Bài tập Tiếng Việt cấp 1: Đồng nghĩa với từ "MỚI" là từ gì? Đáp án của cô giáo khiến phụ huynh tranh cãi dữ dội
Đa phần phụ huynh cho rằng câu trả lời của cô giáo 'có cũng như không'. Tuy nhiên, những giáo viên khác chỉ ra điều ngược lại.
Một bài tập tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học được chia sẻ trong hội nhóm dành cho bố mẹ mới đây trở thành đề tài được các phụ huynh đem ra "mổ xẻ". Đề bài yêu cầu học sinh "Tìm từ có nghĩa giống và từ có nghĩa trái ngược với mỗi từ đã cho sẵn". Bên cạnh những từ như “nhỏ”, “nhiều”, xuất hiện một từ gây tranh cãi: “Mới”.
Vì không tìm ra đáp án và "tìm google cũng không thấy", phụ huynh của em học sinh này đã nhắn tin hỏi cô giáo và được cô trả lời: "Từ có nghĩa giống với từ mới là “Mới mẻ”. Đáp án này khiến bà mẹ có phần "lăn tăn".
Trên diễn đàn, đa phần phụ huynh cho rằng câu trả lời của cô giáo "có cũng như không" bởi Mới và Mới mẻ chẳng có gì khác nhau ngoài từ Mẻ cả. Nhiều người cho biết, con họ cũng học tới bài tập này và không thể giúp con tìm ra câu trả lời đúng.
"Cần phân biệt từ đồng nghĩa hoàn toàn và từ đồng nghĩa không hoàn toàn"
Nói về vấn đề tranh cãi này, chị Quỳnh Trâm, giáo viên Tiểu học (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, phần kiến thức mà phụ huynh trong bài viết thắc mắc thuộc sách tiếng Việt lớp 3. Từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau chính là những từ đồng nghĩa. Trong Tiếng Việt, có từ đồng nghĩa hoàn toàn và từ đồng nghĩa không hoàn toàn.
Ví dụ cùng là từ "tròn" ta có tròn xoe, tròn tròn, tròn trịa. Đều là từ đồng nghĩa nhưng là đồng nghĩa không hoàn toàn. Vậy với từ Mới, các bố mẹ có thể hướng dẫn con thêm các tiếng khác ghép vào để tạo ra một từ có nét nghĩa chỉ độ mới - cũ của vật: mới tinh, mới mẻ, mơi mới, mới toanh. Hoặc từ "xinh" thì xinh xắn, xinh xẻo, xinh xinh cũng là những từ có nghĩa giống với xinh. Nó chỉ làm cụ thể hơn về nét nghĩa.
Theo cô Trâm, Mới và Mới mẻ là từ đồng nghĩa không hoàn toàn vì sẽ có những sắc thái biểu thị khác nhau. Ví dụ: Trường này trông cũng mới. Trường này trông cũng mới mẻ. Trường này trông cũng mơi mới.
Đồng tình với ý kiến này, cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho rằng, Mới và Mới mẻ không có ý nghĩa giống nhau hoàn toàn, tùy theo từng ngữ cảnh sử dụng. Trong trường hợp này, gợi ý của cô giáo là chính xác.
Trên thực tế, từ đồng nghĩa – trái nghĩa là chuyên đề sẽ theo suốt học sinh từ lớp 3 tới lớp 5. Việc nhận biết và tìm kiếm được các nhóm từ đồng nghĩa – trái nghĩa khác nhau giúp học sinh trau chuốt được lời văn, câu chữ và đạt được hiệu quả cao nhất trong giao tiếp.
Trong đó, từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Có thể chia từ đồng nghĩa thành hai loại:
+ Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối): Là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau và có thể thay thế cho nhau trong mọi ngữ cảnh. Ví dụ: "má" – "mẹ".
+ Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (đồng nghĩa tương đối): Là các từ tuy cùng nghĩa nhưng vẫn khác nhau phần nào sắc thái biểu cảm (biểu thị cảm xúc, thái độ) hoặc cách thức hành động. Ví dụ: "chết" – "mất" (Đều mang nghĩa không còn sự sống, song từ "mất" có sắc thái trang trọng, lịch sự hơn từ "chết").
Tuy nhiên, cũng cần phải tùy vào từng sắc thái của ý nghĩa của các từ nên không phải bất kỳ từ đồng nghĩa nào cũng phù hợp để thay thế. Bởi vậy khi muốn thay một từ nào đó bằng từ đồng nghĩa với chúng, thì bạn vẫn nên cân nhắc kỹ bởi cho dù chúng có cùng ý nghĩa nhưng có thể cách thể hiện hay biểu đạt lại không thích hợp. Nếu như sử dụng từ đồng nghĩa phù hợp chúng sẽ có tác dụng nói giảm, nói tránh, loại trừ cảm giác thô tục hay nặng nề.