Bà Trương Mỹ Lan 'kéo' cháu gái Trương Huệ Vân vào vòng lao lý như thế nào?
Trong cả hai giai đoạn điều tra vụ án, C03 xác định, Trương Huệ Vân được bà Trương Mỹ Lan, tin tưởng tuyệt đối giao tiền vốn, bổ nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo trong các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Sai phạm của Vân là ký giấy tờ, lập công ty 'ma' để tạo lập các khoản vay, giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt tiền.
Được giao vốn, bổ nhiệm đứng đầu doanh nghiệp
Trong kết luận điều tra giai đoạn II vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an quy kết nhóm bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm phát hành trái phiếu sai quy định chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của Nhà đầu tư; Rửa tiền 445.747 tỷ đồng; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng số hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng).
Với 3 nhóm hành vi trên, bà Trương Mỹ Lan cùng 3 bị can bị đề nghị truy tố 3 tội; 28 đồng phạm khác bị đề nghị truy tố từ 1 hoặc 2 tội; trong khi đó, Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận của giai đoạn II, Trương Huệ Vân được bà Trương Mỹ Lan tin tưởng giao làm Cổ đông; Thành viên HĐQT Công ty WMC, bổ nhiệm Tổng Giám đốc năm 2015.
Vốn góp vào doanh nghiệp do bà Lan cho Huệ Vân nắm giữ nhưng thực chất là tiền của Lan và Thành viên HĐQT Công ty An Đông; đồng thời, việc điều hành, quyết định các vấn đề về tài chính cũng do bà Lan trực tiếp điều hành.
C03 xác định, dù biết Công ty WMC không có nhu cầu và nguồn lực để đầu tư trái phiếu, nhưng theo chủ trương của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ chuyển tiền cho Công ty An Đông tổng số 13.000 tỷ đồng (gồm: Hợp đồng đặt mua 30 triệu trái phiếu mã ADC-2018.09 trị giá 3.003,6 tỷ đồng; 5 ủy nhiệm chi Công ty Windsor chuyển tiền đến Công ty An Đông tổng số 3.000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu Công ty An Đông; 5 hợp đồng đặt mua 100 triệu trái phiếu doanh nghiệp mã ADC-2019.01 với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng; 25 ủy nhiệm chi Công ty Windsor chuyển tiền cho Công ty An Đông 10.000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu.
Hành vi trên của Trương Huệ Vân bị C03 kết luận phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng.
Lập nhiều công ty 'ma' giúp bà Trương Mỹ Lan vay tiền
Tại giai đoạn I vụ án, TAND TP HCM tuyên phạt Trương Huệ Vân (người giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) 17 năm tù tội “Tham ô tài sản”.
Cơ quan tố tụng cho rằng, Vân được bị cáo Trương Mỹ Lan tin tưởng, giao quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Từ năm 2020, bị cáo Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay "khống" để bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền từ Ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc hơn 2.809 tỷ đồng và dư nợ lãi suất hơn 25 tỷ đồng).
HĐXX sơ thẩm khi tuyên án nhận định, Trương Huệ Vân phạm tội trong thời gian ngắn, chỉ tham gia khâu thành lập công ty "ma" trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhằm tạo lập hồ sơ vay "khống" giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB. Bị cáo không tham gia khâu giải quỹ, che giấu dòng tiền. Vì vậy, Vân là đồng phạm có tổ chức nhưng mang tính đơn thuần.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án tại phiên sơ thẩm giai đoạn I, Trương Huệ Vân trần tình, có lẽ bài học quý giá nhất sau vụ án bị cáo nhận được là trải qua sự khổ đau. Sau tất cả, bị cáo tin tưởng mình sẽ là người tốt hơn, cống hiến nhiều hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo dõi lời nói sau cùng của bà Trương Mỹ Lan, Vân cho rằng người bà của mình có tinh thần thép, nhưng dường như tan nát lòng khi đứng trước HĐXX. Bị cáo xin HĐXX cho bà Trương Mỹ Lan có cơ hội thoát khỏi án tử chực chờ, để nghị lực của mình giải quyết hậu quả vụ án.