Bà lão nhặt rác đeo vàng đầy người, “trêu ngươi” số phận
Hàng ngày bà Thảo phải dậy từ 5 giờ sáng để nhặt rác kiếm miếng cơm manh áo sống qua ngày, thế nhưng nhiều lần hàng xóm vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà đeo lỉnh kỉnh vàng trên người…
Nhặt rác đeo vàng lỉnh kỉnh
Câu chuyện đeo vàng đầy người khi đi nhặt rác của bà Nguyễn Thị Thảo gần 70 tuổi (tổ 8, La Khê, Hà Đông, HN) tưởng đùa hóa ra thật. Tuy nhiên, đằng sau sự thật ấy là cả một câu chuyện dài về số phận trớ trêu.
Rất nhiều người dân tại khu phố đã từng thấy bà Thảo đeo lỉnh kỉnh vàng nhưng trên người cõng đủ thứ rác rưởi, phế liệu. Trò chuyện với chúng tôi, bà Loan (hàng xóm) cho biết: “Nhiều người thấy bà đeo đầy đồ trang sức vàng trên người đều tỏ ra ngạc nhiên. Tôi còn nhớ có lần bà còn mang cả vốc vàng sang nhà tôi khoe, thấy vậy tôi liền nói: bà mang cất kỹ đi chứ cứ khoe thế này gặp người xấu thì sao”.
Hàng ngày bà Thảo thức dậy từ sáng sớm để đi khắp nơi nhặt rác.
Nhưng chính bà Loan cũng không khẳng định được đó là vàng thật hay giả, nhiều người tin rằng đó là vàng thật bởi theo suy đoán của họ thì: “Chắc bà nhặt rác vớ được vàng của ai đó đánh rơi hoặc bỏ quên”, cũng có người lại cho rằng: “Do cuộc đời quá khổ cực, mất mát quá nhiều nên bà mua vàng giả đeo để “trêu ngươi” số phận”.
Cuộc đời đầy chông gai, sóng gió. Thi thoảng bà Thảo vẫn lôi vàng ra đeo khi đi nhặt rác để... trêu ngươi số phận.
Nhiều người thấy vậy khuyên bà nên cất đi chứ đeo lỉnh kỉnh thế nhiều người nổi lòng tham cướp giật hoặc lừa lấy mất nhưng bà mỉm cười nói: “Ai lấy được thì cứ lấy, cuộc đời có thứ gì có được dễ đâu”.
Khi tiếp xúc với chúng tôi, trên người bà Thảo không mang bất cứ một món đồ bằng vàng nào ngoài đôi hoa tai. Đó là kỷ vật mà người chồng lúc còn sống đã mua tặng bà. Nhưng khi nói đến chuyện bà đeo đầy vàng mỗi lần đi nhặt rác thì bà Thảo chỉ ngậm ngùi không tiết lộ bất cứ điều gì trong khi mắt ngân ngấn nước.
Tất cả những thứ bà Thảo cho là dùng được, bán được bà đều mang về nhà.
Hàng ngày, bà Thảo lọ mọ thức dậy từ lúc gà chưa gáy đi khắp khu vực trong quận để nhặt nhạnh tất cả những gì người ta bỏ đi như: Túi nilon, vỏ lon, hộp, thậm chí cả những thứ chẳng thể bán được cho cánh đồng nát cũng được bà nhặt về.
Bình quân mỗi ngày bà nhặt được từ 15 – 20kg rác và phế liệu, thỉnh thoảng bà lại gọi cánh đồng nát vào thu mua, số rác còn lại chẳng thể bán được bà đành giữ lại và bày biện khắp nhà. Chính vì thế mà mọi góc trong căn nhà nhỏ ấy đều được bà tận dụng để bày biện tất cả những gì thu lượm được.
Bà ngậm ngùi nói: “Cuộc đời tôi hình như gắn liền với rác rưởi rồi, bây giờ hàng ngày đi nhặt rác kiếm miếng cơm manh áo sống qua ngày. Đồng nát thì chả có nhiều đâu, chủ yếu là túi nilon thôi, mà túi nilon thì chỉ có 1000 đồng/kg thôi”.
