Quảng cáo hạt nêm: đánh đố người tiêu dùng

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Tin vào quảng cáo, nhiều bà nội trợ vẫn nghĩ rằng, vị ngọt của hạt nêm được chiết xuất hoàn toàn từ thịt, xương, sẽ giúp món ăn ngon và an toàn hơn việc sử dụng bột ngọt.

Lạc trong “ma trận” quảng cáo

Chị Hải Anh (Thanh Xuân, HN) thường có thói quen đến siêu thị gần nhà mua liền một lúc 5 - 6 túi hạt nêm lớn, về dùng dần. 1 năm nay, trên giá để gia vị trong căn bếp nhà chị, không còn loại bột ngọt vẫn thường dùng, mà thay vào đó là hạt nêm Knorr. Lí do rất đơn giản:“hạt nêm toàn làm từ thịt thăn và xương ống, cho vào món ăn thấy ngon ngọt hơn hẳn. Mà an toàn, chứ không độc hại như ăn nhiều bột ngọt.”
 

Trước đây, gia đình chị thường sử dụng hạt nêm Knorr làm từ thịt thăn và xương ống, nhưng để đổi khẩu vị, hạt nêm Knorr từ nấm, bào ngư và rong biển cũng được chị thường xuyên sử dụng với các món xào. “Hạt nêm Knorr từ nấm và rong biển tôi có nghe quảng cáo cũng có nói toàn được tinh chế từ nấm, bào ngư, rong biển. Những thứ bổ, tốt cho sức khỏe.”
 
Quảng cáo  của một số hãng hạt nêm khiến người tiêu dùng luôn nghĩ hạt nêm
  làm hoàn toàn từ thịt và xương cô đặc.

Tương tự như thế, chị Hải Yến (Khương Đình, HN) cũng giống như bao nhiêu bà nội trợ khác, chuộng dùng hạt nêm trong các món ăn. Theo chị, “có hạt nêm vào vị khác hẳn, ngọt hơn rất nhiều, đúng là làm từ thịt và xương ống có khác, ăn đậm đà hẳn. Hôm nào bữa ăn mà quên cho hạt nêm, nếm là biết ngay có vị khác.

Gia đình chị thường dùng hạt nêm Maggi 3 ngọt. Theo chị, dùng loại này không những ăn ngon mà tốt cho sức khỏe nữa. Chị tin dùng và bị thu hút bởi những lời quảng cáo về loại hạt nêm cao cấp xương hầm, tinh chất từ 3 vị ngọt: ngọt thịt, ngọt xương, ngọt tủy.
 

Tin tưởng tuyệt đối vào những phút quảng cáo của hạt nêm Aji-ngon, chị Hạnh (Hà Đông, HN)  chuyển hẳn sang dùng loại hạt nêm này vì cho rằng: “chất ngọt của nó hoàn toàn tự nhiên, chứ không như bột ngọt chứa chất gây ung thư, ăn vào không tốt. Hạt nêm an toàn hơn, được kết tinh từ xương hầm, nên dù đắt hơn bột ngọt, tôi cũng không ngại tốn kém.

Đem thắc mắc về các thành phần của hạt nêm hỏi một nhân viên tại quầy bán thực phẩm  trong siêu thị, cô nhân viên trẻ cũng tươi cười giải thích: “loại hạt nêm này 100% toàn từ xương, thịt chưng cất, cô đặc lên, chị không thấy bao bì có nói rõ đấy sao. 10 bà nội trợ thì có đến 9 bà nội  trợ chuộng dùng các loại hạt nêm, dĩ nhiên phải ngon và tốt thì người ta mới dùng nhiều đến thế chứ?”

Hãy luôn là bà nội trợ thông thái
 
Những dòng quảng cáo “lập lờ” của các nhãn hiệu hạt nêm đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng hạt nêm làm từ thịt thăn, xương ống, cô đặc từ những thực phẩm ngon ngọt tốt cho sức khỏe, tuy nhiên thực hư thành phần “ngon từ thịt, ngọt từ xương” này chiếm bao nhiêu trong một gói hạt nêm thì hiếm người tiêu dùng để ý tới.

Khảo sát một số hãng hạt nêm, chúng tôi nhận thấy, thành phần “ngọt thịt, ngọt xương, ngọt tủy” chỉ chiếm một lượng khá nhỏ. Ví dụ: trên bao bì của hạt nêm Knorr chiết xuất từ thịt thăn, xương ống có ghi: “bột thịt thăn, chiết xuất xương ống, tủy và thịt 2,0%,” hạt nêm Aji-ngon: “nước hầm xương cô đặc từ thịt, xương ống và xương sườn 1,8 %,” hạt nêm Maggi 3 ngọt: “bột thịt gà và nước cốt gà hầm nguyên con 20, 12g”. Như vậy, đây là một lượng rất nhỏ để có thể làm nên vị ngon ngọt của món ăn.

