Bàng hoàng vì những gã chồng bất nhân ném vợ xuống sông

Bạch Dương (TH) Theo Người Lao Động,
Chia sẻ

Chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, những người đàn ông này đã nhẫn tâm ném người vợ “đầu gối tay ấp” bao năm của mình xuống sông, để lại cho gia đình những nỗi đau khôn xiết.

Ném vợ bại liệt xuống sông Đuống

Mới đây, dư luận đã hết sức phẫn nộ về vụ ông Nguyễn Kim Đức, 49 tuổi, trú tại tổ 1, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội ném vợ bại liệt xuống dòng sông Đuống đang chảy xiết. Tại cơ quan điều tra, giải thích cho hành vi nhẫn tâm của mình, ông Đức cho rằng vì vợ muốn chết nên “giúp sức”.

Câu chuyện đau lòng ấy xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 1/6, trên cây cầu bắc qua sông Đuống đoạn nối giữa phường Giang Biên (quận Long Biên) với thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Người vợ xấu số là bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi).

Qua lời kể của các nhân chứng có mặt tại hiện trường, ông Đức dừng xe máy giữa cầu, bế người vợ bị bại liệt ngồi sau xe rồi bất ngờ ném qua thành cầu.

Bàng hoàng vì những gã chồng bất nhân ném vợ xuống sông 1
Cầu sông Đuống, nơi bà Hiền bị người chồng nhẫn tâm đẩy xuống

Người phụ nữ dù bị liệt 1 tay nhưng tay kia vẫn còn bám được vào lan can, miệng kêu “cứu tôi với”. Những người chứng kiến định chạy tới hỗ trợ kéo người phụ nữ đó lên thì ông Đức tiếp tục gỡ tay rồi đẩy vợ rơi tõm xuống dòng sông chảy xiết, đục ngầu.

Mọi người vội vã chia nhau đi tìm nạn nhân và gọi những chiếc thuyền ở gần đó đến hỗ trợ việc tìm kiếm cứu hộ, đồng thời bắt giữ người đàn ông giao cho cơ quan chức năng.
Sau khoảng 30 giờ sau, thi thể bà Hiền được tìm thấy ở đoạn khúc quanh sông thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh, cách nhà chừng 15km.

Theo những hàng xóm của gia đình ông Đức cho biết, ông Đức thường xuyên say rượu, chửi mắng vợ như cơm bữa. Bà Hiền làm ruộng và buôn bán lặt vặt, nhưng mới đây bị tai biến, nên liệt nửa người. Ông Đức thường xuyên uống rượu, say xỉn, nhưng cũng chạy chữa, châm cứu cho vợ nhanh lành bệnh. Từ ngày đổ bệnh tính khí bà Hiền thay đổi, mỗi khi ông Đức chửi mắng, chị Hiền liền thách thức Đức giết mình.

Nghi ngờ vợ ngoại tình, đẩy vợ xuống sông Hồng


Trước đó, vào tháng 8/2012, các mặt báo đầy ắp thông tin về một vụ án mà người chồng đang tâm đẩy vợ xuống sông chỉ vì nghi ngờ vợ ngoại tình.

Người phụ nữ xấu số là chị Phạm Thị Thu H., 27 tuổi, quê Vĩnh Phúc, khi đó đang công tác tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Người chồng bất nhân là Trần Văn Lâm (SN 1980, trú tại huyện Lâm Thao, Phú Thọ).

Bàng hoàng vì những gã chồng bất nhân ném vợ xuống sông 2
Trần Văn Lâm chỉ chỗ ném vợ xuống sông.

Chuyện tình của chị H. và Lâm những tưởng cũng đẹp như mơ, khi chị H gạt bỏ mọi lời can ngăn về sự không “môn đăng hộ đối” của hai bên, cùng Lâm vượt qua những định kiến để làm đám cưới và tình yêu đơm hoa kết trái bằng sự ra đời của đứa con trai kháu khỉnh. Nhưng mọi sự không thể lường trước, Lâm ngày càng sa đà vào nghiện ngập, cờ bạc, chị H. làm việc ở Hà Nội kiếm được đồng nào lại trả nợ cho chồng đồng ấy. Ngoài ra, Lâm còn thường xuyên có hành vi côn đồ, đe dọa vợ.

