Bác sĩ cảnh báo 5 món ăn dễ gây tắc ruột nguy hiểm thường xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết

NGỌC ÁI,
Chia sẻ

Những ngày Tết, chúng ta thường có thói quen ăn uống thoải mái hơn. Cũng vì vậy mà dễ “mất cảnh giác” với các món có thể gây tắc ruột.

Tiến sĩ Zhang Zongyang hiện đang là bác sĩ phẫu thuật tại Đài Loan, Trung Quốc. Trong chương trình sức khỏe trực tuyến gần đây trên Health 2.0 ông chia sẻ: “Tết Nguyên Đán đang đến gần, bên cạnh niềm vui sum họp gia đình thì nguy cơ gặp những vấn đề sức khỏe liên quan tới ăn uống cũng tăng cao vào thời điểm này. Một trong số đó là tắc ruột do chính những thực phẩm quen thuộc ngày Tết mà ít ai để ý”.

Triệu chứng tắc ruột và những người dễ mắc phải

Theo giải thích của Tiến sĩ Zhang, tắc ruột là tình trạng cơ thể người bệnh bị ngừng lưu thông hơi và dịch tiêu hoá trong lòng ruột. Có 2 kiểu tắc ruột phổ biến là: tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng. Khi ruột bị tắc, thức ăn không đi qua được sẽ gây ra các triệu chứng như sau:

- Đau bụng, co thắt dạ dày: Thường đau bụng thành từng cơn, giữa các cơn đau bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.

- Buồn nôn, nôn mửa: Bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn nôn và thường nôn ra thức ăn cũ, dịch tiêu hoá.

Bác sĩ cảnh báo 5 món ăn dễ gây tắc ruột nguy hiểm thường xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết - Ảnh 1.

Đau bụng thành từng cơn kèm buồn nôn là triệu chứng điển hình của tắc ruột do thức ăn (Ảnh minh họa)

- Đầy hơi, trướng bụng: Bụng trướng hơi và có xu hướng tăng lên nếu không được điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp vị trí tắc ở cao (gần dạ dày) bụng trướng ít hoặc thậm chí không trướng.

- Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân tắc ruột thường không trung tiện và đại tiện được. Nhưng cũng có những người bị đi ngoài phân lỏng từng ít một,

- Mệt mỏi, chán ăn, suy giảm vị giác.

Tiến sĩ Zhang nói thêm: “Tuy tắc ruột có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng cũng có nhóm đối tượng nguy cơ cao. Đó là: người cao tuổi, răng kém, bệnh nhân sau phẫu thuật cắt dạ dày, trẻ em, người có thói quen ăn quá nhanh/nhai không kỹ, rất lười uống nước, bị giảm tiết axit dịch vị, bệnh tâm thần dẫn tới tự ăn lông/tóc”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, tắc ruột không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng sinh hoạt mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Có thể kể đến như: mất nước điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, thiếu máu cục bộ, hoại tử đường ruột, vỡ ruột, viêm phúc mạc, thủng ruột… cùng nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng khác.

5 món ăn dễ gây tắc ruột trên mâm cơm ngày Tết

Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc vừa kể trên, ông đưa ra danh sách 5 nhóm thực phẩm dễ gây tắc ruột để chúng ta cẩn trọng hơn khi ăn dịp Tết sau đây.

Các món từ gạo nếp:

Trong dịp Tết Nguyên Đán, các món ăn truyền thống làm từ gạo nếp (bao gồm cả bột gạo nếp) khá nhiều và là nét đặc trưng không thể thiếu ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, các món làm từ gạo nếp phổ biến như: xôi, bánh chưng, bánh tét, bánh dày, các loại bánh gạo, bánh tẻ… tuy ngon miệng, mang hương vị đặc trưng dịp Tết nhưng dễ tiềm ẩn nguy cơ tắc ruột.

Bác sĩ cảnh báo 5 món ăn dễ gây tắc ruột nguy hiểm thường xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết - Ảnh 2.

Các món nếp không thể thiếu trong ngày Tết như xôi, bánh chưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tắc ruột (Ảnh minh họa)

Lý do được Tiến sĩ Zhang giải thích là: “Các món làm từ gạo nếp, bột gạo nếp thường dẻo, dính, kết cấu đặc, người ăn khó nhai kỹ, khi vào dạ dày thì khó tiêu hóa”.

