Ăn rau sống, hiểm họa sán lá gan

,
Chia sẻ

Ít ai ngờ rằng, những sợi rau muống chẻ nhỏ tươi rói ở hàng bún riêu, bún ốc hay rau ngổ, rau răm... lại là loại rau dễ mang ấu trùng sán lá gan lớn. Loại sán khi ký sinh vào người lâu ngày sẽ đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm sán lại chữa ung thư

Năm 2003, chị Nguyễn Thị Hoa, ở Thái Bình vừa sinh con được 3 tháng thì bị đau bụng quằn quại kèm theo chứng sốt thất thường. Đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chị được chẩn đoán bị ung thư gan, phải mổ để thắt động mạch gan. Nhưng sau mổ và điều trị ung thư gan, chị vẫn tiếp tục bị đau bụng và sốt.

Sau đó chị lại được chẩn đoán là bị giun chó, nhưng điều trị mãi vẫn không khỏi. Cuối cùng chị được chuyển về Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương để làm xét nghiệm, mới phát hiện ra là bị nhiễm sán lá gan lớn. Chị Hoa cho biết, chị có thói quen ăn rau sống, đặc biệt là rau muống chẻ.

Rau sống là loại rau dễ mang ấu trùng sán lá gan lớn.
(Ảnh minh họa)
 
ThS.BS Đoàn Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương) cho biết, trường hợp chị Hoa là ca bệnh đầu tiên bị nhiễm sán lá gan lớn được chuyển đến Viện. Ngày đó, Khoa Khám bệnh của Viện mới thành lập nên mọi thứ vẫn còn bỡ ngỡ. Sau khi được điều trị sán cùng với chữa áp xe gan, chị Hoa đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Mới đây, Khoa Khám bệnh đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn do uống nước rau ngổ để chữa bệnh. Đó là anh Phan Thành Danh ở Xuân Trường, Nam Định. Nghe có người mách uống nước rau ngổ sẽ khỏi bệnh đau dạ dày nhưng càng uống thì bụng anh càng đau thêm. Cuối cùng anh đi xét nghiệm mới biết mình bị nhiễm sán lá gan lớn.

Ngay tại Hà Nội, chị Lê Kim Anh, 24 tuổi cũng bị nhiễm sán lá gan lớn. Chị Kim Anh bị sốt, ho lâu ngày. Đi khám nhiều nơi đều được chẩn đoán là viêm phổi. Điều trị mãi không khỏi, cho đến ngày chị ho khạc ra một con sán lá gan lớn mới biết mình bị nhiễm sán.

BS Nguyên cho biết, đây là một ca hãn hữu, rất hiếm khi xảy ra. Bởi sán lá gan lớn khi ký sinh vào người thường tìm đến vùng gan để sống. Trường hợp của chị Kim Anh là trường hợp đặc biệt, sán lá gan đi lạc lên phổi.

Chết vì nhiễm sán kéo dài

Theo ThS. Đỗ Trung Dũng – Phó Trưởng khoa Ký sinh trùng đường ruột (Viện Sốt rét - ký sinh trùng -  côn trùng Trung ương), việc lây bệnh sán lá gan lớn thường do tập quán ăn sống, hoặc ăn tái các loại rau thủy sinh như rau muống, rau cần, rau ngổ, rau cải xoong, ngó sen. Do rửa không sạch ấu trùng sán sống bám trên rau, nên bị nhiễm sán mà không hề biết.

Ở nông thôn, người dân uống nước ở hồ, ao cũng có thể bị nhiễm loại sán này. Khi ấu trùng sán lá gan lớn vào người, chúng đi khắp cơ thể nhưng cái đích cuối cùng là gan. Chúng đi xuyên qua mạch máu, rồi vào ổ bụng. Từ ổ bụng, sán xuyên qua bao gan để vào gan sinh sống.

BS Nguyễn Nhật Lệ, Phó Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, biểu hiện lâm sàng thường thấy ở người bị nhiễm sán lá gan lớn là đau bụng, sốt thất thường, vàng da vàng mắt. Tuy nhiên, biểu hiện của từng người tùy theo mức độ bệnh nặng, nhẹ. Có người sốt nhẹ, cảm giác bị ớn lạnh. Nhưng có người lại sốt cao đến 39 – 40 độ. Có người đau bụng âm ỉ, có người đau quằn quại ở vùng gan và thượng vị. Do vậy, ngoài việc nhầm tưởng là ung thư gan, có người còn nhầm là mình bị đau dạ dày.

Người bị bệnh sán lá gan lớn có thể nguy hiểm đến tính mạng, nếu để kéo dài và không được điều trị đúng bệnh. Việc điều trị sán lá gan lớn khá tốn kém, ít khoảng vài triệu đồng, nhiều thì lên đến vài ba chục triệu đồng. Do vậy, cẩn trọng trong việc ăn rau thủy sinh sống, được coi là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với loại ký sinh này.
 
 

Ths.BS Đoàn Hạnh Nguyên – Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương):

lagan2.jpgNgâm rau sống vào nước muối không có tác dụng

“Sán lá gan lớn khi vào người có thể sống trên 15 năm. Con sán dài khoảng 2 - 3 cm, rộng 1,3 cm, có hình lá. Khác với sán lá gan nhỏ, khi bị nhiễm sán lá gan lớn, biểu hiện bệnh thường rầm rộ hơn, cấp tính hơn.

Việc chẩn đoán sán lá gan lớn khá phức tạp vì các triệu chứng thường biến đổi và giống với các triệu chứng của các loại bệnh khác. Triệu chứng chủ yếu là đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu, sốt ngứa...

Việc chẩn đoán phải kết hợp nhiều phương pháp như căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu bằng công thức Elisa, siêu âm, chụp cắt lớp. Đối với sán lá gan lớn, việc xét nghiệm phân thường khó phát hiện ra vì tỷ lệ trứng trong phân rất thấp (khoảng từ 10 – 12%).

Để phòng bệnh nhiễm sán lá gan lớn từ các loại rau thủy sinh, người dân nên nấu chín trước khi ăn. Nếu ăn sống, cần phải được cọ rửa từng kẽ lá dưới vòi nước để tẩy sạch ấu trùng sán. Việc ngâm rau sống vào nước muối không có tác dụng gì đối với loại sán lá gan lớn”.

 
 
Theo Lâm Vũ
Giadinhxahoi
Chia sẻ