Ảnh hưởng của thuốc đến quá trình tiết sữa

Theo SK & ĐS,
Chia sẻ

Trong quá trình nuôi con bú, bà mẹ có thể gặp tình trạng tiết sữa quá nhiều hoặc quá ít cần phải dùng đến thuốc để điều chỉnh.

Lúc này việc dùng thuốc cần chú ý tới sự ảnh hưởng của thuốc lên sự tiết sữa, vì thuốc có thể làm tăng hoặc ức chế tiết sữa...

Thuốc làm tăng sự tiết sữa

Prolactin là hormon có vai trò gây tiết sữa. Khi prolactin tiết ra ít (dưới 100nanogam/lít) thì việc tiết sữa kém. Trong trường hợp ít sữa do prolactin thì dùng các thuốc ức chế thụ thể dopamin làm tăng tiết prolactin dẫn tới tăng tiết sữa. Có nhiều thuốc có tính năng này như domperidon, risperidon, dẫn chất phenothiazin.

Trong trường hợp ít sữa không do prolactin (prolctin trên 100nanogam/lít) việc mất sữa này là do nguyên nhân khác và cần dùng các thuốc khác.

Để có sữa theo kinh nghiệm y học cổ truyền thường dùng chế độ ăn uống và dùng một số vị thuốc chống tắc tuyến sữa như: thông thảo, mộc thông...
 
   

Thuốc ức chế tiết sữa

Các dẫn chất ergot: Các dẫn chất ergot ức chế tiết ra prolactin, làm giảm nồng độ prolactin trong máu hoặc ức chế hoạt tính của prolactin nên giảm tiết sữa. Hai thuốc thường dùng là bromocricptin (đây là thuốc chữa Parkinson nhưng thường dùng giảm tiết sữa chữa cương tuyến vú) và cabergolin (mạnh hơn, ít tác dụng phụ hơn bromocricptin).

Các loại hormon: Estrogen làm giảm tiết sữa hơn progesteron. Thuốc tránh thai hỗn hợp chứa estrogen và  progesteron làm giảm tiết sữa mạnh. Nếu muốn tránh thai chắc chắn thì sau khi sinh 3 tháng nên uống thuốc tránh thai nhưng phải dùng loại  chỉ có chứa  progesteron  hàm lượng thấp để không làm ảnh hưởng đến việc tiết sữa.

Tiết ra nhiều sữa hay tắc tuyến sữa đều gây đau bầu vú. Dùng các thuốc này cần phải cẩn thận (chọn thuốc, liều lượng thích hợp) vì nếu dùng không đúng sẽ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chẳng hạn dùng cabergolin giảm sưng vú nên giảm đau bầu vú nhưng nếu dùng liều cao có thể làm mất hoàn toàn việc tiết sữa. Kinh nghiệm cho thấy trong nhiều trường hợp dùng các thuốc theo y học cổ truyền cũng có kết quả tốt.

Chia sẻ