Bà nội không cho tôi ngồi ăn cơm để nhường quạt mát cho đích tôn của bà
Đó là bữa cơm cuối cùng tôi góp mặt vì sau đó mẹ đã đưa tôi đi nơi khác sống.
Kể từ lúc biết mình là con ngoài giá thú, tôi đã trở thành một đứa con gái lúc nào cũng tự ti. Mẹ tôi không phải là tiểu tam phá hoại gia đình nhà người khác. Bà cũng không yêu bố tôi đến chết đi sống lại. Chỉ là sự bồng bột tuổi trẻ của họ khiến tôi buộc phải có mặt trên đời mà thôi.
Mẹ không giấu giếm tôi chút nào về sự cố năm xưa. Bà kể lại rằng lúc mới quen nhau cả bố lẫn mẹ đều say do ăn cỗ cưới bạn. Họ cũng có nói chuyện với nhau nhưng khi ấy không có điện thoại di động nên rất khó khăn để duy trì liên lạc. 2 người ở 2 nơi cách xa nhau hàng trăm cây số. Mẹ không biết đã có tôi trong bụng, đến khi to lùm lùm ra thì bố tôi đã bặt tăm rồi.
Khi tôi 4 tuổi thì họ vô tình gặp lại nhau trong chuyến du xuân có mặt hội bạn chung. Bố đã có gia đình riêng, vợ con đề huề, nhưng ông vẫn sốt sắng tìm mẹ tôi để nối lại duyên cũ.
Mẹ tôi không muốn chịu kiếp chồng chung nhưng vì bố quá tha thiết nên bà đã mềm lòng. Bố cứ lấy tôi ra làm cái cớ, đánh vào tâm lý muốn con có gia đình đủ đầy để dụ mẹ về ở gần bố. Mẹ tôi sợ bị vợ cả đánh ghen nên từ chối, song chẳng hiểu bố thuyết phục như nào mà mẹ lại chấp nhận theo về.
Khi đó tôi còn quá nhỏ nên không biết sự việc diễn ra thế nào. Lớn hơn một chút tôi mới có ít ký ức vụn vặt, biết mình là con riêng và mẹ tôi là vợ hai. Để tránh mâu thuẫn thì bố tôi xây cho mẹ một cái nhà nhỏ đủ chui ra chui vào gần nhà ông bà nội. Mẹ con tôi ít phải đụng mặt bà cả, cũng tránh va chạm với gia đình của bố.
Gần 10 năm trời mẹ con tôi chịu đủ thiệt thòi trong căn nhà đó. Bố hứa sẽ chăm lo cho mẹ con tôi nhưng ông đi làm xa 1 tháng về có dăm ba bữa. Chủ yếu bố toàn phải ở cùng vợ cả, ban ngày chờ bà ấy đi vắng thì bố mới lén chạy sang gặp chúng tôi một lát. Bố sẽ đưa mẹ một khoản tiền sinh hoạt, cho tôi vài chục nghìn ăn quà và đôi khi có thêm con búp bê, chiếc áo mới, sách vở này nọ.
Vợ cả của bố không ghê gớm nhưng dĩ nhiên bà ấy không ưa mẹ con tôi. Nói đúng ra thì chúng tôi không có danh phận gì cả, cứ lặng lẽ ở gần chứ chẳng liên quan gì đến gia đình của bố. Cỗ bàn không được phép góp mặt, lễ Tết không được qua chơi. Bà nội thì ghét tôi vô cùng, đay nghiến tôi là đứa con hoang, là nỗi nhục của dòng họ Đỗ. Bà cấm tôi lại gần 2 đứa cháu danh chính ngôn thuận của bà, chỉ tay vào mặt mẹ con tôi nói đừng hòng moi móc được của nhà họ nửa xu.
Họ hàng làng xóm xung quanh cũng biết chuyện nên chế giễu mẹ con tôi suốt. Tôi đi học bị lũ trẻ con bắt nạt, cười nhạo tôi là con của “bà bé”. Có lần tôi đánh nhau sứt đầu mẻ trán với chúng nó vì không nhịn được nữa. Mẹ đi chợ về trông thấy con gái lăn lộn giữa một đám con trai, quần áo rách bươm, chân tay xước chảy máu, bà đã nhảy vào gạt hết chúng nó ra và cấm không đứa nào được lại gần tôi nữa. Về nhà mẹ vừa băng bó vừa ôm tôi khóc nức nở. Bà thu gom quần áo định dắt tôi bỏ đi, nhưng bố đã ngăn cản và xin bà ở lại.
