Bác sĩ bị kiện ra tòa vì lạm dụng tình dục, lúc phơi bày giới tính cả phiên tòa choáng váng và những câu chuyện nữ giả nam kỳ lạ
Chuyện nữ giả trang nam không chỉ là cảnh thường thấy trong phim cổ trang mà còn có thực trong lịch sử, nhiều trường hợp phi thường đến khó tin khiến hậu thế đời sau còn ghi nhớ mãi.
Trước khi đấu tranh giành quyền bình đẳng thành công và được tôn trọng như ngày nay, phái đẹp từng phải sống trong xã hội "chỉ đàn ông mới được phép thành công", "phụ nữ chỉ là cái bóng của đàn ông" suốt hàng ngàn năm lịch sử.
Trong một xã hội trọng nam khinh nữ như vậy, để làm những điều "chỉ-đàn-ông-mới-được-phép-làm", các cô gái buộc phải che giấu phận nữ nhi, khoác lên mình vỏ bọc đàn ông gai góc, mạnh mẽ.
Thật kinh ngạc, khi dấn thân vào các lĩnh vực những tưởng chỉ dành cho đàn ông, những "nữ cường" của chúng ta lại chứng minh điều ngược lại, rằng phụ nữ có thể làm được, làm tốt, thậm chí nổi trội hơn cánh nam nhi. Dù vậy, việc phải che mắt thiên hạ trong một vỏ bọc "không phải là mình" cũng mang đến cho họ không ít rắc rối, hiểm nguy.
1. Agnodice - Nữ bác sĩ đầu tiên của Hy Lạp
Xã hội Hy Lạp cổ đại rất khắc nghiệt với phụ nữ . Quan niệm về phụ nữ tốt là một người biết giữ im lặng và ngoan ngoãn phục tùng chồng. Việc nữ giới hành nghề y khoa cũng bị cấm tuyệt đối, người vi phạm thậm chí sẽ bị xử tử.
Tuy nhiên, theo nhà sử học La Mã Gaius Julius Hyginus, một phụ nữ tên Agnodice đã dũng cảm làm điều cấm kỵ đó. Chuyện kể rằng, Agnodice cải trang thành một người đàn ông, học y và trở thành một trong những bác sĩ thành công nhất ở Athens. Chuyên môn của cô là đỡ đẻ và với sự tận tâm của mình, cô được rất nhiều nữ bệnh nhân yêu quý.
Tranh vẽ nữ bác sĩ Agnodice.
Điều này khiến các đồng nghiệp nam không khỏi đố kỵ, ghen ghét, đỉnh điểm họ còn cáo buộc cô quyến rũ bệnh nhân. Những người này tin rẳng cô đã dùng một cách thức bất hợp pháp nào đó để dụ dỗ phụ nữ và kiện cô ra tòa tội lạm dụng tình dục bệnh nhân.
Tuy nhiên, Agnodice khiến tất cả mọi người có mặt tại tòa sốc nặng khi tiết lộ thân phận thật với tâm thế sẵn sàng nhận lấy cái chết.
Tuy nhiên, bệnh nhân của cô quyết cứu mạng vị bác sĩ yêu quý của mình. Biết tin Agnodice sẽ bị xử tử, họ ập vào tòa án, nhấn mạnh rằng Agnodice đã tạo cuộc cách mạng trong vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
"Các vị đang lên án chính người tận tình chăm sóc sức khỏe chúng tôi đấy!", một phụ nữ nói lớn trước tòa. Thật ngạc nhiên, quan tòa lắng nghe và tiếp thu ý kiến của họ. Chuyện kể rằng, Agnodice được sống và tiếp tục hành nghề y, luật pháp ở Athens đã thay đổi. Nhờ Agnodice, phụ nữ Hy Lạp cuối cùng cũng có quyền trở thành bác sĩ.
