Bà Diệp Thảo yêu cầu thi hành án, Trung Nguyên quả quyết "làm đúng pháp luật"
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa gửi đơn yêu cầu Cục Thi hành án Dân sự TP HCM thi hành án và sẵn sàng đề nghị hình sự hoá các hành vi cản trở việc bà trở về Tập đoàn Trung Nguyên.
Đến ngày 5-10, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa thể trở về Tập đoàn Trung Nguyên, kể từ sau phán quyết của toà án. Bà Thảo vừa có đơn gửi Cục Thi hành Dân sự TP HCM yêu cầu thi hành bản án của toà phúc thẩm.
"Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, tôi đã trực tiếp đến trụ sở của công ty để thông báo về việc hợp tác, phối hợp và nghiêm túc thực hiện thi hành bản án; đề nghị bố trí văn phòng làm việc; đề nghị khôi phục toàn bộ quyền hạn của tôi với tư cách phó tổng giám đốc thường trực… Thế nhưng, không những không hợp tác mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và một số cấp quản lý của công ty còn ngăn cản, đóng cửa, không cho tôi vào trụ sở" - bà Lê Hoàng Diệp Thảo viết trong đơn gửi Cục Thi hành án Dân sự TP HCM. Do đó, bà Thảo làm đơn yêu cầu thi hành bản án phúc thẩm mà TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên.
Trước đó, ngày 20-9, TAND cấp cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm vụ kiện bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực xảy ra tại Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Tòa đưa ra phán quyết sau cùng là hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên. Đồng thời, buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách là một thành viên HĐQT và phó tổng giám đốc thường trực.
Với vai trò phó tổng giám đốc thường trực, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng có chỉ thị đầu tiên cho các cấp quản lý liên quan tại Tập đoàn Trung Nguyên, như: yêu cầu tiến hành kiểm toán để xác định tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh trước và sau khi bà trở về điều hành…
"Không một ai từ phía Tập đoàn Trung Nguyên có quyền bãi nhiệm tôi lần nữa sau khi bản án phúc thẩm được tuyên vào ngày 20-9, khôi phục chức danh phó tổng giám đốc thường trực tại đây" - bà Thảo khẳng định. Theo bà Thảo, đối với những cá nhân liên quan không chấp hành bản án, có hành vi ngăn cản, chống đối lại sự điều hành của phó tổng giám đốc thường trực, bà đang tiến hành xác lập hành vi chống đối để yêu cầu xử lý hình sự đối với việc không thi hành bản án theo quy định của pháp luật.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Trong khi đó, về phía Trung Nguyên, ngày 5-10, đại diện tập đoàn này khẳng định cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên vẫn đang tuân thủ theo bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM.
Theo Trung Nguyên, thể hiện sự hợp tác và tuân thủ pháp luật của bản án sơ thẩm, ngày 9-10-2017 (trước khi TAND Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử - ngày 20-9-2018), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn Trung Nguyên đã chủ động ban hành Quyết định 012/2017/QĐ-CTHĐQT về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định 01/QĐ-CTHĐQT ngày 13-4-2015 của Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên về việc bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, do ghi sai chức danh chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Điều này cho thấy Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên đã thực hiện đúng với phần quyết định tại bản án sơ thẩm của TAND TP HCM và không trái với bản án phúc thẩm ngày 20-9-2018.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong một lần hòa giải tại tòa
Đến ngày 21-9-2018, căn cứ thẩm quyền của tổng giám đốc theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều lệ Hoạt động của Trung Nguyên, Tổng Giám đốc Trung Nguyên đã ban hành Quyết định 06/2018/TNG/QĐBN-TGĐ về việc bãi nhiệm chức phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo Trung Nguyên, việc này hoàn toàn đúng pháp luật, đúng điều lệ công ty và không trái với quyết định của bản án phúc thẩm.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp - Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: Sau khi có quyết định thi hành án, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Công ty Trung Nguyên có thời gian tự nguyện thi hành án là 10 ngày. Nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án mà ông Vũ và Công ty Trung Nguyên không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định cưỡng chế buộc ông Vũ, Công ty Trung Nguyên phải thực hiện các công việc hoặc không được thực hiện các công việc trong bản án đã nêu.
Theo phán quyết của TAND Cấp cao tại TP HCM thì tòa đã hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên; ông Vũ không được ngăn cản bà Thảo điều hành, quản lý công ty. Nếu ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Công ty Trung Nguyên (bao gồm các cá nhân liên quan) không thực hiện thì tùy mức độ có thể sẽ bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc cưỡng chế thi hành án được căn cứ theo Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể, Điều 118 về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định: Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án.