Dù chịu bao đắng cay tủi nhục nhưng mẹ tôi chưa từng cúi đầu trước ai. Không đụng chạm đến mẹ con tôi thì chẳng sao, chỉ cần buông câu xúc phạm là mẹ tôi sẽ đứng lên bảo vệ chính mình và con gái ngay lập tức. Bà nội đã nhiều lần chửi mắng mẹ tôi, khinh thường mẹ vì sinh ra tôi, nhưng mẹ tôi chỉ nói mỗi câu khiến bà nội im lặng: “Anh Lương gặp con trước và đẻ ra cái Xuân trước, vô tình lạc mất nhau rồi người khác mới xen vào”. Chỉ là thiếu một đám hỏi công khai thôi, chứ mẹ tôi cũng đâu cần đăng ký kết hôn với bố. Tôi từng nghe bố nói rằng ông lấy vợ theo ý muốn của ông bà.
Càng lớn tôi càng hiểu chuyện hơn và nhận ra cuộc sống của mình quá phức tạp. Tôi học cách trưởng thành như một cây hồng dại nhiều gai, không muốn ai gây tổn thương đến mình. Mẹ tôi nhiều lần muốn rời đi chỗ khác, nhưng bà sợ con gái thiếu vắng tình thương của bố nên cứ đấu tranh tư tưởng mãi suốt ngần ấy năm. Bao sóng gió trôi qua mẹ vẫn kiên cường. Rồi cuối cùng cũng xảy ra chuyện khiến mẹ tôi đủ quyết tâm rời khỏi nơi đó.
Bữa ấy tôi nhớ là rằm Trung thu, cũng là lần đầu tiên tôi được bước chân sang nhà ông bà nội. Thấy mẹ con tôi an phận nhiều năm không đòi hỏi gì nên vợ cả của bố động lòng thương. Cô ấy xin bà nội nhận tôi chính thức làm cháu, cho phép tôi qua ăn cơm cùng gia đình. Còn mẹ tôi thì vẫn né đi để tránh mâu thuẫn không đáng có.
Lúc em trai cùng cha khác mẹ sang tận nhà gọi tôi ra, tôi sợ nên từ chối ngay lập tức. Nhưng mẹ đã gật đầu bảo tôi cứ qua nhà bà nội chơi. Cậu em này tỏ ra khá tốt bụng, kém tôi 2 tuổi nên chủ động gọi tôi là chị. Hồi nhỏ nhiều lần nó muốn chơi với tôi nhưng sợ bị người lớn mắng. Chúng tôi chỉ chào hỏi nói chuyện xã giao mỗi lúc gặp nhau ở trường thôi.
Lần đầu ngồi ở căn nhà ấy, một mình tôi vừa sợ vừa lạ lẫm nên chẳng dám nói chuyện với ai. Chào người lớn xong tôi ngồi im một góc, mãi tới lúc bà cả bày mâm thì tôi mới rón rén ra phụ.
Tính cả ông bà nội, bố tôi và 3 mẹ con bà cả thì nhà cũng không đông lắm. Sắp bát đũa xong tôi loay hoay nghĩ xem nên ngồi ở đâu. Đang tính ngồi cạnh đứa út thì bà nội tự dưng đẩy tôi ra. Bà nhăn mặt kêu tôi phải bê bát ra chỗ khác, không thích cho tôi ngồi chung mâm. Bà nói tôi thô kệch ngồi chắn mất quạt mát của cháu trai bà, lại còn chê tôi mặc quần áo cũ hôi nên bà không muốn ngửi.
Nếu là tôi ngày bé nhút nhát thì sẽ không dám cãi lời và lủi thủi ra sân. Nhưng khi đó tôi đã lớn rồi, chai sạn với đủ thứ phiền phức đến từ gia đình riêng của bố. Thế là tôi đứng phắt dậy bỏ về với mẹ. Bữa cơm gặp mặt đầu tiên chưa kịp ăn đã trở thành bữa cơm cuối cùng.
Hôm sau mẹ đưa tôi bắt xe về quê ngoại, trả lại căn nhà kia cho bố. Mẹ thuê một phòng trọ nhỏ và đi làm công nhân may để kiếm tiền nuôi tôi ăn học tiếp. Chúng tôi cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc với bên nội. Tôi cũng coi như mình không có người gọi là bố nữa. Kể từ đó cuộc sống mẹ con tôi yên bình hẳn.
Trưa nay hình như có ai đó gọi điện cho mẹ tôi báo tin bà nội sắp mất. Chắc là vợ cả của bố gọi để bảo mẹ con tôi về chịu tang. Tôi loáng thoáng nghe mẹ nói rằng “Không quen ai như vậy cả”. Biết rằng nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng chính tôi cũng không thể tha thứ cho bà nội được vì tổn thương trong lòng quá sâu…