Áp lực học tập tại Nhật Bản: Choáng với sức ép để trở thành thiểu số xuất sắc, cuối tuần không tồn tại, các kỳ thi chỉ ngày càng khó hơn
Nhật Bản là một trong những nước có áp lực học tập căng thẳng nhất thế giới. Tuy nhiên, áp lực này chỉ thực sự nặng nề nhất với một bộ phận thiểu số
Giáo dục khoa cử không dành cho tất cả
Trang Tofugu cho biết, để có được một công việc tốt tại Nhật Bản, tấm bằng đại học danh giá là điều kiện cần. Tuy nhiên, trước khi vào được trường và có thể tốt nghiệp, học sinh sẽ phải trải qua kỳ thi tuyển đầu vào.
Bản thân kỳ thi đại học đã vô cùng khắc nghiệt, nhất là ở những đại học danh giá. Tuy nhiên, Tofugu cho biết danh sách lựa chọn các trường đại học học sinh có thể ứng tuyển lại phụ thuộc vào trường phổ thông các em theo học.
Hơn nữa, vì trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thường là liên cấp, nên nếu muốn có khởi đầu tốt, cuộc đua vào đại học thực ra đã phải bắt đầu từ khi học tiểu học, khởi đầu bằng việc thi tuyển vào các trường trong top.
Để chạy đua cho các kỳ thi này, phương pháp ôn luyện phổ biến nhất là qua các lò luyện thi, hay juku (trường tư thục). Những lớp học thêm này diễn ra sau giờ học chính và thường có lịch học trải dài cả tuần.
Mặc dù bị chỉ trích nhiều, những lò luyện thi này vẫn rất phổ biến vì nền giáo dục nặng khoa cử của Nhật Bản.
Tuy nhiên có một điều ngạc nhiên là theo số liệu của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) năm 2014, học sinh Nhật Bản từ lớp 1-9 dành ít thời gian trên lớp hơn cả học sinh Mỹ (lần lượt 7,2h và 8,3h). Khảo sát từ Forbes cũng cho thấy học sinh Nhật dành ít thời gian mỗi tuần hơn học sinh các nước khác để làm bài tập (3,8h so với 6,1h của Mỹ hay 8,7h của Ý).
Tại sao Nhật Bản, vốn nổi tiếng là một quốc gia có áp lực nặng nề về khoa cử, lại sở hữu những con số trên? Thì ra câu trả lời nằm ở tỷ lệ.
Theo Takahiro Goto, Giám đốc trường luyện thi GS Shingaku Kyoshitsu ở Tokyo, đúng là có một số học sinh Nhật học hành "điên cuồng", nhưng đó không phải tất cả. Trong số các học sinh tốt nghiệp phổ thông, trung bình có 50% sẽ đi học trường nghề rất dễ tiếp cận hoặc đi làm luôn; 25% vào những trường đại học ít tiếng tăm "mà ai cũng vào được".
Chỉ có 25% được gọi là jukensei (受験生 - thụ nghiệm sinh, các thí sinh cho kỳ thi) là phải chuẩn bị cật lực cho các trường đại học top trên. Chưa kể, đó là tỷ lệ ở các thành phố lớn như Tokyo mà thôi; tỷ lệ ở các vùng nông thôn sẽ có sự khác biệt nhất định với số jukensei thấp hơn.
Nói vậy không có nghĩa là số học sinh ngoài thiểu số xuất sắc không chịu nhiều áp lực.
Theo số liệu từ Trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Quốc gia được Nippon tổng hợp năm ngoái, hơn một nửa số học sinh phổ thông tại Nhật có dấu hiệu trầm cảm nhẹ trở lên. Đặc biệt, tỷ lệ trầm cảm tỷ lệ thuận với cấp học.
