Bà bầu đi buôn và cuộc chiến ngầm “thương trường online”
"Dù chỉ buôn bán nhỏ lẻ trên các trang mạng xã hội, nhưng những “cuộc chiến” để chống chọi với những trò bẩn, những cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh từ những người bạn buôn thì không lúc nào ngừng nghỉ” – chị Lan (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết.
Mặc dù đang mang bầu ở tháng thứ 8, lại rất bận rộn với công việc kế toán cuối năm ở công ty và cô con gái nhỏ ở nhà. Tuy nhiên công việc bán hàng online trên các trang mạng xã hội vẫn có một sức hút kỳ lạ đối với bà mẹ trẻ có nick facebook Lan le.
Được biết, mặt hàng mà chị lựa chọn để rao bán trên các trang mạng xã hội là trang sức bạc lấy từ quê hương Bình Giang – Hải Dương, nơi chồng của chị đã sinh ra và lớn lên.
Vì thế, về kiểu dáng và chất lượng của hàng hóa, có lẽ sẽ không cần phải giới thiệu quá nhiều. Bởi nếu là những người hợp với bạc, yêu thích những món đồ trang sức được chế tác từ bạc, ai cũng biết đến sự nổi tiếng của mặt hàng có nguồn gốc ở nơi đây.
“Tuy nhiên, vì tính lãi rất ít nên dù là những ngày bán được nhiều, tiền lãi thu về cũng chỉ 100 – 200 nghìn" - chị Lan cho biết
"Thế nhưng đã làm thì mình lại rất ham" - chị Lan nói.
"Ngày nghỉ, máy tính, điện thoại lúc nào mình cũng online, đèn facebook lúc nào cũng xanh lét để sẵn sàng phục vụ khách. Còn trong ngày làm việc, mình không dám tham ô thời gian của công ty. Nhưng cứ đến giờ nghỉ trưa là hàng chục cửa sổ chát hiện ra, khách hỏi đến đâu mình tư vấn nhiệt tình đến đó.
Thậm chí có những hôm, khách hỏi nhiều, không có thời gian ăn cơm, mình phải vừa ăn vừa chát. Sau đó, tay lại ghi ghi chép chép, rồi lại điện đóm để đặt hàng, chuyển hàng, giao hàng... Cứ thế, một buổi trưa trôi qua nhanh hơn chớp mắt.
Còn chiều tối về nhà, vì phải lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa rồi lại chăm con, nên mình không có nhiều thời gian vào mạng, nhưng thỉnh thoảng mình cũng ngó qua facebook điện thoại để theo dõi các đơn hàng".
"Thế rồi bầu bí mỗi ngày một to, sự mệt mỏi, đau nhức cũng tăng lên theo độ tuổi của thai nhi nên chồng bắt mình phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Bởi anh biết, công việc bán hàng, tuy chỉ là làm thêm cho vui và kiếm thêm chút tiền tiêu vặt, nhưng đã kinh doanh thì không có gì là đơn giản” – chị Lan tâm sự.
Một vài trong số những mẫu trang sức mà chị Lan đang giới thiệu đến khách hàng
Những cuộc cạnh tranh ngầm đầy “khốc liệt”
“Mặt hàng mình kinh doanh, tuy không có quá nhiều người rao bán trên mạng như quần áo, hay những loại thực phẩm khác, nhưng việc phải cạnh tranh với những người làm hàng giả đôi lúc cũng khiến mình phải đau đầu.
Họ lấy hàng nhái, hàng kém chất lượng, và bị pha nhiều nhưng lại quảng cáo là hàng Bình Giang – Hải Dương, rồi rao bán với giá rẻ hơn hẳn so với giá mình nhập vào khiến không ít vị khách thắc mắc và nghi ngờ mình lấy lãi cao với cả anh em bạn bè, đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, một số người buôn hàng khác lại lấy hàng nhái nhưng rao bán với giá rất đắt rồi công kích trên mạng rằng những sản phẩm bán rẻ hơn là hàng pha tạp khiến nhiều khách đã mua hàng của mình bỗng trở nên băn khoăn.
Tuy nhiên, những trường hợp ấy, nếu biết, mình sẽ khiến mọi người xóa đi nghi ngờ, bởi mình luôn khuyến khích khách mang hàng đi thử để mọi người hoàn toàn có thể tin tưởng về chất lượng sản phẩm mà mình rao bán” – chị Lan nói.
Thế nhưng, theo chị Lan, việc buôn bán, dù chỉ là nhỏ lẻ và chỉ trên các trang mạng xã hội, nhưng những trò bẩn, những cuộc cạnh tranh giữa những người bán hàng thì luôn luôn tồn tại, và “khốc liệt” không hề kém môi trường bên ngoài.
“Sau một thời gian buôn bán, mình đã nhận được sự tin tưởng của rất nhiều người, vì thế, số lượng khách tìm đến mình để mua sản phẩm cũng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi thấy mình đông khách, thì sự ghen tị dẫn đến kiểu làm ăn thiếu đoàng hàng của những người bạn buôn cũng xuất hiện nhiều hơn” - Chị Lan kể:
“Họ không những vào facebook của mình để lấy cắp hình ảnh các mẫu hàng mà còn nhắn tin chèo kéo các vị khách của mình. Sau đó, những vị khách thân thiết của mình báo lại, mình mới biết để block những người bạn buôn xấu tính đó”.
… và những vị khách không muốn gặp lại lần thứ 2
“Sau khi phải “chống chọi” với những “trò bẩn’ và những cuộc cạnh tranh với người buôn bán chung mặt hàng, cứ nghĩ, sẽ không còn những chuyện khiến mình phải đau đầu nữa, tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Thỉnh thoảng, mình vẫn gặp phải những vị khách “củ chuối” khiến mình bực đến phát khóc" - chị Lan kể.
"Họ đặt hàng, rồi hẹn thanh toán sau. Mình cũng tin tưởng nên đồng ý. Nhưng rồi, khi gọi điện giao hàng, thì họ mất hút, không nghe máy, cũng không hồi âm.
Đấy là chưa kể đến những vị khách có thói quen đặt cho vui, rồi bắt người giao hàng của mình phải đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần. Nhưng cuối cùng vẫn không giao được hàng"- chị Lan nói.
Dù đang bầu bí ở tháng thứ 8, chị Lan vẫn say mê với công việc buôn bán vào mỗi lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên không ít lần chị gặp phải những vị khách “có tính đùa dai” khiến chị phải bức xúc.
“Tính mình nóng tính, nên những chuyện bực bội đó mình đều viết hết lên facebook để khách, nếu có đọc được thì cũng nên rút kinh nghiệm. Mình buôn bán đoàng hoàng để kiếm thêm chút tiền bỉm sữa cho con nên những sự trêu đùa như vậy là không nên chút nào.
Còn nếu như họ đặt, rồi vì một lý do đặc biệt nào đó mà không thể nhận, thì có thể báo lại mình để mình tìm cách giải quyết, người giao hàng của mình cũng đỡ mất công có phải tốt hơn không ?” – chị Lan bức xúc.