Thân cò “bảy nổi ba chìm”
Đằng sau câu chuyện bà lão nhặt rác người đeo lỉnh kỉnh vàng ấy ít ai biết ngay từ khi sinh ra đến bây giờ đã “gần đất xa trời” nhưng bà Thảo chưa có một ngày sung sướng, hạnh phúc mà chỉ gắn liền với những khổ cực, tủi nhục, mất mát, đau thương và cô quạnh…
Bà Thảo sinh ra tại Hải Hậu (Nam Định). Từ lúc mới lọt lòng, bà đã phải chịu cảnh mồ côi khi người mẹ mất vì bị băng huyết, còn người bố thì đi lấy vợ hai. Khi lớn lên chút nữa, bà thường bị người mẹ kế chửi mắng, đánh đòn. Đến năm lên 10 tuổi thì bố bà lâm bệnh mà mất. Bà không còn chỗ nương tựa, sống trong sự ghẻ lạnh của mẹ kế nên đành bỏ nhà mà đi.
Có những thứ tưởng chừng như chẳng thể dùng được, bà Thảo cũng mang về bằng được.
Không nhà cửa, không người thân khiến cuộc sống của những năm tháng tuổi thơ dài lê lê chìm trong đói rách, bơ vơ. Những năm tháng ấy để kiếm miếng sắn, củ khoai, bát cám thì bà đã phải đi làm thuê cuốc mướn, nhặt rác… và lang bạt khắp chốn.
Đến khi bước vào tuổi thiếu nữ mười tám đôi mươi thì bà có mặt trên đất Thái Nguyên. Lúc đó có chút vốn liếng từ những ngày đói kém bà đã thuê một cửa hàng bán tạp hóa đơn sơ. Lúc đó bà đẹp lắm, cái đẹp của cô gái mới lớn khiến bao chàng trai ngay ngày "cắm chốt" ở cửa hàng tạp hóa của bà. Chính điều này cộng với sự chăm chỉ của bà đã khiến ông Hà Văn Chiến là giảng viên một trường đại học yêu thương và từ đó hai người nên duyên vợ chồng.
Đồ đạc bà mang về chất đầy ắp căn nhà nhỏ.
Cuộc sống tưởng chừng khi sang một trang mới sẽ bớt đi sự cô quạnh, khổ đau ai ngờ khi 4 người con của bà sinh ra đều lần lượt ra đi, chỉ còn lại duy nhất 1 cô con gái. Mất mát quá lớn, khổ đau quá nhiều và số phận quá nghiệt ngã khiến hai người phải bỏ đất Thái Nguyên xuống Hà Đông mưu sinh.
Nhưng số phận lại một lần nữa “trêu ngươi” bà khi người chồng mấy chục năm chung sống, vượt qua bao khổ đau lại ra đi vì bệnh tật, bỏ lại bà với nỗi cô đơn, buồn tủi.
Ở tuổi già cô quạnh, bà Thảo chỉ còn biết lấy niềm vui từ công việc nhặt rác và phân loại rác làm niềm vui.
Hiện nay, người con gái duy nhất của bà hiện lấy chồng tại Thanh Xuân nhưng cũng vất vả, khó khăn nên thỉnh thoảng mới xuống thăm dúi vào tay mẹ vài ba chục ngàn để nói bà mua lạng thịt, con cá.
Mồ côi mẹ khi vừa chào đời, cha mất khi lên 10 tuổi, 3 đứa con mất do bệnh tật còn người chồng thì cũng bỏ bà ở lại năm 2012 khiến cuộc đời bà như một bi kịch. Trước khi chia tay bà nghẹn ngào trong nước mắt: “Ông trời đã lấy đi của tôi quá nhiều. Từ nhỏ đã phải lang thang, nhặt rác bây giờ sắp chết rồi mà vẫn không thoát khỏi kiếp nhặt rác”…