Khi biết được thông tin này, nhiều bà nội trợ không khỏi ngạc nhiên: “vậy, thành phần còn lại của hạt nêm là gì?”, trong đó dĩ nhiên bao gồm một lượng khá lớn bột ngọt (mì chính) nhưng rất ít người để ý đến các thành phần ghi trên bao bì sản phẩm.

Tại bao bì của hạt nêm Knorr có ghi: muối, chất điều vị (sodium glutamate E621), đường tinh luyện và tinh bột sắn (có chứa SO2 < 150 ppm), bột thịt thăn, chiết xuất xương ống và tủy, thịt: 2,0 %, hương thịt (có trứng, đậu nành và bột sữa gầy), mỡ, tinh bột bắp biến tính (E1442), chất điều vị sodium guanylate (E627) và sodium inosinate (E631)…
 
 
 
Thành phần trên bao bì sản phẩm... đánh đố người tiêu dùng

Nhưng cho đến khi đọc thành phần  của gói hạt nêm Knorr, chỉ có 2,0 % bột thịt thăn, chiết xuất xương ống và tủy, thì chị Hải (Đại Từ, HN) vẫn không tài nào tìm nổi dòng nào có ghi tên: bột ngọt, theo chị lập luận: “nếu có thì phải ghi ra chứ?”

Chúng tôi đã thực hiện khảo sát các bao bì của các loại hạt nêm có bán trên thị trường, nhận thấy không có một thông tin nào rõ ràng về thành phần bột ngọt và chất siêu ngọt có trong hạt nêm được ghi trên bao bì. Thay vào đó là các chữ “chất điều vị” (E621, E631, E627) được ghi chú trong mục giới thiệu thành phần. E621 là bột ngọt, còn 2 chất điều vị E627 và E631 không chỉ là bột ngọt mà còn là... chất siêu ngọt.

Tin vào quảng cáo, nhiều người tiêu dùng bị các nhãn hàng đánh lừa vì đều nói đến  “ngon từ thịt, ngọt từ xương” hoặc “được làm từ thịt thăn và xương ống”, chứ không nói cụ thể có bao nhiêu % thịt thăn và xương ống trong thành phần của sản phẩm.

Khi giải thích cặn kẽ như thế, chị Hải mới tá hỏa: “nếu sớm biết hạt nêm cũng có chứa bột ngọt, và chất siêu ngọt, thì tôi cũng không dám ăn. Không ăn bột ngọt vì sợ không an toàn cho sức khỏe, vậy mà ăn hạt nêm cũng có bột ngọt. Cũng không thể trách người tiêu dùng chúng tôi không cẩn  trọng khi mua sản phẩm, nếu chỉ ghi chất điều vị E 621, hoặc E631, E627 thì những từ ngữ chuyên môn đó làm sao chúng tôi hiểu được là chất gì?”

Trong năm 2010, các xét nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM cho thấy, có đến 30% lượng bột ngọt (mì chính) trong hạt nêm. Lượng bột ngọt đó cao hơn rất nhiều lần lượng “chiết xuất từ thịt và xương” như quảng cáo.

Khi biết được thông tin  này, chị Linh (Kim Giang, HN) bức xúc nói: “thế mà hàng ngày, tôi vẫn cho một muỗng vào bột nấu cho bé con nhà tôi ăn, hàng ngày trong gia đình mà nấu món nào, nêm nếm chưa vừa  ý là tôi cho khá nhiều hạt nêm vì nghĩ, làm từ thịt và xương cho nhiều ăn thì ngọt miệng, hơn nữa, một gói hạt nêm vẫn khá rẻ. Nên nêm nếm vào món ăn không… tiếc tay.

Một bà nội trợ khác, cũng là giáo viên của một trường mầm non cho hay: “quảng cáo dễ khiến người tiêu dùng tin, nhưng cứ thử suy xét sẽ thấy 1 kg xương ống bao nhiêu  tiền? 1kg thịt thăn bao  nhiêu tiền? hai thứ đó cô đặc liệu còn được bao nhiêu? Mà một túi hạt nêm có giá khá rẻ. Phân tích sơ qua đã thấy quảng cáo… điêu.
 
Còn như chúng tôi, khi nấu bữa ăn cho các con ở trường, thường không bao giờ cho hạt nêm, chỉ dùng muối, đường. Hoặc trong bữa cơm của gia đình, nếu cần nêm nếm chút gia vị, tôi thường chỉ cho một muỗng rất nhỏ hạt nêm thôi. Không nên lạm dụng hạt nêm trong các món ăn khi đã biết rõ các thành phần của nó.

Chính vì thế, các bà nội trợ nên cẩn trọng khi nêm nếm món ăn cho cả gia đình, nêm với liều lượng bao nhiêu thì đủ, đặc biệt đối với những người dị ứng với các thành phần của bột ngọt cũng nên cẩn trọng khi sử dụng hạt nêm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Chia sẻ