Bà nội trợ “sính” mì ngoại vì lo lắng chất phụ gia E102
Dù đã được đính chính về chất E102 trong mì gói, nhưng nhiều bà nội trợ vẫn hoang mang, “chuộng” dùng sản phẩm mì ngoại với tâm lý sẽ an toàn, bảo đảm hơn.
Chị Mai Anh (Đại Từ, HN) thường xuyên mua các thùng mì về tích trữ để ăn bữa sáng, hoặc dùng những lúc lỡ bữa ăn. Khi xem quảng cáo phát trên truyền hình có nói về việc mì có màu đậm là mì độc hại, chị không khỏi lo lắng.
“Sau đó, dù đã tìm hiểu thông tin chất phẩm màu tổng hợp E102 nếu sử dụng đúng theo hàm lượng đã quy định thì vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nhưng tôi vẫn không thể yên tâm. Những gói mì nhà tôi ă hàng ngày đều có chất E102, chúng tôi không biết liệu rằng gói mì mình ăn thì hàm lượng chất này có vượt quá tiêu chuẩn cho phép hay không?”
Tâm lý lo lắng của người tiêu dùng bắt đầu rộ lên sau khi Công ty Masan quảng cáo sản phẩm mì mới có nói rằng không dùng chất màu tổng hợp E102, vì coi đây là chất không tốt cho sức khỏe, đã bị cấm sử dụng tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính mẩu quảng cáo này đã gây nên tâm lý lo ngại cho những bà nội trợ thường xuyên sử dụng các sản phẩm mì gói.
Nghe thấy thông tin về chất không an toàn trong mì gói, chị Lan (Hà Đông, HN) vội vàng xem thành phần ghi trên bao bì loại mì gia đình chị thường sử dụng và bàng hoàng nói: “hóa ra mì nhà tôi ăn cũng có chất này, không biết hàm lượng là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ rằng, ăn nhiều, ăn thường xuyên như gia đình tôi thì không tốt. Tôi đã đem bỏ hết những gói mì còn lại, và tìm mua sản phẩm khác không chứa chất E102.”
Hai đứa con của chị Lan cũng thường xuyên ăn mì gói vào bữa sáng, điều chị lo ngại duy nhất là hàm lượng chất E102 trong mỗi gói mì con chị ăn liệu có quá tiêu chuẩn cho phép hay không? Và nếu quá tiêu chuẩn, thì liều lượng này tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến hậu quả gì? Chính vì thế, cái tên E102 được tra cứu nhiều nhất trên các trang mạng trong nhiều ngày qua.
Chất E102 ghi trên bao bì của một loại mì.
Rất nhiều chủ cửa hàng cho biết, từ sau khi rộ lên thông tin về chất Tatrazine (E102) thì các sản phẩm mì của nước ngoài, các loại mì không chứa chất này là bán chạy hơn cả. “Dù giá cả của các loại mì này không hề rẻ, thì khi mua chúng, người tiêu dùng cũng cảm thấy an toàn hơn về mặt tâm lý,” một chủ đại lý bán hàng trên đường Nguyễn Quý Đức nói.
Để an toàn cho sức khỏe của cả gia đình, chị Hạnh (Tây Sơn, HN) đã quyết định sẽ chuyển sang dùng các loại mì không có chứa chất E102, hoặc chỉ sử dụng các loại mì không có phẩm màu.
“Dù đắt một chút, hoặc không đúng khẩu vị của cả nhà, nhưng tôi lựa chọn loại đó vì nó an toàn cho sức khỏe. Trong thời buổi mà nhắc đến sản phẩm gì cũng chứa độc tố, thì chúng tôi cảm thấy rất hoang mang. Đâu phải chúng tôi chỉ sử dụng 1, 2 gói mì cho tất cả các bữa ăn, mà mì gói đã được sử dụng từ lâu như một thực phẩm không thể thiếu cho cả gia đình.”
Nhiều bà nội trợ có xu hướng tiêu dùng những loại sản phẩm không chứa E102.
Cùng chung quan điểm với chị Hạnh, chị Linh (Đống Đa, HN) đã chuyển hướng mua sản phẩm mì Hàn Quốc, Nhật Bản với lí do tại các nước này thì thành phần E102 bị cấm sử dụng. “Loại mì này đắt gấp 4, 5 lần loại mì thông thường gia đình tôi hay ăn, nhưng vì an toàn cho sức khỏe tôi đành phải chấp nhận. Nhưng về lâu dài sẽ cố gắng hạn chế cho cả nhà ăn mì, chứ không ăn thường xuyên như trước nữa.”
Còn đối với gia đình anh Hưng (Đống Đa, HN) thì sau khi rùm beng về chất E102 gia đình anh đã chuyển hẳn sang ăn cơm nóng mỗi sáng để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe. “Tôi không biết chất E102 trong mỗi gói mì gia đình tôi ăn có đảm bảo đúng liều lượng cho phép hay không? Nhưng chuyển sang ăn cơm nóng vợ tôi dậy sớm chuẩn bị mỗi sáng tôi thấy ngon, rẻ và an toàn nhất.”
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên hoang mang, vì E102 là chất phụ gia vẫn được cho phép sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Nếu dùng trong hàm lượng cho phép (300mg/ mỗi kg mì) thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của người trưởng thành. Với trẻ nhỏ, tiêu chuẩn về hàm lượng này thấp hơn.
Trong quy định Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Cục quản lý chất lượng vệ sinh ATTP - Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3742/2001/QĐBYT ngày 31/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì Tatrazine được phép sử dụng trong rất nhiều loại thực phẩm.
Tuy nhiên quy định này đã ban hành khá lâu (10 năm) do đó mà chưa cập nhật được các thông tin khoa học liên quan đến E102 trong những năm gần đây. Các nghiên cứu về E102 mới đây trên thế giới đều khẳng định E102 ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em 3 tuổi và 8-9 tuổi và làm yếu năng lực của đàn ông.
Theo VTC |
Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!! |