Rụng rời thớt gỗ bẩn gấp 200 lần bồn cầu, vì nhiều người chưa biết vệ sinh đúng cách
Bạn sẽ thấy ớn, thậm chí không muốn đụng đến thớt gỗ nữa nếu biết những gì đang tồn tại trên đó - hậu quả từ những thói quen vệ sinh của chính bạn.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những chiếc thớt gỗ chúng ta sử dụng hàng ngày có thể chứa nhiều vi khuẩn gấp đến 200 lần thứ mà ta tưởng đã là bẩn nhất trong nhà - bồn cầu - nhất là những chiếc thớt đã chằng chịt rãnh sâu. Và bạn biết đó là những vi khuẩn gì không? Chính là nhóm vi khuẩn cũng tìm thấy nhiều trong… phân đó!
Và do thớt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (sống hoặc chín) nên bạn cũng dễ hình dung được sự lây lan, đúng không nào?
Hậu quả này là do hầu hết chúng ta đều chưa biết cách vệ sinh thớt cho đúng, hoặc vì… lười nên biết mà không làm. Nhưng nếu không muốn có ngày cả nhà mình bị tiêu chảy, ngộ độc, hoặc nhiều bệnh nghiêm trọng khác thì ngay từ lúc này, bạn nhất thiết cần lưu ý: sử dụng riêng thớt cho thực phẩm sống và thực phẩm chín; và sau khi sử dụng thì đương nhiên cần vệ sinh thớt đúng cách, thay vì rửa với xà bông và nước như cách thường làm, nhiều chuyên gia có 2 lưu ý:
Thứ nhất, bạn nên dùng nước từ ấm tới nóng, thay vì nước lạnh từ vòi;
Thứ hai, do thớt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, bạn không nên lạm dụng chất tẩy rửa hóa học mà thay vào đó, áp dụng những nguyên liệu tẩy rửa tự nhiên và an toàn hơn như:
- Dùng giấm, thấm vào khăn và chà trên bề mặt thớt, axit có trong giấm sẽ giúp bạn khử nhiều loại vi khuẩn gây hại;
- Dùng chanh để chà trên bề mặt thớt gỗ cũng đem lại hiệu quả tương tự, không chỉ thế còn giúp loại bỏ mùi khó chịu trên thớt;
- Dùng chanh kết hợp với muối để chà trên bề mặt thớt sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn nữa, giúp thớt không chỉ sạch sâu mà còn thơm và sáng hơn;
- Dùng baking soda - loại nguyên liệu dạo gần đây rất hay được dùng vào việc tẩy rửa, bạn chỉ cần trộn baking soda cùng muối và một chút nước để tạo hỗn hợp sệt, và dùng nó để chà trên bề mặt thớt.
Bạn áp dụng một trong những cách trên, để khoảng 5 phút trước khi đem thớt rửa sạch lại, lau khô và treo ở nơi khô thoáng, có ánh nắng thì càng tốt.
Với những chiếc thớt gỗ đã dùng lâu (khoảng hơn 6 tháng), bề mặt thớt xuất hiện nhiều rãnh sâu, nứt, đen, mốc... thì nên bỏ đi, thay thớt mới nhé, đừng tiếc kẻo gây hại sức khỏe gia đình.
Tổng hợp