Bạn muốn tăng cân?
Trong khi nhiều người muốn giảm cân, thì cũng có không ít người lo lắng vì trọng lượng “khiêm tốn” của mình. giảm cân khó đã đành, muốn tăng cân cũng không dễ...
Bạn có biết khi nào cơ thể “tự ăn thịt” mình không? Khi cơ thể bị bỏ đói, lượng mỡ sẽ được “đốt cháy” để cung cấp năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động. Khi hết mỡ thì chất đạm trong cơ thể cũng sẽ được huy động.
Làm sao để tăng các chất dinh dưỡng?
- Bạn cần phải tích cực hơn nữa trong việc ăn uống. Không bỏ bữa là nguyên tắc đầu tiên. Cùng với ba bữa ăn chính (sáng, trưa, chiều) có đầy đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng (cơm-phở, thịt cá, dầu mỡ, rau củ), bạn cần ăn thêm hai - ba bữa ăn phụ với ly sữa, chén chè, hũ yaourt, củ khoai… Nói chung, cứ khoảng 2-3 giờ là phải nhớ “làm tròn bổn phận với bản thân”. Bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm trong ngày. Việc đổi món ăn sẽ giúp bạn không bị ngán ngấy, lại có thể nhận được đủ chất dinh dưỡng. Nếu thực phẩm không đa dạng, bạn sẽ bị thiếu một số vi chất dinh dưỡng như chất đạm, chất sắt, kẽm, lysine..., có thể gây ra tình trạng biếng ăn và một số bệnh lý khác.
- Bạn có thể ăn nhiều món trong cùng một bữa nhưng không nên ăn quá nhiều.
- Bạn không nên ăn lặt vặt suốt ngày mà nên dồn vào những bữa ăn chính hoặc phụ.
- Trong bữa ăn chính cũng như bữa phụ, bạn hãy ưu tiên dùng các loại thức ăn bổ dưỡng, giàu năng lượng như sữa tươi, sữa bột nguyên kem các loại, bánh bông lan kem, hộp kem lạnh, sô cô la, chè đậu, thịt quay, tô mì có dầu mỡ… Trong chế biến món ăn, bạn nên thường xuyên làm các món chiên, xào, xúp có nước béo… Nếu không bị tăng mỡ trong máu thì hãy dùng sữa tươi, sữa nguyên kem, chú ý không dùng thường xuyên các loại sữa ít béo.
- Khi bị bệnh hoặc kém ăn, bạn có thể dùng các loại bột dinh dưỡng cao năng lượng như Enplus, Isocal, Pediasure... bổ sung thêm cho bữa ăn.
- Khi cơ thể gặp trục trặc trong tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng, làm cho bạn ăn khó tiêu hoặc chán ăn, hay tiêu chảy, tiêu phân sống, ăn nhiều vẫn không lên cân... bạn cần phải đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể.
Giảm năng lượng tiêu hao
- Nên xổ giun sán định kỳ mỗi sáu tháng.
- Chích ngừa phòng bệnh (viêm gan siêu vi B, viêm não Nhật Bản B, quai bị...), giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống để giảm hao tổn năng lượng do bệnh tật gây ra.
- Cần nghỉ ngơi và bồi dưỡng tốt để phục hồi sức khỏe sau khi bị bệnh.
- Nên điều hòa giữa lao động và nghỉ ngơi cho hợp lý.