Bác sĩ hướng dẫn xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà
Chỉ trong vòng 8 tháng, từ tháng 9-2023 đến tháng 5-2024, theo ước tính, cả nước đã có hơn 1.000 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Vào hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng tăng do nắng nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng.
Làm thế nào để nhận biết ngộ độc thực phẩm?
Bác sĩ Trần Văn Thắng (BV Đại học Y) cho biết: Ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi người bệnh ăn hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn , nhiễm độc, thức ăn bị ôi thiu, biến chất, hoặc vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia,…
Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày; trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết ngộ độc để xử lý kịp thời:
- Buồn nôn và nôn.
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Phân, nước tiểu có thể có máu.
- Có thể sốt hoặc không.
Đa số các trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu sau thì nên đi khám bệnh ngay:
- Nôn ói liên tục.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
- Bị tiêu chảy liên tục.
- Đau bụng dữ dội.
- Thân nhiệt cao hơn 38,5 độ C.
- Khát nước, khô miệng, tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt.
- Mắt mờ, cơ yếu.
- Phát ban toàn thân, ngứa.
- Khó thở.
Ngoài ra, cần lưu ý với các đối tượng như người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính… khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Xử trí ngộ độc thực phẩm ngay tại nhà
Bác sĩ Thắng cho hướng dẫn: ngay khi nhận biết các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm bạn cần sơ cứu ngay bằng các bước dưới đây:
Gây nôn
Người bệnh có triệu chứng nôn mửa ngay sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần lập tức gây nôn để người bệnh nôn hết thức ăn trong bụng ra. Cách gây nôn là uống hết 1 cốc nước pha muối (0,9%) rồi dùng tay đã rửa sạch móc, ngoáy vào họng để gây nôn. Nếu không kịp pha nước muối thì dùng nước lọc rồi lấy ngón tay trỏ đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn ra càng nhiều càng tốt.
Lưu ý khi thực hiện biện pháp gây nôn với trẻ nhỏ, tránh gây xước họng của bé. Phải để bé gối đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để nằm ngửa và nôn có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi dễ dẫn tới tử vong.
Sau khi gây nôn, nếu thấy người bệnh nôn được hầu hết thức ăn ra thì để người bệnh nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cần phải theo dõi sát, nếu có bất kỳ triệu chứng gì khác lạ cần đưa người bệnh tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đối với những trường hợp có dấu hiệu co giật, rối loạn ý thức thì không được gây nôn, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những trường hợp này cũng như các trường hợp có dấu hiệu khác lạ hay nặng cần chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Bù nước và điện giải
Nôn nhiều và tiêu chảy khiến cơ thể bị mất nước và điện giải. Cần bù nước cho người bệnh bằng cách uống dung dịch oresol (pha theo đúng hướng dẫn trên bao bì). Hoặc nếu không có oresol sẵn thì có thể pha 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường cùng 1 lít nước rồi cho người bệnh uống nhằm chống mất nước cho cơ thể.
Đối với dung dịch oresol chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn bởi có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh. Không đun sôi dung dịch đã pha sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu. Khi có nhiều người cùng bị ngộ độc, không cho các người bệnh uống chung nước vì có thể làm tăng tình trạng bệnh của những người nhẹ.
Thăm khám tại cơ sở y tế
Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Mặc dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu như trên nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cần được sự trợ giúp của nhân viên y tế bằng cách gọi cấp cứu hoặc tới ngay trung tâm y tế ngay gần nhất.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, TS.BS Mai Thị Hội khuyến cáo người bệnh cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi.
Lựa chọn thực phẩm
Chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng.
Không chọn những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học, hoặc các loại thực phẩm chứa độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc,…
Bảo quản thực phẩm
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép.
Không để thức ăn ở ngoài quá hai giờ; không quá một giờ đồng hồ vào mùa hè hoặc khi thời tiết nắng nóng vì có thể gây hư hỏng, ôi thiu.
Chế biến thức ăn
Rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.
Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn.
Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống; rửa sạch bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm.
Đảm bảo nguyên tắc “ăn chín uống sôi”
Thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi, chỉ ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh, tránh những nơi bụi bẩn, ẩm thấp; bảo quản, chế biến thức ăn đúng cách tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc…
Hiện nay, nguồn thực phẩm càng phong phú càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc . Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân ngộ độc thực phẩm thường tốn kém và khó khăn, nhiều trường hợp phải cần đến hệ thống máy móc xét nghiệm hiện tại mới có thể cho kết quả chẩn đoán chính xác.