Bà cụ 75 tuổi ngã ở bến xe buýt, đòi tài xế bồi thường hơn 70 triệu: Đoạn video vạch trần sự thật
Hai bên không ai nhượng bộ cho đến khi có bằng chứng rõ ràng.
Bà Trần, 75 tuổi ở Thâm Quyến, Trung Quốc bắt xe buýt để đi mua sắm. Tuy nhiên, bà không may bị ngã khi ở bến xe. Đúng lúc này, một chiếc xe buýt chạy tới.
Nhìn thấy bà cụ ngã, người đi đường không ai dám chạy đến giúp đỡ. Tài xế xe buýt, anh Mã thấy vậy thì lập tức xuống xe đỡ bà dậy. Anh thậm chí còn đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra. Vì không liên lạc được với gia đình bà Trần, anh Mã đã trả trước 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng) chi phí y tế và đợi cho đến khi con trai bà đến.
Kết quả kiểm tra cho thấy vết thương của bà Trần rất nghiêm trọng. Bà bị thương ở đốt sống ngực và phải tiếp tục nằm viện để theo dõi. Anh Mã trở về sau khi bàn giao lại tất cả cho con trai của bà.
Nhiều ngày sau, anh không nhận lại được số tiền đã ứng trước cho bà cụ nằm viện. Phía gia đình cũng không có một lời cảm ơn. Một vài ngày sau, anh nhận được cuộc gọi của con trai bà Trần. Người này không trả tiền, thậm chí còn yêu cầu anh Mã chịu toàn bộ chi phí y tế cho bà cụ.
Bất bình vì làm việc tốt nhưng bị bắt đền, anh Mã không đồng ý với yêu cần của đối phương. Tuy nhiên, họ liên tục gọi điện làm phiền và đe dọa sẽ làm lớn chuyện. Anh không còn cách nào khác là phải gọi cảnh sát.
Cảnh sát đã trích xuất video giám sát bến xe ngày hôm đó, trong video có thể thấy: Bà Trần không may trượt chân ngã, không hề liên quan đến chiếc xe buýt của anh Mã. Dẫu vậy, bà cụ vẫn một mực khẳng định bà ngã do tài xế lái xe không cẩn thận. Họ còn nghi ngờ đoạn video là do dàn dựng.
Con trai bà Trần vẫn không chịu nhượng bộ. Ông yêu cầu anh Mã cung cấp đoạn video giám sát thứ hai để chứng minh vô tội, nếu không sẽ kiện ra tòa. Họ kiên quyết đòi anh bồi thường 20.000 NDT (khoảng 70,3 triệu đồng), yêu cầu phải gửi tiền càng sớm càng tốt.
2.000 NDT ứng trước trước đó tương đương với hơn nửa tháng lương của anh Mã còn chưa lấy lại được. Bây giờ đối phương muốn đòi thêm 20.000 NDT nữa, điều này khiến anh vô cùng tức giận. Vợ anh cũng phải nhận những cuộc gọi từ số lạ đe dọa, tinh thần bị ảnh hưởng không ít.
Để kết thúc sự việc, anh Mã phải dán thông báo tìm kiếm nhân chứng là những hành khách đã đi chuyến xe bus ngày hôm đó. Hai ngày sau, một số nhân chứng đã liên lạc với anh Mã. Tất cả đều nói rằng bà Trần tự ngã, tài xế hoàn toàn vô tội.
Lực lượng chức năng kết luận anh Mã là người giúp đỡ bà Trần, và anh không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về việc bà phải nằm viện điều trị. Đồng thời, họ cảnh cáo con trai bà Trần. Hành vi của anh ta có thể coi là tống tiền, trái pháp luật. Không còn gì để phản bác, người đàn ông này không đòi bồi thường. Tuy nhiên, anh ta không chịu xin lỗi và trả lại 2.000 NDT.
Về số tiền này, anh Mã nói rằng 2.000 NDT là do bản thân tự nguyện quyên giúp đỡ. Gia đình không vay tiền nên không có ý định đòi lại. Anh cũng cho biết, giữa tiền bạc và sự trong sạch, anh coi trọng sự trong sạch của mình hơn. Anh còn hào phóng tuyên bố không mong bà Trần và gia đình trả lại số tiền, miễn là sự việc được giải quyết.
Ngay sau đó, sau khi biết được sự việc này, công ty xe buýt nơi anh Mã làm việc đã tổ chức một buổi họp khen thưởng và trao cho anh số tiền 3.000 NDT (khoảng 10,5 triệu đồng).
Phát biểu tại buổi tuyên dương, anh Mã nói: "Tôi không hối hận vì đã giúp đỡ người khác. Dù có gặp phải tình huống tương tự một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn giúp đỡ họ. Chúng ta không thể vì một vài việc không hay để ảnh hưởng đến lòng tốt của bản thân."
Câu chuyện của anh Mã sau khi đăng tải đã nhận về nhiều lời khen. Phần lớn mọi người đều ngại giúp đỡ người gặp nạn vì sợ rơi vào tình huống tương tự. Do đó, việc làm của anh được coi như tấm gương sáng.
Theo Sohu