Bài học nhân tâm từ cựu nữ giám đốc 41 tuổi: "Cho nhân viên đi du lịch, mình làm sếp không bao giờ đi cùng"

Lynk,
Chia sẻ

Đó là bởi, dù bạn có là một người sếp tâm lý đến đâu, hòa đồng vui vẻ đến thế nào, thì nhân viên vẫn luôn giữ khoảng cách, không bao giờ thoải mái hết mình khi có sếp kè kè bên cạnh.

Trong môi trường công sở, chẳng bao giờ tránh khỏi chuyện nhân viên bằng mặt mà không bằng lòng với cấp trên. Tuy nhiên, thường thì không có nhân viên nào dám thể hiện những bất mãn khó chịu ấy ra, dù có ghét sếp đến đâu cũng chỉ ấm ức giữ trong lòng, hoặc rủ rê đồng nghiệp túm tụm lại xả cơn bực tức. Nhiều sếp cũng biết thừa là cấp dưới có vấn đề, trước mặt đon đả sau lưng bĩu môi, nhưng cũng khuất mắt trông coi, hoặc phũ phàng hơn là kiếm cớ cho nhân viên nghỉ việc, đỡ mệt mỏi cả đôi bên.

Làm cấp dưới thì có rất nhiều điều phải học hỏi, nhưng không có nghĩa là làm sếp sẽ có quyền đối xử với nhân viên một cách tùy tiện. Ngồi ở chiếc ghế cao hơn cũng có vô số thứ phải học, phải trải nghiệm. Nếu chỉ nói vậy thôi thì ai cũng cho đó là mớ lý thuyết suông, hãy xem bài học thực tiễn từ một bà chủ spa từng giữ chức giám đốc cao cấp trong công ty Nhật Bản để hiểu thế nào mới đúng là sếp tâm lý.

"ĐỐI ĐÃI NHÂN VIÊN

Năm ngoái mình cho nhân viên đi Đà Nẵng và Hội An, đi về mình bảo làm hộ chiếu đi rồi cô cho đi nước ngoài. Năm nay định cho đi Thái Lan nhưng 2 đứa chưa làm hộ chiếu, nên mình cho tiền tự lên kế hoạch đi đâu thì đi, mình không đi cùng.

Ngày trước còn đi làm thuê, mỗi lần công ty có tiệc tùng thì bàn nào có sếp ngồi, bàn đó sẽ đùn đẩy nhau, cử đứa nào đó ra ngồi cùng. Đi du lịch chia 2 nhóm để còn trực công ty chứ không đi hết 1 đợt, nhóm nào có sếp thì các nhân viên đều thở dài.

Bài học nhân tâm từ cựu nữ giám đốc 41 tuổi: Cho nhân viên đi du lịch, mình làm sếp không bao giờ đi cùng - Ảnh 1.

Bà chủ 7X với bài học làm sếp đáng suy ngẫm.

Tuy mối quan hệ của mình với nhân viên nói chung là cũng tốt đẹp, chỉ như cọp với thỏ thôi chứ về cơ bản là không có gì kinh khủng, nhưng chắc chắn không có mình chúng nó sẽ tự do thoải mái hơn. Mình vừa không bị mất thêm tiền, vừa đỡ phải ăn chơi theo bọn kia (nó trẻ sức khỏe tốt, mình già rồi không chạy theo ăn chơi cùng được). 

Tuy nhiên ở spa mình không phân chia làm đủ năm thì mới được cho đi du lịch, mà cứ là nhân viên thì tất cả những gì thuộc về ăn chơi, thưởng lễ Tết sẽ hưởng như nhau. 

Lương hưởng theo thâm niên. Hoa hồng hưởng theo năng lực.

Các nhân viên của spa đều được mình tuyển rất kỹ về mặt nhân cách, chỉ cần tồn tại với mình được qua 2 tuần là sẽ tồn tại được mãi mãi, còn không thì chỉ cần 1 tuần mình ngồi nhà cũng nhận ra được có ổn hay không.

(Bọn nhân viên nó hãi nhất mình ở chỗ là ngồi nhà hỏi vài câu xong bảo: Cháu nghỉ việc đi hay phạt cho lanh tanh bành).

