Ấn Độ:

Bác sĩ dùng dụng cụ phẫu thuật rỉ sét khiến 13 phụ nữ chết thảm

Lê Minh ,
Chia sẻ

Một bác sĩ Ấn Độ đã bị buộc tội phải chịu trách nhiệm về việc gây ra cái chết của 13 phụ nữ và hàng chục người nhập viện ở tiểu bang Chhattisgarh vì sử dụng dụng cụ phẫu thuật rỉ sét.

Bác sĩ R.K. Gupta đã thực hiện 83 ca phẫu thuật triệt sản chỉ trong vòng 6 giờ tại một phòng khám sức khỏe lưu động do chính phủ điều hành. Đa số các phụ nữ tham gia phẫu thuật đều bị ốm sau đó, thậm chí nhiều người đã chết.

Vợ ông Roopchang Sriwas là một trong số những người đã chết sau phẫu thuật. Ông cho biết vợ ông đã đau dữ dội và bắt đầu nôn mửa một ngày sau khi cô phẫu thuật “Tôi đưa cô ấy đến bệnh viện và cô ấy đã chết nửa giờ sau đó”, ông Sriwas cho biết. Ông nói thêm rằng vợ ông phải thực hiện phẫu thuật triệt sản vì gia đình họ không đủ khả năng để nuôi thêm con nhỏ “Chúng tôi có 3 đứa con nhỏ. Mọi chuyện giờ đây quá khó khăn với tôi”, ông Sriwas nói trong đau khổ.

Số người chết hiện đã lên đến con số 13, hàng chục người nhập viện trong đó có 20 người bệnh nặng.

Bác sĩ dùng dụng cụ phẫu thuật rỉ sét khiến 13 phụ nữ chết thảm 1
13 phụ nữ đã chết và hàng chục người khác phải nhập viện sau khi thực hiện triệt sản bằng dụng cụ phẫu thuật rỉ sét

Bác sĩ dùng dụng cụ phẫu thuật rỉ sét khiến 13 phụ nữ chết thảm 2
Bác sĩ 
R.K. Gupta, người bị buộc tội phải chịu trách nhiệm cho 83 ca phẫu thuật triệt sản trong 6 giờ và sau đó hàng loạt người đã chết và nhập viện


Bác sĩ dùng dụng cụ phẫu thuật rỉ sét khiến 13 phụ nữ chết thảm 3
Chính phủ Ấn Độ thường xuyên tổ chức những đợt triệt sản tại
Chhattisgarh và các tiểu bang khác trong nỗ lực kiềm chế sự gia tăng dân số

Bác sĩ dùng dụng cụ phẫu thuật rỉ sét khiến 13 phụ nữ chết thảm 4
Những người thân khóc thương cái chết của người phụ nữ sau khi thực hiện phẫu thuật triệt sản 

Nguyên nhân những cái chết chưa được điều tra rõ ràng, nhưng các quan chức cho biết các nạn nhân có dấu hiệu sốc nhiễm độc, có thể do các thiết bị phẫu thuật bẩn hay thuốc bị nhiễm trùng. “Báo cáo sơ bộ cho thấy các loại thuốc dùng là thuốc giả và các thiết bị phẫu thuật cũng bị rỉ sét”, ông Komal Pardeshi, một quan chức cao cấp chính quyền địa phương cho biết.

“Hiện tại, chính phủ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng của sự cẩu thả”, ông RK Bhange, giám đốc y tế của quận Bilaspur, tiểu bang Chhattisgarh  cho biết. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của chính quyền trung ương, các đội y tế không được phép tiến hành hơn 30 ca triệt sản trong một ngày. Hiện bác sĩ Gupta hiện đã bị đình chỉ công việc và đang bị điều tra.

Tử vong do triệt sản không phải là vấn đề mới ở Ấn Độ, nơi có 4 triệu ca triệt sản được thực hiện trong hai năm 2013 – 2014. Từ năm 2009 đến 2012, chính phủ đã trả tiền bồi thường cho 568 trường hợp tử vong do triệt sản.

Ở Ấn Độ, trong nỗ lực hạn chế sự gia tăng sinh sản, những phụ nữ tham gia triệt sản sẽ được nhận số tiền thanh toán là 1400 rúp (23 USD) và các nhân viên y tế cũng nhận số tiền 200 rúp (3.25 USD) để đưa một phụ nữ đến trại triệt sản. “Việc thanh toán là một hình thức cưỡng chế, đặc biệt là khi bạn đang ở trong một cộng đồng bị thiệt thòi”, bà Kerry McBroom, Giám đốc Quyền sinh sản của tổ chức Mạng lưới Nhân quyền ở New Delhi nói. Bà cho biết việc chăm sóc cơ bản tại các trại triệt sản thường không đầy đủ, quá trình phẫu thuật cũng thường diễn ra vội vã trong điều kiện không hợp vệ sinh.

Những người ủng hộ mạng lưới Nhân quyền ở New Delhi hy vọng sau sự cố lần này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo chính phủ Ấn Độ có nhiều nỗ lực hơn trong việc phát triển một qui trình triệt sản an toàn hơn cho phụ nữ, một vấn đề đã được báo động trong nhiều năm qua.

(Theo CNN) 

Chia sẻ