Chị H. không chịu đựng nổi buộc phải ly thân với y. Từ ngày ly thân vợ, Lâm càng trượt dài vào con đường tội lỗi rồi phải lĩnh án tù vì đánh bạc và lừa đảo. Hắn đã có 2 tiền án, nghiện ma túy và mới ra tù hồi cuối tháng 7/2012.

Mãn hạn tù trở về, Lâm đến gặp chị H. để thương lượng “hàn gắn gia đình”. Sau nhiều lần hẹn gặp không được, vào chiều 7/8/2012, cơ quan chị H. tổ chức đi hát karaoke nhân dịp sinh nhật chị H., Lâm đến thẳng cơ quan vợ và giữa hai người xảy ra xô xát, cãi nhau.

Sau khi mọi người can ngăn, Lâm dùng xe máy Lead của chị H. chở chị về Phúc Yên. Trên đường đi, chị H. tiếp tục to tiếng chửi Lâm về chuyện Lâm đến cơ quan H. gây chuyện. Đến giữa cầu Thăng Long, Lâm dừng xe máy, bế chị H. lên thành cầu Thăng Long dọa cả hai cùng chết nhưng chị H. không sợ mà có những lời nói thách thức. Lâm đã buông tay ra khiến chị H. rơi xuống sông Hồng. Sau đó, Lâm mang xe máy Lead mang tên chị H. cùng toàn bộ giấy tờ đến một hiệu cầm đồ ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc cầm cố được 20 triệu đồng rồi bỏ trốn.

Cuối cùng, chiều ngày 23/8, khi đang lẩn trốn tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình, Trần Văn Lâm đã bị bắt về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và sau đó bị khởi tố về tội "giết người".

Khi những mâu thuẫn gia đình trở thành thảm án

Nguyên nhân dẫn đến bi kịch thảm khốc, phá vỡ mối quan hệ huyết thống trong nhiều gia đình trở thành vấn đề mà trách nhiệm lại chẳng thuộc về ai. Tiến sĩ tâm lý Hoàng Minh Hòa nhận định: Do bế tắc không tìm được lối thoát để giải quyết mâu thuẫn, bạo lực và tìm đến cái chết là con đường được lựa chọn.

Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ: Vợ chồng đến với nhau thường bằng tình yêu. Cùng với thời gian, cuộc sống hàng ngày đã làm phát sinh những bất đồng về thói quen, về lối sống thậm chí về tư duy làm ăn và cả cách nuôi dạy con cái… khiến tình yêu không còn. Khi đã cãi vã nhau thì cả hai bên đều dùng những từ ngữ cay nghiệt nhất để hạ nhục, xát muối vào lòng nhau.

Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, cái tôi của người đàn ông không chấp nhận sự xúc phạm của người vợ, còn người vợ cũng không chấp nhận sự hèn mọn hoặc sự phản bội của người chồng. Dân gian có câu "yêu nhau lắm cắn nhau đau", người đàn ông đang ở vị thế của một người chồng, người anh và người cha bỗng nhiên bị xúc phạm… Đó còn chưa kể đến một số trường hợp một trong hai bên còn cố tình khiêu khích đối phương bằng cách quan hệ bất chính với người thứ ba, điều này đã đẩy xung đột đến mức cao nhất.

Theo Thượng tá Đức thì nguyên nhân của sự việc trên là do cuộc sống ngày càng thiếu đi sự trung thực. Vì sao lại có sự nghi ngờ lẫn nhau nếu không có sự bất minh, khuất tất từ một trong hai phía. Những người ích kỷ thì cho rằng, đòi hỏi sự chứng minh là quá nhiều… Sự gia tăng ngày càng nhiều các vụ án thương tâm trên là do sự ràng buộc về thiết chế và về giáo lý ngày càng lỏng lẻo.

Trước đây, người ta thường sợ rằng "môi hở răng lạnh"… Nếu như trước đây, xã hội còn sự ràng buộc, người ta cãi nhau cũng sợ hàng xóm chê cười, bố mẹ đau lòng nên kìm nén còn giờ thì con cái sống độc lập, truyền thống của gia đình Việt Nam cũ không đủ sức mạnh để ràng buộc, đồng tiền khiến giá trị đạo đức bị đảo lộn.
Chia sẻ