Bác sĩ lên tiếng về vụ bé gái 3 tuổi bị 6 bệnh viện từ chối giám định xâm hại
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM việc từ chối giám định xâm hại tình dục cho cháu bé là bác sĩ đang làm đúng chức năng của mình.
Ngày 26/4, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã gửi bản kiến nghị khẩn cấp đến Công an huyện Nhà Bè, VKSND huyện Nhà Bè, liên quan đến vụ việc bé L. (gần 3 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) nghi bị ông B. (hơn 70 tuổi) sống cùng dãy nhà trọ xâm hại.
Theo luật sư, căn cứ vào tài liệu chứng cứ hiện có thì đã đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo nội dung sự việc, sáng 15/4, chị M. (mẹ cháu L., ở Nhà Bè, TP.HCM) tắm rửa cho con gái thì thấy con gái bình thường, không hề có biểu hiện gì lạ. Sau đó, khoảng 16h, bé chạy ra trước hẻm của dãy nhà trọ chơi .
Một giờ sau, cháu L. chạy về nhà rồi lên cơn sốt cao và liên tục nói đau vùng kín. Chị Mai kiểm tra thì thấy vùng kín của bé bị tấy đỏ, trầy nhẹ. Đến chiều 16/4, anh T. (chồng chị M.) trở về nhà nghe vợ kể lại nên hỏi con gái thì nghe cháu L. liên tục nói với cha "con bị đau" rồi chỉ tay vào bộ phận sinh dục.
Hỏi thêm con, bé kể bị ông B. sờ vào vùng kín, thơm má rồi cho kẹo. Sau đó, bé đi cùng cha mẹ và chỉ vào căn nhà gần cuối của dãy nhà hàng xóm kề cận. Lúc này, anh T. cùng vợ lên Công an xã Phú Xuân trình báo.
Và sau đó vợ chồng anh T. đã đưa cháu L. đi khám. Tuy nhiên, tại những nơi anh chị đưa cháu L. tới khám, khi nghe gia đình nói nghi bé bị xâm hại, các bác sĩ từ chối làm việc vì lý do làm ảnh hưởng đến cơ quan điều tra, chứng cứ pháp y.
Nói về việc các bác sĩ ở 6 bệnh viện từ chối giám định các bé bị xâm hại tình dục, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho rằng, "các bác sĩ ở các bệnh viện chỉ khám và điều trị đúng chuyên môn của mình. Hầu hết các bệnh viện không có chức năng giám định pháp y, chỉ duy nhất một bệnh viện trong TP.HCM có chức năng này.
Ngay cả các bác sĩ chuyên khoa phụ sản cũng không được khám giám định pháp y cho những bé gái bị xâm hại tình dục, chỉ trừ khi có sự trưng cầu ý kiến chuyên môn của trung tâm giám định pháp y. Việc giám định pháp y kết luận kiểu như "màng trinh còn nguyên" hay "màng trinh đã tổn thương"... cũng không có nghĩa bé "không bị xâm hại", hay "có bị xâm hại"".
Bác sĩ Trung cho biết có trường hợp cô bé bị xâm hại tình dục, nạn nhân của “vụ sàm sỡ trong thang máy ở TP.HCM xảy ra vào 1/4/2019, là một ví dụ. Trường hợp này có đi giám định pháp y cho cô bé thì chắc chắn không tìm thấy tổn thương thực thể gì ở cháu bé, dù cháu bị tổn thương về tinh thần là nghiêm trọng”.
Nhiều người cho rằng tại sao không sơ cấp cứu cho bé? Bé thật sự có vấn đề cấp cứu không? Tuy nhiên, bác sĩ Trung cho rằng không có vấn đề về mặt tổn thương thực thể cần cấp cứu. Bé bị tổn thương về mặt tâm lý nghiêm trọng thì nên cần gấp những chuyên gia về tâm lý nhi khoa, đại diện của các hội bảo vệ Bà mẹ- trẻ em.
Các bác sĩ, kể cả bác sĩ chuyên ngành phụ sản nếu có xử trí gì trong giai đoạn này, khi chưa có giấy trưng cầu của cơ quan chức năng thì nhiều khi gây hại hơn là bảo vệ em bé.
Không riêng bác sĩ Trung, một bác sĩ cũng lên tiếng rằng bác sĩ không có quyền khám xem em bé có bị xâm hại hay không. Bác sĩ chỉ khám khi có sự đề nghị bên pháp y công an. Bác sĩ chỉ có thể kết luận có sự tổn thương hay không và tổn thương như thế nào thôi.