Bác sĩ dùng chỉ nhỏ hơn sợi tóc nối lại mạch máu cứu ngón chân đứt rời cho bé 6 tuổi
Ngày 5/4, Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành nối lại ngón út bàn chân trái cho bé 6 tuổi ở Hưng Yên. Đây là trường hợp ngón chân út nhỏ nhất được nối lại thành công bằng kỹ thuật vi phẫu tại bệnh viện.
Cháu bé ngồi sau xe mẹ trên đường đi học va quệt với một xe máy đi ngược chiều. Sau va chạm ngón út và ngón áp út bàn chân trái của bé bị cắt đứt gần hoàn toàn bởi tấm ốp trang trí ống xả bằng inox của xe. Cháu được đưa ngay đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã hội chẩn và đánh giá tình trạng cấp máu cho hai ngón chân.
Theo đó ngón áp út vẫn còn một bên cuống mạch đầu ngón vẫn còn hồng ấm, ngón út bị đứt cả hai cuống mạch nuôi nên đầu ngón xẹp nếu không được phục hồi mạch máu thì ngón chân sẽ bị hoại tử. Các bác sĩ đã tiến hành nối lại ngón chân cho bé và ca mổ hoàn thành sau 4 giờ.
Theo đó ngón áp út vẫn còn một bên cuống mạch đầu ngón vẫn còn hồng ấm, ngón út bị đứt cả hai cuống mạch nuôi nên đầu ngón xẹp nếu không được phục hồi mạch máu thì ngón chân sẽ bị hoại tử.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Trung Trực, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người trực tiếp tham gia kíp mổ cho biết, có quá nhiều khó khăn trong khi phục hồi lại mạch máu cho ngón chân. Do vị trí mạch máu đứt rất sâu trong kẽ giữa hai ngón nên khoảng trống để đưa dụng cụ phẫu thuật vào quá hẹp.
Hơn nữa vì đây là ngón út của một em bé 6 tuổi nên mạch máu rất nhỏ, trong quá trình phẫu thuật không thể đưa dụng cụ vào lòng mạch, các bác sĩ đã dùng sợi chỉ khâu 5/0 (nhỏ hơn sợi tóc) mới đưa lọt được vào lòng mạch máu. Việc nối lại mạch máu làm sao để đảm bảo kín mà lòng mạch nhỏ xíu ấy vẫn thông cho dòng máu chảy qua lên nuôi ngón chân quả là một thách thức không nhỏ. Các bác sĩ đã phải sử dụng độ phóng đại tối đa của kính hiển vi và loại chỉ vi phẫu nhỏ nhất (10/0) mà cũng chỉ nối được có 3 mũi là hết chu vi mạch máu.
Sau mổ 5 ngày, ngón chân hồng hào và bớt nề dần, cháu bé vẫn đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Những tai nạn gây ra bởi tấm ốp inox được gắn thêm bởi chủ xe đã được thông báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đây thực sự là "lưỡi gió tử thần" đối với bàn chân trẻ em. Trong thiết kế của nhà sản xuất thì tấm ốp này làm bằng nhựa nhưng rất nhiều cửa hàng xe máy tư vấn cho khách lắp thêm tấm ốp inox tự chế ra bên ngoài cho "thời trang", những tấm ốp inox mỏng dính này thực sự sắc ngọt như một lưỡi dao. Hầu hết các nạn nhân của loại tổn thương này là trẻ em, có lẽ vì chiều dài chân của các bé đúng vừa tầm với tấm ốp này, hơn nữa các em nhỏ không có phản xạ co chân lên khi va chạm xảy ra.
Người dân cần có nhận thức về mối nguy hiểm của "lưỡi gió tử thần" và các cơ quan chức năng cần có chế tài cho các trường hợp thay đổi thiết kế xe gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Hà (Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp bàn ngón chân bị đứt rời do loại tổn thương này nhưng đây là trường hợp ngón chân út nhỏ nhất từ trước đến nay được nối lại thành công bằng kỹ thuật siêu vi phẫu tại bệnh viện.
Để tiến hành được loại phẫu thuật này, cần đội ngũ phẫu thuật viên được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm về phẫu thuật vi phẫu, bệnh viện có trang thiết bị hiện đại và sự phối hợp tốt của nhiều chuyên khoa. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhờ làm chủ được kỹ thuật siêu vi phẫu, khoa đã tiến hành nối lại thành công những bộ phận cơ thể đứt rời rất nhỏ, tạo các cầu nối của mạch bạch huyết với tĩnh mạch trong điều trị phù bạch mạch do sau xạ trị ung thư vú, do bẩm sinh hay do giun chỉ...
Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 5 năm 2019, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ sẽ phối hợp với Đoàn chuyên gia đến từ vương quốc Anh thăm khám và phẫu thuật cho các trường hợp bệnh lý về phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật dị tật sọ mặt như hộp sọ; lệch khớp cắn; dị tật tai, mí mắt, di chứng chấn thương vùng hàm mặt...