Áp giá trần để bảo vệ quyền lợi của hàng chục triệu trẻ em VN

Theo Lao động,
Chia sẻ

Để đảm bảo quyền lợi của hơn 10 triệu trẻ em đang sử dụng sản phẩm sữa, Bộ Tài chính đề nghị khống chế giá trần của giá sữa.

2 tháng, Nestle VN hưởng lợi hơn 5 tỉ đồng từ tăng giá sữa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, dù đây là việc khó, nhưng không thể không làm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ cũng khuyến nghị các DN sữa nên chia sẻ lợi nhuận, khi giá sữa quá cao đang mang lại cho họ những nguồn thu chênh lệch đến 20-30%. Theo Bộ trưởng Nên, đây là mặt hàng mà nhà nước cần quan tâm bảo trợ. Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia, như Mỹ, Thái Lan cũng có những cách quản lý của họ theo hướng không thả lỏng giá sữa.

Áp giá trần để bảo vệ quyền lợi của hàng chục triệu trẻ em VN 1
Tại phiên họp Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình phương án bình ổn thị trường sữa cho trẻ dưới 6 tuổi bằng biện pháp áp giá trần.

Tại phiên họp Chính phủ cùng ngày, Bộ Tài chính đã trình phương án bình ổn thị trường sữa cho trẻ dưới 6 tuổi bằng biện pháp áp giá trần, nhằm chấn chỉnh việc các DN sữa đang “bắt tay nhau” tăng giá, thu lợi từ 20-30%.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua, liên ngành Tài chính-Công thương đã kiểm tra 5 công ty chiếm 90% thị phần sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, gồm Cty cổ phần sữa VN (Vinamilk), Công ty TNHH dinh dưỡng 3A, Cty TNHH Nestle VN, Cty TNHH Friesland Campina VN, Mead Johnson Nutrition VN.

Qua thanh tra cho thấy các công ty thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Trong đó, việc kê khai giá của Cty Nestle VN có sai phạm, kê khai giá thiếu 3/24 sản phẩm. Bộ đã xử phạt hành chính 45 triệu đồng. Ngày 10.1, kê khai giá 12 sản phẩm và tăng giá 11 sản phẩm từ 1.2. Cục Quản lý giá có công văn yêu cầu giải trình kê khai giá, nhưng Cty vẫn thực hiện tăng giá bán. Số tiền chênh lệch giá bán tăng 11 sản phẩm này từ 1.2.2014 đến 31.3.2014 là hơn 5,229 tỉ đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, giá sữa chỉ tăng không giảm. Cụ thể, có 4 Cty tăng giá 1 lần, riêng công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá 2 lần. Trong đó, mặt hàng tăng thấp nhất là 2,4%, tăng cao nhất là 30,668%. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014 đã có 2/5 công ty đã tăng giá bán, gồm Vinamilk từ ngày 10-2 tăng giá 27/32 sản phẩm, từ ngày 1-4 tăng giá 5/32 sản phẩm với mức tăng từ 7% -14%. Nestle Việt Nam từ ngày 1-02 tăng giá 11/24 sản phẩm với mức tăng từ 5% - 9%.

Trong số 5 doanh nghiệp được thanh tra thì có đến 4 doanh nghiệp có hành vi đã kê khai thiếu thuế phải nộp NSNN năm 2013 với số tiền là 10.206.606.587 đồng. Các doanh nghiệp vi phạm gồm công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam kê khai thiếu thuế thu nhập DN (TNDN), thuế nhà thầu phải nộp là 5.249.651.230 đồng. Vinamilk kê khai thiếu thuế TNDN, thuế GTGT phải nộp là 2.745.849.764 đồng. Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam kê khai thiếu thuế TNDN phải nộp là 1.894.013.929 đồng. Mead Johnson Nutrition Việt Nam kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng phải nộp là 317.091.664 đồng.

Riêng, Nestle Việt Nam còn bị xử phạt vi phạm hành chính về giá do do kê khai thiếu 3/24 sản phẩm sữa, vi phạm quy định tại khoản 3, Điều11, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ. Mức xử phạt là 45 triệu đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính còn phát hiện các doanh nghiệp này đã chi vượt mức quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị tới 386 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân làm giá sữa đội lên từ 2,18% đến 16,39%. Trong đó, công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam đã chi vượt mức 69 tỉ đồng; Mead Jonhson Nutrition Việt Nam đã chi vượt mức là 249 tỷ đồng; Nestle Việt Nam chi vượt mức là 67 tỉ đồng; công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã chi vượt mức là 817 triệu đồng, Vinamilk chi vượt mức 811 tỉ đồng, chiếm 21% giá thành.

Áp giá trần để bảo vệ quyền lợi của hàng chục triệu trẻ em VN

Xuất phát từ căn cứ trên, đồng thời để đảm bảo quyền lợi của hơn 10 triệu trẻ em đang sử dụng sản phẩm sữa, Bộ Tài chính đề nghị khống chế giá trần của giá sữa. Theo rà soát của Bộ Tài chính, việc ban hành giá trần cho mặt hàng sữa là không vi phạm quy định pháp luật, kể cả các quy tắc của WTO.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hài lòng khi mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi có xu hướng tăng giá nhanh, thu lợi quá cao. Thủ tướng cho biết Chính phủ nhất trí chủ trương này, yêu cầu rà soát chọn phương án tốt nhất và sớm triển khai. Song, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải làm chặt chẽ về pháp luật và công tác thông tin tuyên truyền. Ông yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải thảo luận kỹ với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, phải họp báo, đưa thông tin đàng hoàng. “Thế giới cũng làm như thế, trong lúc đây còn là quyền lợi của hàng chục triệu trẻ em Việt Nam. Nếu có thể áp dụng biện pháp này, sẽ giúp đỡ gánh nặng cho người dân”.

Chia sẻ