Bà mẹ Hà Nội thu nhập 100 triệu/tháng vẫn ở nhờ, thấp thỏm lo bị "đuổi": Soi 1 khoản chi cho con, ai nấy hiểu lý do
Thu nhập hàng tháng 100 triệu là mơ ước đối với bao nhiêu người, nhưng bà mẹ này cho biết mình vẫn sống trong tâm trạng thấp thỏm.
Hai vợ chồng (39 và 40 tuổi) có tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng, nhưng một bà mẹ ở Hà Nội mới đây vẫn than vãn vì không thể "tự do tài chính". Lúc nào chị cũng lo thất nghiệp bởi nhà Hà Nội chưa mua được, đang được 1 người anh cho ở nhờ không mất phí. Nhưng chị cho rằng, sớm muộn gì cũng bị đòi lại nhà và ở mãi cũng thấy "mặt dày" lắm, dù anh chị rất tốt, chưa đề cập gì.
Bà mẹ này muốn tiết kiệm để mua nhà, nhưng theo chị, với các khoản chi tiêu được liệt kê phía dưới, giấc mơ có nơi chốn riêng tư của gia đình mình vẫn còn xa lắm.
Theo đó, tổng chi của gia đình chị hàng tháng là 60,9 triệu đồng. Ngoài các khoản điện nước, ăn uống, mua sắm, du lịch... thì khoản chi nặng nhất của gia đình là tiền học của con. Cụ thể: Con lớn 9 triệu đồng; Con nhỏ 12 triệu đồng. Tiền học thêm 8 triệu đồng. Như vậy, chỉ riêng khoản tiền học, gia đình đã ngót mất 29 triệu đồng hàng tháng.
Tiền học chiếm gần 30% thu nhập, cao hay thấp?
Mức chi cho con cái của bà mẹ nói trên nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, thu nhập nhiều thì chi cho con nhiều. Có người chia sẻ, dù thu nhập gia đình tổng chỉ có 35 triệu, còn "nuôi" ô tô nhưng vẫn cho 1 đứa con học "trường xịn" và cố gắng sang năm "nhét" nốt thêm 1 bé. Cứ mạnh dạn, hy sinh đời bố củng cố đời con, đầu tư cho giáo dục thì không bao giờ lỗ.
Lý lẽ của nhiều phụ huynh khi cho con học trường tư chất lượng cao là họ không mất thời gian, năng lượng để đưa đón con học thêm, học tăng cường hay câu lạc bộ, dã ngoại, trải nghiệm hay kỹ năng sống bởi ở trường, con được tiếp xúc đầy đủ, trực quan. Tiếng Anh của con cũng ổn. Giáo viên tôn trọng, khuyến khích trẻ tự tin thể hiện mọi thứ vốn có của mình.
Tuy nhiên, với mức 30%, một số ý kiến nhận định, việc chi tiêu như vậy sẽ gây ra mất cân bằng tài chính gia đình, và sẽ tạo ra áp lực lớn. Đầu tư cho con là đúng, nhưng cần có giới hạn, và phải xem xét cả năng lực của con chứ không phải đầu tư mù quáng chạy trường chạy lớp, chỉ khổ con mình rồi cả bản thân mình. Còn nếu đã xác định dành phần lớn thu nhập cho con thì cha mẹ bắt buộc phải hy sinh những nhu cầu khác.
Hơn nữa, bà mẹ nói trên cho con học trường tư nhưng vẫn tốn các khoản học thêm lên đến 8 triệu đồng. Như vậy, nếu vẫn muốn có thêm tiết kiệm, chị có thể cho con sang học trường công và vẫn giữ nguyên việc học thêm của con. Khoản ăn chơi cuối tuần, du lịch xa cũng có thể cắt bớt. Khi mua được nhà rồi mới nới dần các khoản trên.
Thu nhập bao nhiêu thì đủ để trang trải cho nhu cầu học hành của con? Câu trả lời là vô chừng, không thể đưa ra một con số chính xác.
Thu nhập là chi tiết quan trọng để đưa ra quyết định trong nhiều tình huống nhưng mỗi người có quan điểm khác nhau về vật chất nên mọi so sánh đều khập khiễng.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có điều kiện kinh tế tốt thì cho con học trường học phí đắt, học thêm từ văn hóa đến năng khiếu; không quá dư dả thì cho con học trường bình thường, tự học... Bởi suy cho cùng, môi trường học quan trọng, nhưng học giỏi hay kém, trưởng thành đàng hoàng tử tế hay không còn phụ thuộc vào quá trình giáo dục của gia đình và chính nội lực của đứa trẻ.
Vậy nên, khi quyết định chi tiền học cho con, cha mẹ cần cân nhắc kĩ điều kiện gia đình. Đừng vì theo phong trào, cố cho con vào trường quá đắt đỏ rồi đứt gánh giữa đường. Khi đó, không chỉ mất thời gian, công sức mà còn ảnh hưởng lớn đến tinh thần, thành tích học hành của con cái. Nếu không đủ tài chính cho con theo học các trường tư, việc dành thời gian và hướng dẫn con cái sẽ mang lại hiệu quả giáo dục rất lớn mà không cần phải chi quá nhiều tiền.
Một chuyên gia từng cho biết, việc chúng ta tìm đến những lựa chọn giáo dục rẻ hơn không có nghĩa là "dễ dãi" với tương lai con mình. Giáo dục không bao giờ là câu chuyện trường này tốt hay trường kia không tốt, giáo dục chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Ngoài ra, phần lớn sự thành công của con cái là dựa trên sự quan tâm và sự gương mẫu của cha mẹ, chứ không phải là do bỏ thật nhiều tiền cho con học trường nọ lớp kia.
Cha mẹ dành thời gian cho con, sống đúng mực, luôn cố gắng để con noi theo sẽ là nền tảng giáo dục quan trọng nhất cho con cái. Nếu điều kiện tài chính của gia đình không đủ học trường tư, cha mẹ hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức tiếng Anh và xã hội cho con cái bằng các con đường khác.