"Bác sĩ mạng" và những lời khuyên phản khoa học: Hãy chọn lọc kiến thức để không tự làm hại chính mình

Bảo Nam,
Chia sẻ

Mặt trái của mạng xã hội đó là tạo cơ hội để các bác sĩ giả mạo lộng hành, truyền bá nhiều kiến thức phản khoa học.

Khi "bác sĩ online" lộng hành khắp mạng xã hội

Internet đang bước vào kỷ nguyên thông minh, mặt tốt của nó là giúp chúng ta tiếp cận được nguồn kiến thức vô tận. Nhờ có mạng xã hội, chưa bao giờ bác sĩ và bệnh nhân lại gần nhau như thế. Chỉ bằng 1 cú click chuột, chúng ta được nghe bác sĩ tư vấn miễn phí, được nghe lời khuyên và thậm chí cả chẩn đoán bệnh. Còn nhớ hồi COVID-19 còn hoành hành phức tạp, nhờ có mạng xã hội mà nhiều người trong chúng ta được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp kiến thức từ xa.

Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội đó là tạo cơ hội để các bác sĩ giả mạo lộng hành, truyền bá nhiều kiến thức phản khoa học. Ví dụ như: Thụt tháo đại tràng giúp thải độc cơ thể; nữ giới 14 tuổi là đủ tuổi sinh con; chữa bệnh ung thư bằng cách uống nước lá... Những video kiểu này giúp "bác sĩ online" có nhiều lượt xem, lượt theo dõi và phục vụ mục đích thương mại của họ. Tuy nhiên, vì tin vào những nội dung như vậy mà nhiều người sẽ hiểu sai, làm sai và tiềm ẩn những hệ quả nghiêm trọng.

"Nữ giới 14 tuổi là thời điểm tốt nhất để sinh con"

(Ảnh cắt từ mạng xã hội).

Thời gian gần đây, một tài khoản Tiktoker giới thiệu mình là Thạc sĩ, bác sĩ đã gây xôn xao khi chia sẻ quan điểm: Nữ giới 14 tuổi đã đủ sức khỏe để làm mẹ.

Trong video, người này nói: "Nữ giới 14 tuổi là hệ sinh dục đã đầy đủ, sức khỏe tốt nhất để có thể mang bầu".

Sau khi đăng tải, video nhận về các bình luận trái chiều. Sau đó, người này đã xóa đoạn video trên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở giai đoạn vị thành niên (10-19 tuổi), trẻ em đang phát triển về tâm sinh lý, do đó việc mang thai ở giai đoạn này gây nhiều tác hại về thể chất lẫn tinh thần.

Mang thai ở tuổi vị thành niên, cơ thể của bà mẹ trẻ chưa sẵn sàng cho việc mang thai, dễ khiến trẻ gặp biến chứng như thiếu máu, thai lưu, đẻ non, sảy thai. Đặc biệt là khi trẻ lâm bồn rất dễ bị băng huyết, nhiễm trùng, sản giật.

Chưa hết, bộ máy sinh sản của bà mẹ trong giai đoạn vị thành niên chưa hoàn thiện, vì thế đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ đang trong độ tuổi thành niên rất dễ bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp...

Mặc dù chủ tài khoản đã xóa video trên Tiktok nhưng không thể phủ nhận việc chia sẻ kiến thức như vậy đã gây ra những hiểu lầm không nhỏ cho người xem. Đặc biệt, nếu đối tượng xem là trẻ nhỏ, chưa có đủ kiến thức hiểu biết và vô tình tin theo thì rất có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường và hậu quả đáng tiếc.

"Ăn phở + uống trà đá gây ung thư"

"Bác sĩ mạng" và những lời khuyên phản khoa học: Hãy chọn lọc kiến thức để không tự làm hại chính mình- Ảnh 3.

(Ảnh cắt từ mạng xã hội).

Một người được cho là bác sĩ H.D.T từng chia sẻ lên mạng xã hội đoạn video nói rằng: Cơ thể con người thường bị bệnh là do thói quen ăn uống sai lầm. Đơn cử như thói quen ăn phở uống trà đá.

Ví dụ khi làm thí nghiệm thả cục đá vào tô phở sẽ thấy mỡ bị vón cục lại, để mỡ tan ra thì cần nhiệt độ 48 độ. Trong khi đó cơ thể chúng ta chỉ 37 độ, thì khó có thể khiến mỡ tan ra.

Điều này khiến dạ dày của chúng ta làm việc “ì ạch”, ví dụ dạ dày chỉ cần làm 1,5 tiếng - 2 tiếng là tiêu hóa được thức ăn thì nay phải hoạt động tới 3 - 4 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa tan được hết mỡ đó.

Các vi hạt mỡ này khi tới ruột non, tá tràng đều không hấp thu được, và tiếp tục đi xuống ruột già. Ở ruột già sẽ gặp các vi khuẩn bất lợi, khiến chúng ta bị viêm đại tràng. Và khi tình trạng viêm này lặp đi lặp lại sẽ sinh ra polyp. Trong khi polyp sẽ tạo ra khối u và khối u khi bị nhiễm trùng sẽ gây ra ung thư.

