Bà Trương Mỹ Lan khai học hết lớp 12, bị bắt khi ở ngoài đường

PV,
Chia sẻ

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan khai sinh ra tại TP Hồ Chí Minh, thường trú ở quận 1, học hết lớp 12, làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước khi bị bắt.

Sáng nay (5/3), Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã thẩm tra lý lịch các bị cáo, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Khai báo tại tòa, bị cáo Lan cho biết bà sinh ra tại TP Hồ Chí Minh và thường trú tại quận 1. Về trình độ học vấn, bị cáo này khai học hết lớp 12, làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có chồng là bị cáo Chu Lập Cơ và có 2 người con.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho biết chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo bị bắt vào ngày 6/10/2022 khi ở ngoài đường, còn trong hồ sơ thể hiện bà bị bắt vào ngày 8/10/2022.

Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) khai sinh ra tại TP Hồ Chí Minh, cư trú tại quận 1, là Tổng Giám đốc Công ty Quản lý bất động sản Windor. Vân khai mình có 1 chồng và 2 con, bị bắt tạm giam vào ngày 7/10/2022, còn hồ sơ thể hiện cô bị bắt tạm giam vào ngày 8/10/2022.

Bà Trương Mỹ Lan khai học hết lớp 12, bị bắt khi ở ngoài đường - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Trương Mỹ Lan) tại phiên xét xử. (Ảnh: TTXVN)

Trong số 86 bị cáo trong vụ án, có ông Chu Nạp Kê Eric Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) là bị cáo phải cần tới phiên dịch. Ông Cơ khai sinh ra tại Hong Kong (Trung Quốc). Bị cáo Chu Lập Cơ cho hay, sức khỏe ổn định.

Chồng bà Lan cho biết ông cư trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Times Square.

Khi được hỏi về quốc tịch, bị cáo này khai ông có quốc tịch Trung Quốc, vợ là bà Trương Mỹ Lan và 2 người con gái. Ông Chu Lập Cơ nói mình không nhớ cụ thể ngày bị bắt tạm giam, nhưng hồ sơ thể hiện bị bắt vào ngày 1/11/2022.

Ông Chu Lập Cơ bị cáo buộc giúp sức vợ khi thế chấp tài sản Công ty Times Square bảo lãnh cho 73 khoản vay gây thiệt hại cho SCB số tiền 9.116 tỷ đồng.

Chủ tọa trả lời đề nghị cung cấp giấy bút cho bà Trương Mỹ Lan

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra nhiều đề nghị. HĐXX đã giải đáp từng thắc mắc, từng kiến nghị của các luật sư.

Về đề nghị cung cấp giấy bút cho bà Lan để ghi chép, chủ tọa cho biết, liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe cho bị cáo nên đề nghị luật sư cung cấp giấy bút cho bà Lan nếu được lực lượng cảnh sát bảo vệ cho phép.

Với đề nghị cho các bị cáo có nhiều bệnh tật được ngồi hay vắng mặt, HĐXX đề nghị các luật sư gửi văn bản và đưa các yêu cầu cụ thể cho từng bị cáo. HĐXX sẽ căn cứ vào từng trường hợp và xem xét. Riêng đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, HĐXX chấp nhận cho bị cáo Trí ngồi mà không phải đứng trình bày.

Bà Trương Mỹ Lan khai học hết lớp 12, bị bắt khi ở ngoài đường - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: PLO)

Về cách thức điều hành, chủ tọa cho biết cách thức phiên tòa không có mẫu mà sẽ căn cứ vào diễn biến phiên tòa.

Theo chủ tọa, dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 5/3 đến ngày 29/4 kết thúc. Tuy nhiên, nếu xét thấy diễn biến nhanh hơn vẫn có thể kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài qua ngày 29/4. Nếu cần thiết vẫn sẽ làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật và HĐXX sẽ thông báo trước vào thứ Sáu.

Chủ tọa yêu cầu tất cả các luật sư phải có mặt, nếu vắng mặt thì coi như tự ý từ bỏ quyền bào chữa và HĐXX sẽ cắt phần này. Chủ tọa cũng lưu ý nếu luật sư muốn vắng mặt phải được sự cho phép của HĐXX, nếu vì lý do khách quan mà luật sư phải vắng mặt ngày hoặc một khoảng thời gian nào đó khi xét xử thì báo để HĐXX xem xét.

Bà Trương Mỹ Lan khai học hết lớp 12, bị bắt khi ở ngoài đường - Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh Thanh Vũ - TTXVN

Về việc các luật sư đề nghị được gặp, trao đổi, tư vấn cho các bị cáo vào giờ nghỉ giải lao, chủ tọa cho rằng phiên tòa kéo dài nhiều ngày để đảm bảo sức khỏe, tòa cho phép luật sư được phép tiếp xúc với các bị cáo trong thời gian giải lao. Trong giờ giải lao (khoảng 15 phút) các luật sư được tiếp xúc tư vấn cho các bị cáo nhưng nên tiếp xúc ngắn gọn để đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo. Nếu các luật sư vẫn chưa tiếp xúc đủ thì có thể đề nghị để HĐXX xem xét.

