"Ăn nem" để trả thù chồng

Theo PNO,
Chia sẻ

Trước khi nghĩ đến chuyện "ăn nem" để làm cho kẻ khác đau lòng, hãy nghĩ đến việc món "nem" ấy có đáng để mình ăn hay không.

Chuyện ăn uống cơ bản hằng ngày không mấy khi phải bàn đến việc thích hay không thích, nhưng một khi đã sang đến lĩnh vực cao lương mỹ vị như nem, chả, thì thói thường cái gì thích người ta mới ăn.
 
Riêng việc “ông ăn chả, bà ăn nem” thì có hơi ngược: ông ăn chả vì ông thấy chả ngon, nhưng bà ăn nem không hẳn đã vì nem hấp dẫn, mà chỉ vì bà… tức giận quá. Chưa nói đến chuyện dở ngon, chỉ riêng việc ăn nỗi tức giận đó vào mình cũng đã là nguyên nhân gây ra bao nhiêu bệnh tật về sau này, mà có những bệnh chẳng thuốc thang nào trị nổi.
 
Âm thầm rửa hận
 
Trong tâm thế “ông ăn chả, bà ăn nem”, người đàn bà không phải là người chủ động tìm kiếm những mối quan hệ ngoài hôn nhân, mà là họ tìm kiếm một sự trả đũa. Người ta ăn nem không phải vì người ta thích ăn nem, mà vì “thằng cha kia” đã ăn chả, cho nên mình cũng phải ăn nem cho đáng đời, cho đảm bảo sự công bằng.
 
Cái tâm lý trả thù mạnh đến mức át hẳn cái “khẩu vị” thông thường, khiến nhiều chị đã cắn răng nhắm mắt lao mình vào một cuộc chơi nào đó, để thấy mình được giải tỏa những ẩn ức bấy lâu, để thấy mình cũng đâu có kém thua ai, để mình mất một, thì thằng cha kia phải mất mười cho đáng kiếp!
 
 
Những cuộc “ăn nem rửa hận” này thường xảy ra một cách lặng lẽ âm thầm. Phần vì bản tính kín đáo của phụ nữ, phần nữa cũng vì đã chọn cách trả thù này, cũng là chấp nhận còn tiếp tục sống với nhau, lai rai rửa hận đường dài. Vì vậy mà được thua trong cuộc ăn nem này, người đàn bà giấu sâu trong tâm khảm.
 
Cuộc “ăn nem” nào lộ ra cũng đồng nghĩa với việc “anh đi đường anh, tôi đường tôi”. Kể ra, như thế cũng là may mắn cho các ông, vì nếu biết vợ cũng có lần phong lưu khoái hoạt như mình, chắc gì ông nào đã chịu nổi, mà nếu chuyện vỡ lở ra, thì không lẽ lại muối mặt mang một cái sừng đi suốt cuộc đời? Thành ra “điếc không sợ súng” mà sống sót qua tên bay đạn lạc cũng nhiều!
 
Tám năm lấy chồng, hai lần đi bắt ghen, mấy lần chứng kiến chồng van vỉ xin tha thứ, hứa sẽ sửa chữa tính nết rồi đâu lại hoàn đó, tình cảm đối với chồng trong lòng chị V. đã chết hẳn.
 
Không phải ông trời không ban cho chị chút nhan sắc, không phải không có người này người kia để ý đón lời, nhưng bao nhiêu năm, chị nghĩ mình phải giữ mình chung thủy. Chỉ sau lần gần đây nhất, khi bắt tại trận chồng cùng bồ nhí vừa từ khách sạn bước ra, chị uất nghẹn thấy người đàn bà kia không bằng một góc mình, rồi về nhà lại nghe má chồng xoi xỉa “thứ đàn bà sao đó chồng nó mới không thèm, mới đi ra ngoài kiếm người khác chớ…”, chị mới quyết định trả đũa.
 
