Bác sỹ 'kê đơn' thuốc di động cho chuyến du lịch an toàn, nhẹ nhõm
Trước mỗi chuyến du lịch, không nhiều người nghĩ tới việc chuẩn bị sẵn trong hành trang những thuốc mua không cần kê đơn, phòng chống các chứng bệnh thông thường như: cảm mạo, dị ứng, ho, rối loạn tiêu hóa…, dược sĩ Khánh Nguyên (ĐH Dược Hà Nội) chia sẻ.
Thuốc trị cảm sốt: Loại thuốc thông dụng cần mang theo là paracetamol. Nhiệt kế cũng nên có. Lưu ý, rượu bia và các đồ uống có chất kích thích dùng trong khi uống thuốc này có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan.
Thuốc chữa ho và sổ mũi : Leo núi hay tắm biển rồi lại phơi nắng, dễ gây ra sổ mũi, ho. Lúc này, nên dùng thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng có tác dụng làm dịu và giảm ho như phenergan, théralène; hoặc thuốc trị ho atussin, toplexil, pulmofar... Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch, chống ngạt mũi. Tuy nhiên, đối với loại thuốc nhỏ mũi co mạch, không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.
Thuốc cần dùng khi bị dị ứng (thức ăn, tiếp xúc côn trùng, thời tiết…): Ngay sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, trên da xuất hiện những đám mày đay mảng gồ lên và rất ngứa. Mảng này có thể biến mất trong vòng vài giờ nhưng cũng có thể lan ra khắp cơ thể...Nặng hơn, có thể bị phù môi, sưng mắt, khó thở…Trường hợp dị ứng thức ăn còn đau bụng quằn quại…Vì vậy, trong túi thuốc du lịch cần có thuốc chống dị ứng như desloratadine (dạng viên dùng cho người lớn, dạng siro để dùng cho trẻ nhỏ), loratadin…và thuốc dạng kem bôi như phenergan, hydrocortisol để bôi ngoài da.
Khi bị dị ứng, ngay lập tức phải ngưng tiếp xúc với tác nhân nghi ngờ gây dị ứng, rồi dùng thuốc. Trường hợp bị dị ứng do tiếp xúc côn trùng thì nên rửa sạch nơi tiếp xúc hoặc vết cắn côn trùng bằng xà bông với nước sạch. Ngoài ra, có thể bôi kem phenergan, hydrocortisol… lên vết cắn côn trùng để hạn chế phản ứng tại chỗ. Nếu bị dị ứng nặng có dấu hiệu phù mặt, môi, khó thở, thở rít... cần nhập viện gấp.
Thuốc tiêu hóa: Đây là thuốc đặc biệt quan trọng.
Nôn ói: Thường do say tàu xe, có thể dùng một thuốc chống nôn sau: promethazine (phenergan), diphenhydramine (nautamine), cinnarizine (stugeron)... hoặc dùng dạng thuốc dán vào da sau tai là scopolamine (trẻ dưới 8 tuổi không được dùng).
Với chứng khó tiêu đầy bụng: Nếu khó tiêu đầy bụng kèm theo đau dạ dày nên dùng một trong các thuốc kháng acid sau: Maalox plus, simelox, phosphalugel, gasvicon, pepsan. Hoặc chỉ khó tiêu đầy bụng thì dùng thuốc là men tiêu hóa như neopeptine. Gừng giã nhỏ, hoà với nước ấm cũng có thể làm giảm chứng khó tiêu.
Tiêu chảy: Có thể do virus hoặc bị ngộ độc thức ăn… Trong túi thuốc nhất định phải có gói oresol hoặc gói hydrite. Vì lúc này việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là phải bù nước và chất điện giải. Pha các gói bù nước này với nước đun sôi để nguội theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì. Có thể thay thế dung dịch này bằng nước dừa tươi, nhưng một trái dừa tươi nên bỏ thêm một nhúm rất nhỏ muối tinh.
Ngoài oresol hoặc hydrit cần mang theo, nên chuẩn bị sẵn thuốc cầm tiêu chảy như: loperamid, beberin,viên than hoạt tính… Những thuốc này không nên uống ngay khi mới bị tiêu chảy (nhất là trường hợp tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm). Mà nên uống sau khi đi ngoài chừng 5 lần cho thải hết độc tố gây tiêu chảy trong đường ruột. Việc uống ngay thuốc cầm tiêu chảy sẽ khiến tác nhân gây tiêu chảy ứ lại trong ruột, sẽ gây sình hơi trướng bụng, buồn nôn, rất khó chịu. Nên uống thuốc cầm tiêu chảy song song uống oresol.
Thuốc phòng táo bón: Nên mang theo các thuốc trị táo bón như igol, metamucil, sorbitol, forlax, lactulose. Trong túi y tế cần phải có vài tuýp thuốc thụt tháo phân, như: bibolax… để dùng khi cần thiết.
Thuốc có thể nhờ dược sĩ ở nhà thuốc hướng dẫn mua trữ và hướng dẫn cách sử dụng.