Tính mình hổ báo cáo chồn tý nhưng được cái làm việc với mình không lo thiệt thòi, đã làm là làm trọn đời và đãi ngộ đủ để sống tốt".

Bài học nhân tâm từ cựu nữ giám đốc 41 tuổi: Cho nhân viên đi du lịch, mình làm sếp không bao giờ đi cùng - Ảnh 2.

Cho dù thân thiện đến đâu, hãy luôn nhớ, giữa sếp và nhân viên luôn có khoảng cách nhất định.

Câu chuyện nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa sâu sắc ở trên được chị Điền Kiều Hồng Hạnh - cựu nữ giám đốc công ty Nhật Bản chia sẻ từ chính trải nghiệm thực tế của bản thân sau khi nghỉ việc văn phòng để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Bài học "Không có mặt sếp thì nhân viên luôn thoải mái" được chị đúc rút sau gần 20 năm trải qua đủ mọi chức vụ từ thấp đến cao trong công ty cũ, khiến nhiều người tâm đắc vì chị nói quá đúng.

Từ lúc mới 28 tuổi, chị Hạnh đã được thăng chức làm trưởng bộ phận khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, dù đó chưa phải là chức vụ có quyền lực lớn. Với tính cách nghiêm túc, chỉn chu, lại ứng xử khéo léo, chị Hạnh luôn được lòng đồng nghiệp xung quanh, cấp trên, và cả đối tác. Không phải tự nhiên mà cựu nữ giám đốc có được thành công như vậy, đó là nhờ sự chăm chỉ quan sát, tìm hiểu, quan tâm đến mọi người xung quanh và lựa chọn cách đối đãi phù hợp với từng người.

Chị Hạnh hiểu rõ một điều là dù chị có đối xử tốt, gần gũi quan tâm nhân viên đến đâu, thì về cơ bản, nhân viên vẫn luôn giữ khoảng cách nhất định với người quản lý. Họ có thể không dám phàn nàn thẳng trước mặt sếp vì miếng cơm manh áo, vì nhiều áp lực khác... nên họ phải kiềm chế cảm xúc, suy nghĩ để tiếp tục công việc, tươi cười chào sếp mỗi ngày. Thế nhưng, sếp thì có quyền phàn nàn, và cũng có quyền đánh giá cấp dưới thông qua những chi tiết nhỏ nhặt thường ngày. Vậy nên, tránh được sếp càng nhiều thì càng tốt!

Bài học nhân tâm từ cựu nữ giám đốc 41 tuổi: Cho nhân viên đi du lịch, mình làm sếp không bao giờ đi cùng - Ảnh 3.

Cựu nữ giám đốc 41 tuổi có rất nhiều bài học sâu sắc, giá trị về chuyện đi làm chốn công sở.

Bản thân chị Hạnh cũng từng là cấp dưới, luôn cố gắng hết sức để làm tốt công việc của mình. Chị cũng có tâm lý chung như nhiều nhân viên công sở khác, không muốn sếp phật lòng về mình dù ở văn phòng hay đi du lịch tiệc tùng bên ngoài. Đến hiện tại, không còn làm thuê cho ai nữa, được tự do "làm thuê" cho chính mình, điều hành cả 1 chuỗi spa với đội ngũ nhân viên không hề ít, nhưng chị Hạnh luôn được nhân viên yêu quý, tôn trọng, bởi những bài học giản dị chị chia sẻ mỗi ngày, và chứng minh qua từng hành động thực tế, chứ không phải nói ra rồi để đấy.

Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên luôn đòi hỏi sự khéo léo và cẩn trọng từ cả 2 phía, sếp tâm lý thì nhân viên vui vẻ, ngược lại nhân viên học được cách thẳng thắn tôn trọng cấp trên thì công việc cũng dễ chịu thoải mái hơn rất nhiều. Đôi khi, không phải cứ nỗ lực gần gũi thân thiện với nhân viên như anh em bạn bè là điều tốt, sếp thấy ổn nhưng trong lòng nhân viên chưa chắc đã thấy OK!

Chia sẻ