Bài Toán 200 + 5 = 205 bị GẠCH SAI gây "sóng gió", phụ huynh đăng đàn thắc mắc, giáo viên bình luận: Nên xem lại kỹ năng sống

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Dù tổng điểm của bài kiểm tra học sinh được những 8,75 điểm (làm tròn đến 9 điểm), tuy nhiên phụ huynh vẫn "lấn cấn" vì 1 bài toán bị chấm sai.

Không hiếm các bài tập Toán của các con được bố mẹ mang ra để xin ý kiến cộng đồng mạng vì không biết phải giải như thế nào. Nhiều bố mẹ khi nhìn đề Toán của con đã than rằng: "Trẻ con bây giờ học khó thật đấy". Tuy nhiên, đó là các bài Toán có phần lắt léo, đòi hỏi tư duy logic, khả năng suy luận của trẻ. Đáng nói, nhiều bài vốn dĩ có kết quả "sờ sờ" nhưng vẫn gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa.

Trong một hội nhóm dành cho giáo viên mới đây cũng nổ ra tranh cãi quanh một bài kiểm tra được phụ huynh đăng tải lên xin ý kiến. Có thể thấy, dù tổng điểm của bài kiểm tra học sinh được những 8,75 điểm, tuy nhiên phụ huynh vẫn "lấn cấn" vì 1 bài Toán bị chấm sai.

Bài Toán 200 + 5 = 205 bị CHẤM SAI gây "sóng gió", phụ huynh đăng đàn thắc mắc, giáo viên bình luận: Nên xem lại kỹ năng sống  - Ảnh 1.

Trong 5 câu hỏi của đề Toán kiểm tra cuối học kỳ lớp 4, câu 2b của học sinh bị cô giáo gạch sai. Đề bài cho: 2 tạ 5 kg = 205 và yêu cầu học sinh chọn SAI hay ĐÚNG. Học sinh này lựa chọn phương án hai, tuy nhiên đáp án này bị gạch sai. "Câu b bài 2 cô giáo chấm như vậy là đúng hay sai ạ?", phụ huynh thắc mắc trên diễn đàn.

Bài viết nhận về gần 500 bình luận, trong đó hầu hết đều cho rằng trong trường hợp này cô giáo đã chấm đúng. Dù khi đổi đơn vị, 2 tạ bằng 200kg, cộng thêm 5kg sẽ cho ra kết quả 205. Tuy nhiên đáp án cho sẵn lại không có đơn vị đo khối lượng (kilogam) đi kèm. Câu trả lời SAI là hoàn toàn chính xác.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, với vai trò là phụ huynh, nếu có thắc mắc, thay vì đưa lớp, tên trường của con mình lên mạng thì phụ huynh nên trao đổi với giáo viên trước. Thời đại 4.0, không thiếu gì cách liên lạc, đây cũng là cách xử lý bày tỏ sự tin tưởng và tôn trọng người dạy dỗ con cái mình. 

- Em thấy giáo viên chấm đúng và đề cũng không sai ạ. Dạng này là đề nhằm kiểm tra mức độ nắm bắt kiến thức của các con. Thỉnh thoảng em ra đề cũng sẽ cho 2 đáp án số giống nhau nhưng 1 đáp án có đơn vị còn 1 đáp án không có đơn vị. Nếu học sinh nắm bắt chắc kiến thức thì sẽ không chọn sai câu này. Đôi khi lớp em cũng sẽ có bạn hỏi cô ơi sao câu này thiếu đơn vị thì em cũng thường bảo các con hãy suy nghĩ thật kĩ và làm bài theo ý hiểu của con. 

- Trước tiên thì trả lời cho câu hỏi của phụ huynh là cô giáo chấm đúng. Sau đó xin góp ý với phụ huynh thế này. Thay vì đưa lên đây hỏi, trước tiên bố mẹ hãy trao đổi với giáo viên để biết thêm thông tin. Nếu giáo viên sai người ta sẽ chủ động sửa, còn giáo viên đúng thì phụ huynh cũng biết được để lần sau hướng dẫn con. Chưa gì đã đưa lên mạng xã hội rồi. Phụ huynh nên xem lại kỹ năng sống của mình.

- Không có đơn vị yêu cầu đổi mà đổi được sao? Biết chỗ đó phải đổi ra kg hay gam? Học sinh phải nhận biết được chỗ đó thiếu đơn vị là không đúng. Vậy nên cô chấm đúng. Cô giáo ra đề hay và thực tế, cái cô cần là kĩ năng đọc đề, quan sát rồi sau đó là kiến thức của các con. Các bố mẹ chưa hỏi cô cứ tung lên mạng rồi nói này nói nọ, kính mong các phụ huynh cho con đi học thì tôn trọng người ta giùm.

Trên thực tế, mạng xã hội từng xuất hiện các bài Toán bị chấm sai một cách vô lý và cho rằng giáo viên thiếu chuyên môn. Tất nhiên với số lượng bài chấm một lần khá nhiều, việc nhầm lẫn đôi khi có thể xảy ra. Nhưng không hiếm trường hợp bị đặt nghi vấn "tự biên tự diễn" để dìm hàng giáo viên, khiến học sinh và phụ huynh có cái nhìn tiêu cực về nghề giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Chia sẻ