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia): Thông tin vừa ăn phở, vừa uống trà đá gây viêm đại tràng, sau đó gây bệnh ung thư là không có căn cứ và cơ sở khoa học. Dù vậy, vị chuyên gia không khuyến khích mọi người uống nhiều trà đá, nhất là các quán nước vỉa hè.

"Bát nước mắm ăn thừa sau 4 tiếng sẽ sản sinh ra chất gây ung thư"

"Bác sĩ" có tên H.D.T trên cũng từng gây hoang mang khi chia sẻ: "Chén nước mắm chúng ta ăn không hết, chúng ta lấy đậy lại, 4 tiếng đồng hồ sau là có chất gây ra ung thư". Clip này được đăng tải trên TikTok và nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, hàng ngàn lượt bình luận.

"Bác sĩ mạng" và những lời khuyên phản khoa học: Hãy chọn lọc kiến thức để không tự làm hại chính mình- Ảnh 4.

(Ảnh cắt từ mạng xã hội).

Vị "bác sĩ" phân tích như sau: "Các bạn có hiểu không? Nước mắm thực sự là gì? Nó có axit amin, tức là chất đạm, vì người ta chiết xuất từ cá. Các axit amin đó được giữ dưới lượng muối, và ta giữ cái mắm đó thành cái chất dinh dưỡng.

Nhưng axit amin đó các bạn rót ra chén, rồi các bạn ăn sẽ lẫn nước bọt, các thức ăn khác khi chúng ta chấm… Và amin kết hợp với muối rồi thành nitrat… Các bạn để 4 tiếng đồng hồ sau, bắt đầu vi khuẩn lên men nitrat thành nitrosamine. Khi ăn vào cơ thể mình tạo ra dioxin. Mà dioxin có phải là chuyên gia tạo ra khối u không?".

Bình luận về thông tin trên, ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) chia sẻ: "Ở Việt Nam thì chuyện dùng nước mắm xong để từ trưa đến chiều khá phổ biến... Nghe để nước mắm 4 tiếng xong gây ung thư thì chắc nhiều người cũng sợ.

Nhưng việc nước mắm rót ra chén, để một khoảng thời gian thì nó không tạo thành những chất gây ung thư giống như vị chuyên gia vừa rồi nói".

Dù vậy, BS Đặng Ngọc Hùng cũng không ủng hộ việc dùng lại nước mắm ăn thừa. Bởi đồ ăn để trên 2h đã nên hâm (làm nóng) lại, còn nước mắm thì thường rất ít khi làm vậy. Việc để nước mắm từ sáng đến chiều dễ gây ra sự phát triển của vi khuẩn, có khả năng gây đau bụng hoặc làm chúng ta bị tiêu chảy chứ không phải gây ung thư.

Uống nước lá giúp điều trị triệt để bệnh ung thư

(Ảnh cắt từ mạng xã hội).

Các loại lá cây, bài thuốc từ thiên nhiên có tác dụng điều trị ung thư là nội dung "hút view" vô cùng trên mạng xã hội. Nhiều "bác sĩ mạng" chia sẻ công thức để điều trị dứt điểm ung thư sau vài lần sử dụng, bài thuốc chữa ung thư dù bệnh viện trả về...

TS.BS Vũ Hữu Khiêm (Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) chia sẻ, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp người bệnh ung thư không tuân theo y lệnh, từ chối can thiệp, điều trị. Họ quyết định về nhà tự điều trị bằng thuốc nam hay các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Nhưng đến khi họ trở nặng, quay trở lại bệnh viện thì đã mất cơ hội điều trị.

Bác sĩ cho biết, dùng thuốc nam có thể hỗ trợ người bệnh ung thư cải thiện triệu chứng, tinh thần, do đó có cảm giác khỏe hơn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy uống thuốc nam có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Sau một thời gian uống, người bệnh có thể diễn tiến nặng.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tin vào y học hiện đại. Người bệnh đang điều trị, đặc biệt là các loại ung thư có diễn tiến nhanh, nên tuyệt đối tuân thủ phác đồ, không ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Hiểu sai, dẫn đến làm sai: Hãy chọn lọc kiến thức để không tự làm hại chính mình

Hậu quả của việc cả tin, không kiểm chứng thông tin trước những lời tư vấn của "bác sĩ mạng" đó là hiểu sai, dẫn đến làm sai và để lại hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Đó là còn chưa nói đến việc chúng ta có thể được mời chào mua những sản phẩm không đạt chất lượng hoặc hết hạn sử dụng, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Để không là nạn nhân của "bác sĩ online", điều quan trọng là mọi người cần phải nâng cao hiểu biết, chọn lọc thông tin.

Đặc biệt khi có bất cứ dấu hiệu hay đang gặp tình trạng sức khỏe nào, mọi người nên đến bệnh viện để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết... để có kết quả và lời tư vấn chính xác nhất từ bác sĩ.

Chia sẻ