Măng khô:

Đây là thực phẩm rất quen thuộc trên bàn ăn ngày Tết. Nhưng vì rất giàu chất xơ nên nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra tắc ruột nguy hiểm. Dù lượng chất xơ trong măng giúp cải thiện đường tiêu hóa nhưng với nhiều người, hoặc ăn lượng quá nhiều thì lại gây gánh nặng cho tiêu hóa. Từ đó, khiến bạn bị ứ đọng thức ăn, đầy bụng, đau dạ dày, tắc ruột do chất xơ tích tụ không được đẩy ra ngoài.

Tiến sĩ Zhang nhắc nhở: “Đặc biệt, măng già và măng khô thì lượng chất xơ càng nhiều, càng làm tăng nguy cơ đau dạ dày và một trong những thủ phạm dễ gây tắc ruột khi ăn”.

Một số trái cây nhiều xơ, chất dễ kết dính:

Ăn trái cây vào thời điểm nào cũng tốt cho sức khỏe, nhất là dịp Tết khi chúng ta “quá tải” với đồ nếp, thịt và bánh kẹo. Nhưng không phải loại trái cây nào cũng phù hợp.

Tiến sĩ Zhang cho biết: “Hồng, mít, ổi, sung, hồng xiêm… là những cái tên quen thuộc trong danh sách thực phẩm dễ gây tắc ruột nhưng không khó gặp ngày Tết. Lượng chất trong chúng quá nhiều, dễ tạo thành lớp màng ngăn chặn quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Hay hạt ổi, nhựa sung, nhựa mít, nhựa hồng… đều dễ khiến thức ăn bị tích tụ lại thành dị vật. Các loại quả này còn chứa pectin, tannin - nhất là ở hồng hay hồng xiêm chưa chín kỹ. Tất cả những điều này đều dễ gây tình trạng khó tiêu, táo bón, tắc ruột”.

Rau sống, rau củ quá nhiều xơ:

Giống như với măng, các loại rau củ quá nhiều xơ cũng khó tiêu hóa và có thể gây tắc ruột. Nhất là với nhóm có nguy cơ cao được Tiến sĩ Zhang cảnh báo ở trên. Có thể kể đến như cần tây, các loại đậu, ngưu bàng, tảo bẹ… hoặc rau củ quá già cỗi.

Ông nói thêm: “Sẽ càng nguy hiểm hơn nếu bạn có thói quen ăn rau củ sống, nhất là các loại rau củ nhiều xơ. Biết rằng dịp Tết chúng ta ăn uống quá nhiều thịt, chất béo, tinh bột và cần rau củ cân bằng lại, nhưng nếu rau củ nhiều xơ sẽ kết hợp với chúng làm tăng nguy cơ tắc ruột bởi các búi thức ăn. Chưa kể, rau củ khi ăn sống sẽ khó tiêu hóa hơn nên nguy cơ rối loạn tiêu hóa, tắc ruột cũng tăng lên”.

Các loại thịt khô, chế biến sẵn:

“Ngày nay, việc sử dụng các món thịt, cá chế biến sẵn ở dạng sấy khô hay xé sợi ngày càng phổ biến vào ngày Tết. Không chỉ tiện lợi mà chúng còn đa dạng, ngon miệng, có thể chế biến món ăn hay dùng để ăn vặt, đồ nhắm đều được yêu thích.

Bác sĩ cảnh báo 5 món ăn dễ gây tắc ruột nguy hiểm thường xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết - Ảnh 3.

Các loại thịt gác bếp, sấy khô khi ăn quá nhiều, nhai không kỹ có thể gây tắc ruột (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thịt trâu/bò/lợn gác bếp, mực xé… có kết cấu cứng, ít khi được nhai kỹ và khó tiêu hóa nên dễ gây tắc ruột. Cần thận trọng khi ăn, ăn chậm, nhai kỹ hơn, uống nhiều nước và cũng đừng ăn quá nhiều để bảo vệ sức khỏe” - Đó là những gì Tiến sĩ Zhang khuyến cáo.

Nguồn và ảnh: HK01, Family Doctor, Health 2.0

Chia sẻ