"Bánh đúc có xương": Chuyện mẹ kế - con chồng "nóng" màn ảnh Việt

Nguyễn Lee,
Chia sẻ

“Bánh đúc có xương” không phải là câu chuyện tình yêu đẹp của một cặp đôi, nó phản ánh chuyện đời, chuyện những người trong cuộc nhìn nhận về mối quan hệ “mẹ kế - con chồng”…

“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, cái định kiến từ xa xưa đã gắn liền trong tiềm thức của nhiều người về mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa mẹ kế và con chồng. Thế nhưng, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã gạt phăng định kiến đó bằng việc đưa lên màn ảnh hình tượng người mẹ kế tốt bụng chân thành nhưng lại chịu sự ghẻ lạnh của chính con chồng. Bộ phim “Bánh đúc có xương” đã đi được hơn nửa chặng đường, mối quan hệ căng thẳng giữa những nhân vật chính cũng đang tới hồi cao trào. 


Những tình huống bước ra từ đời sống

Bánh đúc có xương bắt nguồn từ câu chuyện bố của Bảo Khánh đã ngoài trung niên, nhưng trót khiến một người phụ nữ mang thai. Bản thân ông cũng có tình cảm với bà Hà nên muốn tiến tới hôn nhân. Bảo Khánh phản đối, cô gái xinh đẹp, học thức, hiểu chuyện nhưng không chấp nhận chuyện tái hôn của bố. Cô luôn cho rằng, điều đó đồng nghĩa với việc phản bội người mẹ quá cố của mình. Nào ngờ đâu, Bảo Khánh cũng vướng vào tình cảnh trắc trở của chính người phụ nữ bấy lâu cô ghẻ lạnh.

Bảo Khánh cảm mến Chí Kiên - chủ tiệm bánh ngọt chính nơi cô làm và Kiên đã từng trải qua một cuộc hôn nhân thất bại. Cô cũng thân thiết với Hoài Anh, con gái của Kiên. Nhưng khi phát hiện ra mối quan hệ giữa Bảo Khánh và Kiên, Hoài Anh cùng mẹ ruột tìm cách phá rối đám cưới của hai người. Bảo Khánh muốn trở thành người mẹ tốt, dành sự quan tâm chân thành tới Hoài Anh nhưng đáp lại là những chiêu trò xấu tính từ con gái của chồng… Khán giả không khỏi giật mình trước những hoạt cảnh Hoài Anh bày ra để hãm hại Bảo Khánh, và đằng sau đó cũng là sự thao túng của Chi -  vợ cũ của Kiên.


Rõ ràng, đạo diễn Đặng Thái Huyền không phải là người đầu tiên đưa đề tài nhạy cảm này lên phim, nhưng đã thể hiện chân thật những tình huống tựa như mắt thấy tai nghe diễn ra hằng ngày. “Bánh đúc có xương” là góc nhìn tích cực về những người phụ nữ chẳng nề hà vác trên vai chức danh khó nghe “mẹ kế”. Màu sắc trong phim tươi sáng hơn khi mà Bảo Khánh cuối cùng cũng mở vòng tay đón nhận người mẹ mới giản dị, tốt bụng. 

Liệu Bảo Khánh có thể cảm hóa Hoài Anh để mái ấm gia đình hạnh phúc không còn là chiến trường của sự nhỏ nhen ích kỉ? Trong những tập phim gần đây, khán giả bất bình khi thấy Bảo Khánh cam chịu, kiên nhẫn trong khi Hoài Anh ngày càng trở nên ương bướng, ích kỉ. Tuy nhiên, không phải ai cũng tán thành quan điểm, cách xử sự của những nhân vật trong phim. 

Bảo Khánh - cô gái có tư tưởng hiện đại nhưng lại suy nghĩ tiêu cực trong vấn đề tái hôn của bố. Chí Kiên - chồng Bảo Khánh, nghiêm khắc quản lý con gái vậy mà sự uy nghiêm của Chí Kiên lại giảm đi, có phần bị động trước phản ứng thái quá của Hoài Anh và người vợ trước. Ngay cả bà nội của Bảo Khánh cũng từng tuyên bố đầy dõng dạc “mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Thế hệ trẻ còn giữ quan điểm phiến diện như vậy thì phải làm sao để thế hệ đi trước như bố Kiên, bà nội Bảo Khánh có cái nhìn lạc quan về câu chuyện “mẹ kế - con chồng”.  


Sức hút nằm ở tuyến nhân vật phụ

Tuy là những nhân vật phụ ít đất diễn nhưng mỗi lần xuất hiện, họ chính một làn gió mới thổi tan phần nào bầu không khí nặng nề trong phim. Khán giả cười hả hê khi bắt gặp cảnh thoắt ẩn, thoắt hiện, lảng tránh người theo đuổi của ông chú Đông Hưng nhát gái và những màn tấn công mạnh mẽ của cô nàng lỡ thì Ánh Tuyết chẳng nề hà vác “cọc tìm trâu”. 

Đặc biệt, diễn xuất tự nhiên của nghệ sĩ ưu tú Minh Châu trong vai bà bán thuốc dởm, nhiều chuyện, mưu mẹo… lại gây ấn tượng đối với nhiều người bởi sự tưng tửng, ngọt đến lạ. Cũng chính nghệ sĩ Minh Châu từng chia sẻ: “Trong phim, tôi đóng vai người phụ nữ có tính tò mò, suốt ngày để ý đến chuyện nhà người khác. Đây cũng là mẫu người thường thấy trong xã hội. Người phụ nữ ấy còn có tính xấu, nghĩ ra đủ thứ mưu mô đi lừa những người xung quanh. Nhưng cuối cùng khán giả cũng hiểu ra, chị ta bản chất là người tốt, chỉ vì thương con nợ nần nên mới làm như vậy”.

Yêu thương liệu có thể đổi lấy yêu thương, mất bao yêu thương mới xóa được định kiến làm xa cách những thành viên trong một gia đình? Đó là câu hỏi đặt ra cho khán giả khi theo dõi bộ phim Bánh đúc có xương đang phát sóng trong khung "giờ vàng" của Đài Truyền hình Việt Nam.
Chia sẻ