Ba mất, tôi phát hiện mẹ không có tên trong sổ đỏ và sự thật về cuộc hôn nhân 30 năm khiến tôi "đứng tim"
Tưởng vậy là hết, nhưng bi kịch chỉ mới bắt đầu.
Ba tôi mất sau một cơn tai biến. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, đến mức đến giờ tôi vẫn chưa tin ông đã đi thật.
Là con duy nhất trong nhà, tôi cùng mẹ lo hết hậu sự. Căn nhà 2 tầng ba mẹ sống chung mấy chục năm, sổ đỏ đứng tên ba tôi, giờ cần làm thủ tục sang tên. Tôi nghĩ mọi việc đơn giản, vì mẹ tôi là vợ ông, có giấy tờ tùy thân, có hộ khẩu chung, lại có cả tôi làm con ruột.
Nhưng khi đến văn phòng công chứng, người tiếp nhận hồ sơ hỏi mẹ tôi có mang theo giấy đăng ký kết hôn không.
Mẹ tôi thoáng ngỡ ngàng: "Tôi với ông ấy sống với nhau 30 năm, có con có cháu, sao lại phải có giấy đó?".
Người cán bộ chỉ nhẹ nhàng nói: "Theo luật, muốn chứng minh là vợ hợp pháp để hưởng thừa kế thì phải có đăng ký kết hôn. Nếu không có, bác không được tính là hàng thừa kế thứ nhất".
Mẹ tôi tái mặt. Còn tôi thì đứng sững như trời trút đá.
Về nhà, tôi lục tung tủ hồ sơ cũ, không có giấy kết hôn nào cả.
Tôi hỏi mẹ, giọng run run vì không dám tin. Sau một lúc im lặng, bà nhìn tôi rồi nói, rất nhỏ: "Hồi đó ba con còn chưa ly hôn người vợ đầu. Mẹ biết… nên cũng không ép ông phải đăng ký lại".
Tôi như rơi vào hố sâu. Tôi biết ba tôi từng có một đời vợ, nhưng cứ nghĩ họ đã ly hôn xong từ lâu rồi. Không ngờ, mối quan hệ với mẹ tôi chỉ là "sống chung" chứ chưa từng hợp pháp.
Mẹ không kể, ba chưa từng nói. Tôi lớn lên trong một mái nhà không hôn thú mà chẳng hề hay biết.
Tưởng vậy là hết, nhưng bi kịch chỉ mới bắt đầu.

Ảnh minh họa
Một tháng sau, bà D – người vợ cũ của ba đột ngột xuất hiện. Bà mang theo giấy đăng ký kết hôn với ba tôi, vẫn còn hiệu lực pháp lý. Dù đã ly thân từ rất lâu, họ chưa từng làm thủ tục ly hôn chính thức.
Và vì thế, bà là người vợ hợp pháp. Theo luật, bà được chia phần tài sản của ba. Mẹ tôi không được chia thừa kế vì bà không phải vợ hợp pháp và cũng không có bằng chứng pháp lý về đóng góp vào tài sản của ba tôi.
Tài sản được chia theo pháp luật giữa người vợ hợp pháp và tôi là con ruột. Mẹ tôi không nằm trong diện được thừa kế. Căn nhà nơi tôi sinh ra, lớn lên, nơi mẹ tôi sống cả đời giờ bị chia làm đôi theo pháp luật.
Tôi không trách bà D. Tôi cũng không trách luật. Tôi chỉ đau. Mẹ tôi từ chối ra tòa. Bà bảo: "Cái gì không phải của mình thì không giữ được. Hơn ba mươi năm, mẹ chưa từng có một danh phận đúng nghĩa… có lẽ mẹ không có quyền đòi hỏi gì cả".
Câu nói ấy khiến tôi nghẹn đến không thở nổi.
Hôm rời khỏi nhà, mẹ mang theo đúng một túi vải, vài bộ quần áo, khung ảnh cũ và quyển nhật ký đã bạc màu. Bà không nhìn lại lần nào.
Căn nhà giờ đang làm thủ tục sang tên cho tôi và bà D.
Tôi cố gắng im lặng, làm đúng luật, không gây thù oán. Nhưng mỗi đêm về, tôi vẫn thấy như mình vừa mất đi điều gì đó không thể lấy lại.
Mẹ tôi sống với ba suốt 30 năm, sinh con, chăm sóc ông lúc đau bệnh, thờ cúng tổ tiên. Nhưng không có một tờ giấy chứng nhận, cuối cùng… bà ra đi như một người dưng.
Tôi ước gì ba tôi từng đưa mẹ đi đăng ký kết hôn. Hay ít nhất, có một lời xin lỗi.
Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã quá muộn. Và tôi không biết mình nên làm gì với căn nhà này – nơi tôi ở mà không còn là nhà nữa, thậm chí đầu tôi còn dấy lên suy nghĩ: Liệu mẹ có từng là người thứ 3?