2. Renee Bordereau - nữ chiến binh nổi loạn bị Napoléon treo thưởng để lấy đầu
Renee Bordereau sinh năm 1766 trong một gia đình nông dân. Ở độ tuổi ngoài đôi mươi, cô sớm hứng chịu nỗi đau khi mất 42 người thân trong cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799). Đây là cuộc cách mạng làm sụp đổ chế độ phong kiến ở Pháp, đem đến sự giải phóng cho nhân dân, sự phân chia ruộng đất công bằng hơn, bãi bỏ các đặc quyền của giới quý tộc và thiết lập quyền bình đẳng giữa con người với con người. Dù mang mục đích tốt đẹp nhưng chẳng cuộc chiến nào là không có mất mát. Khoảng thời gian cách mạng diễn ra cũng là lúc gia đình Bordereau lâm cảnh túng quẫn, nghèo đói cùng cực. Chứng kiến cha qua đời ngay trước mắt mình, Renee nuôi lòng thù hận với cách mạng.
Khi quân Hoàng gia nổi dậy vào năm 1793, Renee Bordereau chớp cơ hội này để trả thù. Cô cải trang thành nam giới, lấy tên của anh trai là Hyacinthe và tham chiến. Cô là một trong những chiến binh đáng gờm nhất trong quân đội Hoàng gia.
Cô nổi tiếng với hình ảnh cưỡi ngựa oai vệ, cắn chặt cương ngựa giữa 2 hàm răng để có thể tự do một tay cầm kiếm, một tay cầm súng, sẵn sàng tiêu diệt những kẻ cô coi là kẻ thù. Truyền thuyết kể rằng, trong lần ra trận đầu tiên, cô đã đoạt mạng 17 người đàn ông.
Cô đã chiến đấu tung hoành trong 200 trận chiến và nổi tiếng đến nỗi Hoàng đế Napoléon phải treo thưởng 40.000 franc cho ai lấy được đầu cô. Trong thời gian đó, những người cùng chiến tuyến với cô cũng dần nhận ra chiến binh thiện chiến nhất của họ là một nữ nhi. Tuy nhiên, họ vẫn giữ cô lại, họ chỉ vào cô và nói với nhau: "Có thấy chiến binh có tay áo khác màu với áo choàng không? Đó là một cô gái chiến đấu quả cảm như sư tử".
3. Charley Mắt chột – người phụ nữ Mỹ đầu tiên bỏ phiếu bầu cử theo cách không ai ngờ
Charley Mắt chột tên thật là Charlotte Parkhurst, sinh năm 1812. Không rõ từ lúc nào, Charlotte quyết định tự đổi tên, ăn mặc như đàn ông và trở thành Charley Mắt chột - một trong những danh xưng đáng sợ nhất miền Tây hoang dã.
Người ta tin rằng Charley không chỉ đơn thuần cải trang vì công việc, lý do thực sự là bởi cô tự coi mình là đàn ông và quyết định sống như một người đàn ông.
Charley Mắt chột là một trong những cao bồi khét tiếng nhất miền Tây với cá tính gai góc và tửu lượng không phải dạng vừa.
Sau một lần bị ngựa đá vào mặt, Charley bị hỏng một bên mắt, điều này dường như là nguyên nhân khiến tính tình Charley thêm cộc cằn.
Charley làm nghề lái xe ngựa chở khách và nổi tiếng vì luôn mang theo súng với tốc độ bóp cò nhanh gấp đôi người thường. Tên cướp Sugarfoot đã phát hiện ra điều đó sau một lần chặn đường tính cướp Charley nhưng thất bại thảm hại và phải lãnh một viên đạn vào bụng.
Giọng nói trầm và có phần thô lỗ khiến chẳng ai mảy may nghi ngờ giới tính của Charley. Tuy nhiên, thói quen nhai thuốc lá suốt một thời gian dài đã khiến Charley mắc ung thư miệng. Đó cũng là lúc sự thật gây sốc được hé lộ. Chỉ khi chôn cất Charley, mọi người mới vỡ lẽ ra giới tính thật của cô.
Nhưng dù là đàn ông hay phụ nữ, Charley vẫn tạo nên lịch sử. Năm 1867, Charley đăng ký bỏ phiếu tại California và trở thành người phụ nữ đầu tiên bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử ở Mỹ.
(Nguồn: Listverse)