Theo số liệu của WHO, tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Nhật từ 15-24 tuổi đứng top trong số các nước phát triển:
Mặc dù không học nhiều như jukensei, đa số các học sinh Nhật vẫn không rảnh vì dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa bukatsu hay câu lạc bộ. Các hoạt động này tiêu tốn 15-20 giờ/tuần, ngoài 25 giờ học trên lớp.
Tại Nhật Bản, giáo dục từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở là bắt buộc và phụ huynh không gửi con đến trường có thể đối mặt với các án phạt. Các hình thức giáo dục thay thế bên ngoài trường học truyền thống như trường quốc tế hoặc trường khai phóng cũng tồn tại, nhưng số đó rất hiếm.
Đa số các học sinh vẫn tham gia trường học truyền thống và thiểu số ưu tú phải vật lộn với cuộc đua vào trường đại học. Đối với thiểu số này, việc học trở thành gần gũi như hơi thở.
Dưới đây là thời khóa biểu vào năm 2013 của Kotaro Hanawa, một người từng đi học tại Nhật.
Có thể thấy, thời khóa biểu cả tuần của một jukensei gần như không còn chỗ để thở và phải "chạy show" không nghỉ từ 6h sáng đến 11-12h đêm.
Kotaro bình luận thời gian vui chơi giải trí hay dành cho sở thích, đam mê. Chưa kể, việc học với gia sư hay các lò luyện thi cũng tốn thêm của phụ huynh kha khá học phí. Theo lời anh, lối sống này bắt đầu từ khi lên 11 tuổi nhưng như thế đã là khá muộn vì có những người đã bắt đầu chạy đua từ năm lên 9.
Thậm chí còn có một số slogan được sử dụng một cách châm biếm cho lối sống "học để thi" này, ví dụ như:
"Thứ hai, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ sáu!" - ám chỉ việc cuối tuần là khái niệm không tồn tại.
"Không bao giờ mong muốn bất cứ thứ gì, cho tới khi đạt được chiến thắng!".
"Tiến lên, 100 triệu quả cầu lửa!".
Kotaro giải thích những slogan trên đều bắt nguồn từ thời còn chiến tranh và sau này được dùng để châm biếm nền kinh tế nghiện công việc nhưng thiếu hiệu quả sau này của Nhật. Câu thứ 2 có nghĩa là hy sinh tất cả mọi thứ vào thời chiến để đạt được chiến thắng, hay ngày nay có nghĩa là đến khi thi đỗ.
Câu cuối cùng được dùng với nghĩa toàn dân hy sinh để giành chiến thắng, sau này nhấn mạnh vào sự nỗ lực vì nền kinh tế. Thậm chí, 2 câu đầu tiên có khi còn được dùng theo nghĩa đen chứ không còn là châm biếm trong các trường học hiện nay.
Áp lực của các trường học thêm
Khi được hỏi tại sao các juku lại cần thiết cho quá trình luyện thi ở Nhật, ông Takahiro cho hay:
"Đầu tiên, cần phải hiểu rằng các lớp học và cuộc sống học đường thông thường không phù hợp với các kỳ thi tuyển sinh. Tôi không nói điều này vì bản thân tôi sở hữu một trường luyện thi, nhưng các em không thể thành công trong các kỳ thi tuyển sinh nếu chỉ tham gia các lớp học bình thường. Việc trả lời các câu hỏi (trong đề thi) là bất khả thi. Đó là lý do tại sao các trường luyện thi trở nên cần thiết.
Ở Nhật Bản, có hai loại 'juku'. Cái đầu tiên là 'shingaku juku' giống như của tôi. Đó là một trường luyện thi nơi theo học để vào một trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc đại học khó khăn.
Loại thứ hai được gọi là 'hoshuu juku' hoặc trường bổ túc, dành cho những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc theo kịp các lớp học bình thường.
