Bài toán: "Hãy viết các số từ 1 đến 9", học sinh làm đúng nhưng bị cô giáo gạch chéo vì lỗi này, dân mạng lại hết lời khen: Quá sáng tạo!
Xem bài toán của học sinh làm mà cả giáo viên lẫn phụ huynh phải… ngã ngửa vì độ sáng tạo!
Kèm con học bài mỗi tối có lẽ là công việc đau đầu của không ít phụ huynh. Sau một ngày làm việc căng thẳng, khi trở về nhà, họ lại bắt đầu cuộc chiến mới, đó là cùng con học tập. Để có thể hướng dẫn con, cha mẹ cần xem lại bài giảng của giáo viên cùng các tài liệu tham khảo khác. Chưa dừng ở đó, việc khó nhất là truyền tải kiến thức theo cách phù hợp để con có thể tiếp thu dễ dàng.
Từ chuyện dạy con học, có không ít trường hợp dở khóc dở cười xuất hiện trên MXH. Chẳng hạn một người mẹ từng bật khóc nức nở khi giảng mãi mà con không hiểu, ông bố nọ phải chạy ra ban công hóng gió để nguôi giận hay một bà mẹ đưa đầu mình vào tủ lạnh cho đỡ bốc hoả,… Nhiều người tâm sự rằng, dạy con là công việc áp lực nhất, cần sự bình tĩnh, khéo léo, tinh tế.
Mới đây, một bà mẹ (Trung Quốc) đã chia sẻ bài toán lớp 1 của con bị cô giáo gạch đi cùng lời phê không đồng tình. Bài toán có nội dung như sau: "Hãy viết các số từ 1 – 9 theo yêu cầu từ bé đến lớn và từ lớn đến bé".
Với bài tập này, ai cũng nghĩ học sinh nhắm mắt giải trong 3 phút là cho ra kết quả đúng. Cậu học sinh trong câu chuyện đã trả lời như sau:
- Các số từ 1 – 9 theo yêu cầu từ bé đến lớn: 1 2 3 4 5 6 7 8 9
- Các số từ 1 – 9 theo yêu cầu từ lớn đến bé: 9 8 7 6 5 4 3 2 1.
Đây cũng là đáp án được mọi người cho là đúng. Nhưng phía dưới bài tập, cô giáo đã gạch chữ X cùng lời phê ngắn gọn: "Nghiêm túc làm lại bài!". Cậu bé sợ sệt nhìn mẹ, không hiểu vì sao bị giáo viên gạch chéo toàn bài. Người mẹ đã đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu dụng ý của giáo viên. Người mẹ bật cười thích thú bởi hoá ra con trai không chỉ làm đúng theo yêu cầu mà còn viết các chữ số theo phông chữ từ bé đến lớn và ngược lại.
Sau đó, bài tập của cậu học sinh tiểu học lan truyền trên MXH. Cư dân mạng tỏ ra thích thú trước lời giải, cho rằng cậu không chỉ trả lời đúng mà còn có cách trình bày thông minh, sáng tạo! Và hơn nữa, cậu làm bài hoàn toàn nghiêm túc, theo suy luận non nớt của bản thân.
Tuy nhiên, một số giáo viên đã lên tiếng cách chấm bài như vậy không sai. Đối với học sinh, đặc biệt là cấp Tiểu học – giai đoạn quan trọng hình thành thói quen học tập thì giáo viên phải nghiêm khắc chỉnh sửa từng ly từng tý. Từ đó, trẻ sẽ được rèn tính cách cẩn thận, chỉn chu khi làm bài, giúp đạt điểm cao trong kỳ thi. Bên cạnh đó, đề bài trên đưa ra yêu cầu là sắp xếp số đếm theo thứ tự, không hề nhắc đến kích thước phông chữ. Vì thế, cậu bé cần nghiêm túc xem lại đề.
Có thể thấy, cô giáo trong câu chuyện đang định hướng cách học tập và giải đề cho học sinh, tránh để các em sáng tạo có phần quá đà. Thử hỏi khi vào phòng thi, nếu học sinh suy diễn viển vông, có cách giải chẳng giống ai thì kết quả sẽ như thế nào?
Tóm lại, trong giáo dục cần có sự thoải mái để học sinh phát triển tư duy, nâng cao sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo cần phù hợp với bài học và mang đến giá trị hữu ích, tránh trường hợp lan man, không sát thực tế.
Trong câu chuyện trên, người mẹ nên cảm thông với giáo viên của con. Vì mục đích cuối cùng của cả giáo viên lẫn phụ huynh đều mong trẻ học hành tiến bộ, đạt nhiều thành tích cao.