Ba người già tuổi 60 kể chuyện, khẳng định dù nghỉ hưu cũng nên sống riêng: Nhà của cha mẹ luôn là nhà của con, nhà của con không phải là nhà của cha mẹ
Khi về già, bạn muốn sống cùng các con hay ở riêng để tận hưởng sự tự do?
Nuôi con khôn lớn để có nơi nương tựa cho mình khi về già, tôi tin rằng đó là điều mà nhiều người lớn tuổi đã suy nghĩ. Nhưng cuộc sống đều không như những gì chúng ta mong muốn, thậm chí còn dập tắt hi vọng hết lần này đến lần khác.
Tôi từng nghe người ta thường nói, nhà của cha mẹ luôn là nhà của con, nhà của con không phải là nhà của cha mẹ. Ban đầu tôi không tin, cho đến khi được nghe câu chuyện của những người bạn đồng cảnh ngộ.
Ông Trình - 62 tuổi
Vợ chồng ông Trình trước đây đều là nhân viên của một doanh nghiệp nhà nước, tuy hiện nay lương hưu không lớn nhưng cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Ông bà chỉ có một con trai và đã định cư ở tỉnh lỵ. Cuộc sống của anh ta khá căng thẳng, phải trả nợ thế chấp mua nhà, vay mua ô tô và nuôi một đứa con.
Vài năm trước, ngôi nhà cũ của ông bà thuộc diện buộc phải giải tỏa nên nhận được khoản bồi thường là 200.000 NDT (700 triệu đồng). Ông Trình và vợ đã bàn bạc xem có nên đưa toàn bộ số tiền đó cho con trai để trả hết tiền thế chấp hay không. Tuy nhiên, bà lão không đồng ý mà đưa ra phương án muốn giúp trả nợ hàng tháng.
Thế là vào ngày mùng 5 mỗi tháng, vợ chồng ông Trình lại chuyển cho con trai 5 triệu đồng gọi là hỗ trợ sinh hoạt phí. Cứ thế cho đến khi bà lão qua đời, người con trai lo lắng bố sẽ cô đơn nên đã đón ông đến nhà sống chung.
Tháng đầu tiên mọi thứ đều rất ổn, nhưng vài tháng tiếp theo thì cuộc sống bắt đầu ngạt thở.
Ông Trình kể, một đêm nọ, ông nghe thấy tiếng con dâu nói nhỏ ngoài phòng khách. Cô ấy trách ông đang là gánh nặng bởi số tiền lương hưu ít ỏi, không đủ để ông tự mua thuốc bổ chứ đừng nói là đóng phí sinh hoạt. Cô ấy gợi ý với chồng hãy nói với bố đưa nốt số tiền được đền bù còn lại, nếu không thì anh chồng tự dẫn bố về quê mà sống.
Nghe xong, ông Trình im lặng như không biết chuyện gì đang xảy ra. Một tuần sau, ông kiếm cớ để về quê sinh sống. Từ đó trở đi, ông không bao giờ cho con trai tiền nữa. Đến bây giờ ông mới hiểu ra, vợ ông đã nhìn xa trông rộng đến nhường nào.
Bà Cẩm - 60 tuổi
Bà Cẩm nói, khi còn trẻ, bà thường nghe một số người già nói rằng không nên sống cùng con cái, ban đầu bà không để ý lắm, còn tưởng rằng mình chỉ có một cô con gái thôi nên sẽ sống hạnh phúc cùng nó đến cuối đời. Nhưng chỉ sau hai năm chung một nhà, dù làm bảo mẫu miễn phí thì bà vẫn không nhận được tình cảm chân thật từ các con.
Theo đó, vì con gái và con rể rất bận rộn nên bà Cẩm phải chịu trách nhiệm mọi việc trong nhà, từ dọn dẹp, nấu nướng đến đưa các cháu đi học. Đặc biệt, có 3 buổi tối trong tuần, bà Cẩm phải đưa cháu gái đến lớp học piano và phải ghi âm toàn bộ quá trình học để về con gái bà tiện theo dõi.
Tuy nhiên, do không thành thạo sử dụng điện thoại nên đôi khi đoạn ghi âm và video không được tốt. Đến khi xem thấy không vừa lòng, con gái bà sẽ lập tức phàn nàn, thậm chí nổi cáu với mẹ.
Lâu dần, những lời nói của con gái ngày càng khiến bà Cẩm bị tổn thương rất nhiều. Bà thấy những người bạn cùng tuổi mỗi ngày đều tẩn hưởng niềm vui tuổi già, còn bà thì lầm lũi với bát đũa, máy giặt, máy hút bụi,...cả ngày làm không hết việc. Vậy mà, con gái bà chẳng một chút biết ơn mẹ.
Quá chán nản, sau khi sống được 2 năm, bà Cẩm quyết tâm xách vali về nhà dù con gái hết lời can ngăn. Bây giờ, mỗi ngày bà Cẩm đều sống rất vui vẻ, ăn những món mình thích, đi dạo công viên, tập dưỡng sinh ở công viên,...
Bà Cẩm khẳng định, sẽ không bao giờ quay lại nhà con gái nữa.
Bà Hoàng: 65 tuổi
Bà Hoàng là người có tính cách vui vẻ, hòa đồng, thích tâm sự. Tuy nhiên, kể từ khi chồng qua đời và đến nhà sống cùng con trai, bà dường như trầm lắng hơn rất nhiều.
Bà Hoàng kể, con trai rất tốt với bà nhưng con dâu lại khá lạnh lùng và thẳng tính. Mỗi khi đi làm về, cô ấy không bao giờ cười đùa, nói chuyện với mẹ. Đôi khi còn nhận xét, chê trách mẹ chồng giặt quần áo sai cách, nấu món ăn không hợp khẩu vị.
Đặc biệt, nếu trông coi cháu không cẩn thận, lỡ bé thằng bé ăn uống không đúng giờ hoặc quần áo dính bẩn thì con dâu sẽ ca cẩm không ngừng.
Nhiều lúc, bà Hoàng chẳng hiểu mình là mẹ chồng hay đang là osin của con cháu. Bà không ngại làm việc nhà vì sức khỏe vẫn tốt nhưng nếu tâm lý không thoải mái thì bà không thể chịu được.
Sống được một năm, bà quá chán nản nên chọn cách thường xuyên ra công viên đi dạo và tập thể dục để điều hòa lại cảm xúc. Tại đây, bà Hoàng có quen một ông bạn hơn bà 3 tuổi. Vợ ông ta đã mất, con cái đều định cư ở nước ngoài nên rất cô đơn. Sau vài tháng trò chuyện tâm đầu ý hợp, cả hai đã quyết định về sống chung một nhà.
Bà Hoàng nói rằng, tuy không biết mối quan hệ sẽ đi đến đâu nhưng hiện tại bà đang thấy hạnh phúc hơn nhiều khi không phải sống cùng con trai mình.
Kết luận
Tuy không phải tất cả mọi trường hợp sống cùng con cái đều xảy ra mâu thuẫn, trên thực tế vẫn có rất nhiều gia đình hạnh phúc. Song, tự do được làm điều mình muốn khi đã nghỉ hưu vẫn là điều tuyệt vời nhất. Chúng ta khác biệt quan điểm sống với bọn trẻ, nếu đôi bên không thể cảm thông cho nhau thì việc xảy ra bất đồng là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Vì vậy, khi về già, bạn hãy sống cho chính mình. Hãy tích lũy tiền tiết kiệm, sống lành mạnh, tươi vui,...Đó mới là điều mà người già cần nhất.
Theo Toutiao