Vấn đề ở chỗ, các lớp học thông thường có quá đông học sinh (khoảng 40 em) và xếp lẫn lộn học sinh giỏi cũng như học sinh kém. Vì lý do đó, chương trình học phải đáp ứng theo học lực của các học sinh kém hơn, không đủ cho nhu cầu các học sinh giỏi.
Trong khi đó, chương trình của Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng chỉ yêu cầu mức kiến thức tối thiểu, không thể đủ để đáp ứng cho việc ứng tuyển vào những trường khó".
Để chuẩn bị cho những kỳ thi khó khăn, ông Takahiro cho biết học sinh phải được học hết chương trình từ trước trong 1-2 năm đầu cấp, thời gian còn lại sẽ hoàn toàn dành cho ôn thi.
Một nghịch lý là dù Nhật Bản có dân số già và số trẻ nhỏ ngày càng giảm, các kỳ thi lại càng lúc càng khó và cạnh tranh hơn. Giải thích về hiện tượng này, Takahiro nói:
"Đúng là số lượng trẻ em ngày càng giảm và sẽ còn giảm nhiều hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, tình huống này chỉ đặc biệt đúng đối với các khu vực ngoài trung tâm của Nhật Bản. Ở Tokyo, dân số ổn định hơn.
Bạn sẽ thấy ngạc nhiên, nhưng ngay cả khi số lượng trẻ em đến trường luyện thi giảm đi, thì lợi nhuận của các trường nói chung vẫn tăng lên. Vì mọi người có ít con hơn, họ đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và cho con tham gia nhiều lớp học hơn. Thậm chí ông bà cũng đầu tư vào việc học hành của cháu mình.
Bây giờ, chúng ta hãy nói về độ khó của các kỳ thi tuyển sinh. Kỳ thi tuyển sinh của các cơ sở tư nhân luôn khó khăn. Mức độ cạnh tranh của họ cao gấp 4, 5 lần. Nếu đề thi quá dễ, quá nhiều trẻ sẽ đạt điểm gần tối đa và không thể đánh giá được trẻ nào có tiềm năng tốt nhất. Các bài kiểm tra thật khó cho phép chúng tôi phân loại.
Một thay đổi đáng kể ở Tokyo gần đây là kỳ thi đầu vào của một số trường trung học công lập cũng trở nên khó nhằn. Đặc biệt là đối với "shingaku shido jutenko" các trường trung học tập trung vào luyện thi đại học. Kỳ thi đầu vào của họ đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, các kỳ thi tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập khác rất dễ dàng và những đứa trẻ học đúng cách thường đạt điểm tối thiểu là 90/100.
Do đó, kỳ thi tuyển sinh vào các trường được xếp hạng cao trở nên khắt khe hơn vì có rất nhiều cạnh tranh mà họ chỉ cần chọn những học sinh xuất sắc nhất".
Tương lai nào cho nền giáo dục nặng khoa cử của Nhật Bản?
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, theo ông Takahiro, các trường luyện thi lại là một xã hội thu nhỏ thích hợp cho các học sinh dành thời gian buổi tối thay vì ở nhà, bởi lẽ nhiều học sinh có cha mẹ đi làm tất bật cả ngày.
Ông thậm chí còn có ý tưởng mở rộng trường mình thành một hệ thống "ký túc xá luyện thi" có thể khiến những phụ huynh ít có thời gian cho con cái hứng thú.
Tất nhiên, đó chỉ là ý kiến riêng của một chủ trường luyện thi. Việc các trường juku này ảnh hưởng ra sao đến tâm lý học sinh vẫn chưa được kết luận rõ ràng, nhưng điều chắc chắn là hệ thống khoa cử nặng nề tại đất nước Đông Á đang tạo rất nhiều áp lực lên những học sinh có nhiều kỳ vọng từ gia đình và chính bản thân.
Và với việc mức cạnh tranh của kỳ thi đầu vào ngày càng cao, tình trạng này sẽ không giảm thiểu trong tương lai gần.
Nguồn: Quora, Kokoro, Nippon