Chủ tọa cũng lưu ý tất cả mọi người không được quay phim, ghi âm, chụp hình. Nếu quay phim, ghi âm, chụp hình và đưa lên các trang mạng thì sẽ đề nghị xử lý. Đối với các luật sư, chủ tọa lưu ý tòa đã cung cấp máy tính, USB...

Theo nội dung vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ tại SCB nhưng là cổ đông chính và đã sử dụng SCB như một kênh huy động vốn cá nhân. Bà Lan đã lợi dụng tình hình để rút tiền từ tài khoản tiền gửi của người dân và khách hàng.

Hậu quả từ các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại Cục II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Tổ Giám sát đã để cho nhóm bà Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện cho vay lũy tiến từng năm. Hành động này nhằm mục đích tạo điều kiện để bà Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng cá nhân hoặc trả nợ cho các khoản vay trước đó nhằm che giấu thực trạng hoạt động và tình hình nợ xấu của SCB.

Thiệt hại của vụ án tính đến ngày 17/10/2022 với số tiền đặc biệt lớn. Tổng dư nợ của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm bà Trương Mỹ Lan lên tới 677.286 tỷ đồng. Bà Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, khiến SCB mất không chỉ số tiền gốc mà còn phải trả thêm hơn 129.372 tỷ đồng lãi suất.Xét xử vắng mặt 5 bị cáo.

Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX sẽ xét xử 86 bị cáo, trong đó có 5 người đang bỏ trốn sẽ bị xét xử vắng mặt. Những người này đều có luật sư bào chữa.Các bị cáo bị xét xử vắng mặt, gồm: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB).

Theo cáo trạng, từ năm 2009, ông Thành làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (một trong 3 ngân hàng tiền thân của SCB). Sau đó, ông Thành trải qua các vị trí: Phó Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất; Thành viên HĐQT, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐQT SCB.

Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 6/12/2020, ông Thành với vai trò là Chủ tịch HĐTD Hội sở, Chủ tịch/Thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT SCB đã ký 4 biên bản họp/tờ trình của HĐTD Hội sở, 328 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 273 nghị quyết đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 479 khoản.

Tính đến 17/10/2022, dư nợ của nhóm khách trên là hơn 422.000 tỷ đồng. Ông Thành bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp sức tích cực, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Ông Thành bị xét xử về 2 tội danh nêu trên với thiệt hại đã gây ra là hơn 99.000 tỷ đồng.4 bị cáo bị xét xử vắng mặt còn lại là về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng. Bị cáo Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB), gây thiệt hại cho SCB hơn 7.100 tỷ đồng.

Bị cáo Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) gây thiệt hại hơn 140.000 tỷ đồng và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB) gây thiệt hại hơn 3.700 tỷ đồng.

Gây thiệt hại nhiều, khắc phục được bao nhiêu?Theo hồ sơ, bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 193.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cáo trạng cho biết đến nay bà Lan chưa nộp tiền khắc phục hậu quả. Chồng bà Lan là bị cáo Chu Lập Cơ đã tạm nộp số tiền 1 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, các bị cáo là cựu cán bộ NHNN đều nộp tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó Chánh Thanh tra NHNN) đã nộp số tiền 390.000 USD; bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra) nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng; bị cáo Bùi Tuấn Khoa (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra) nộp lại 100 triệu đồng.

Bị cáo Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra) nộp 20.000 USD; bị cáo Trần Văn Tuấn (cựu Thanh tra viên) nộp 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà (cựu Phó Chánh Thanh tra, kiểm toán) nộp 14.000 USD và 100 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó trưởng Ban kiểm tra) nộp 21.000 USD và 60 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (cựu công chức Vụ Thanh tra) nộp 100 triệu đồng; bị cáo Vũ Khánh Linh (cựu Phó trưởng Phòng Thanh tra) nộp 100 triệu đồng; bị cáo Trương Việt Hưng (cựu Thanh tra viên) nộp 600 USD; bị cáo Nguyễn Duy Phương (cựu Thanh tra viên) nộp 1.000 USD và 20 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Dũng (cựu Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh TPHCM) nộp 15.000 USD và 400 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 470 triệu đồng; bị cáo Võ Văn Thuần (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 1,85 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Tín (cựu Thanh tra viên) nộp 500 triệu đồng; bị cáo Phan Tấn Trung (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 554 triệu đồng và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát) nộp số tiền 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm có số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Chia sẻ