hết được là loại cây gì; có lẽ đó cũng chính là một trong những bí quyết của bà để có món bánh gio thật thanh mát.
Có được nước chuẩn rồi thì mọi thứ thật đơn giản, gạo nếp ngon và đều hạt được đãi sạch, ngâm vào nước lẳng vài tiếng rồi vớt ra rá ngay trước khi gói, mà chỉ được vớt từng đợt nhỏ một thôi! Sở dĩ phải làm như vậy vì nếu múc thẳng gạo lên gói thì bánh dễ bị nhão còn nếu để gạo róc nước thì bánh lại bị thiếu nước lẳng đâm ra kém dền, yếu thơm.
Công việc tiếp theo là gói bánh làm sao để bánh không bị chặt quá, nhỏ dài đều đẹp, thích nhất là buộc bằng dây chuối hay lạt nhưng dạo này bà hay làm quá nên hết sạch, phải dùng thay bằng dây nylon. Sau khi công việc gói bánh xong xuôi, chỉ còn việc xếp bánh vào nồi, đổ ngập nước và đun khoảng 3 tiếng là được. Thời gian canh bếp luộc bánh cũng là thời gian bà cháu tôi ngồi bên nhau tâm tình thủ thỉ, những lúc ấy tôi thấy lòng mình ấm áp lạ, thời gian trôi thật nhanh, thoắt một cái đã bánh đã chín rồi!