Bác sĩ xuyên đêm phẫu thuật cứu bé gái đa chấn thương vùng mặt vì tai nạn giao thông
Bé gái 15 tuổi gặp tai nạn giao thông, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng vỡ sàn ổ mắt, rách lưỡi, gãy xương gò má trái, vết thương vùng hàm mặt phức tạp.
Chiều 30-10, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết các bác sĩ vừa kịp thời phẫu thuật cứu bệnh nhi K.T.K (15 tuổi, ngụ Bạc Liêu) bị tai nạn giao thông biến dạng mặt với các vết thương phức tạp tại trán, da quanh ổ mắt, môi trên, mũi, rách lưỡi; đứt bờ mi, sụn mi.
Ekip bác sĩ dù trải qua ca phẫu thuật đêm căng thẳng nhưng vui mừng vì ca phẫu thuật thành công
Bé K. Bị tai nạn giao thông đập mặt xuống đường, bất tỉnh. Sau đó em được đưa đến cơ sở y tế địa phương băng vết thương và sử dụng kháng sinh, giảm đau, tiêm huyết thanh ngừa uốn ván. Do vết thương vùng mặt phức tạp em được bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu.
Các bác sĩ trong ekip phẫu thuật chúc mừng bé K. đã hồi phục sức khỏe
BS CK2 Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khi tiếp cận bệnh nhi khuôn mặt băng bó hết một bên. Bác sĩ nhận định đây là ca bệnh đa chấn thương vùng mặt do đó phải loại trừ chấn thương sọ não và báo động đỏ. Theo kết quả chụp CT scan tại tuyến tỉnh đã loại trừ vấn đề này và cả báo động đỏ.
Tuy nhiên, vì vết thương vùng mặt nhiều nên các bác sĩ phải hội chuẩn liên khoa gồm răng hàm mặt, mắt, chấn thương chỉnh hình... để lên kế hoạch mổ khẩn cho bé ngay trong đêm.
"Do vết thương phức tạp nếu không nhanh chóng phẫu thuật bé sẽ có nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, tránh tình trạng khuôn mặt biến dạng sau này" - bác sĩ Phương cho hay.
BS CK2 Nguyễn Minh Hằng, Phó Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết vết thương rất dơ, có nhiều đất, đá đen bám vào. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn có nhiều mảnh vụn xương bờ ngoài ổ mắt nên các bác sĩ phải sắp lại xương; khâu vết thương lưỡi, trán, má, môi…. Sau 6 tiếng phẫu thuật (từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau), ca mổ thành công. Hiện vết thương của bé đã dần ổn định.
TS-BS Nguyễn Văn Đẩu, Cố vấn chuyên môn Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết thêm tại bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều ca bệnh vì tai nạn giao thông với các vết thương phức tạp. Đáng lưu ý, để có được hiệu quả điều trị của tuyến trên không thể bỏ qua khâu xử trí ban đầu của bệnh viện tuyến dưới.
"Các bác sĩ tuyến dưới đã tận dụng hết khả năng của đơn vị mình để xử trí vết thương ban đầu. Bên cạnh đó khi xử trí vết thương cũng giúp cho người bệnh và thân nhân ổn định tâm lý" - bác sĩ Đẩu chia sẻ.
Tiên lượng về tình trạng sau này, bác sĩ Đẩu cho biết thêm các vết mổ không thể tránh khỏi sẹo cho bé. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa sẹo sau này không ảnh hưởng đến chức năng cũng như sinh hoạt của bé, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị chi tiết cho bé nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.