 
Cái gật đầu của chị làm cho người đàn ông vẫn âm thầm theo đuổi chị bấy lâu ngỡ ngàng. Không chỉ âm thầm lập vệ tinh, chị còn thay đổi cả cách ăn mặc, thoải mái hơn, chưng diện hơn. Người đàn bà sầu não khổ đau ngày trước nay biến mất, chị lại long lanh, lại xinh đẹp vui vẻ với mọi người. Chỉ có riêng mình V. biết là những khi lén lút trở về sau cuộc hẹn với người tình, chị thấy lòng trống rỗng, thấy mình hạ cấp, thấy hình như mình cũng đã sai lầm, đem thân mình hy sinh cho một người cũng không mấy đáng giá.
 
Nỗi đau càng sâu sắc, ý muốn trả thù càng mãnh liệt. Một khi đã quyết định ngoại tình để trả thù chồng, người đàn bà cũng dễ chấp nhận những đối tác mà thường thì họ chẳng bao giờ đếm xỉa đến. Không có nỗi đau nào dai dẳng, buốt nhói bằng nỗi đau bị phụ bạc, bị phản bội. Trong hoàn cảnh đau đớn đến mất cả lý trí, chỉ muốn trả thù bằng mọi giá, người ta dễ “tố” hết quân vào một ván bài sinh tử, để rồi đôi khi ôm lấy nỗi hối hận cả đời vì mình khôn ngoan trao lầm tay kẻ dại, cầm vàng ném xuống vực sâu.
 
"Trộm vàng chết chém cho cam..."
 
Không có gì có thể giới hạn tuyệt đối người phụ nữ, ngay cả những thứ lùng thùng, đen tối như tấm burqua hay niqab (khăn trùm đầu hoặc trùm kín toàn thân người phụ nữ, chỉ để hở đôi mắt).
 
Xã hội càng hiện đại, điều này càng được nhận thức một cách toàn diện hơn. Một khi người đàn bà đã nổi loạn, dù có trăm phương ngàn kế cũng không thể bưng bít, ngăn cấm nổi họ.
 
Từ thuở “nghìn lẻ một đêm” cổ xưa, nàng Scheherazade đã kể câu chuyện về gã khổng lồ muốn giữ chặt lấy người vợ xinh đẹp đã bỏ vợ vào trong một chiếc hộp thiếc, giấu tận đáy biển, bốn năm mới đem lên bờ mở ra một lần, vậy mà nàng ấy vẫn có một bộ sưu tập tình nhân đáng kể! Kỹ năng của nàng không có gì phức tạp lắm: khi gã khổng lồ mở hộp thả nàng ra, nàng sẽ hát một khúc ru dịu dàng cho gã ngủ thật say, rồi sau đó việc gì xảy ra, chọn anh nào trên bờ biển là do nàng quyết định!
 
 
Thế nhưng bài học cho cánh đàn ông đâu chỉ là đừng ngủ say khi người đàn bà hát ru dịu dàng! Nhiều ông đã ngủ say trong chiến thắng của mình, trong sự yên tâm rằng việc “ăn chả” của mình chỉ có trời biết, đất biết và mình biết, rằng vợ mình ngoan hiền lắm, bảo sao nghe vậy đố có dám cãi lấy một lời!
 
Nhầm lẫn hết. Các ông “ăn chả” ồn ào bao nhiêu, các bà hoàn toàn có thể “ăn nem” một cách lặng lẽ bấy nhiêu. Những cuộc ăn nhậu ồn ào của quý ông còn có thể bị ngăn cản, bị trách cứ, bị phê phán lên án, riêng những cuộc nấu nướng ăn uống của các bà thì thần không biết quỷ không hay. Dễ thấy bài học đơn giản như chính chân lý vậy: nếu không muốn vợ mình “ăn nem”, bản thân mình đừng bao giờ “ăn chả”, điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Cũng là công bằng khi đòi hỏi đối trọng cần thiết cho sự thủy chung của người đàn bà, để các ông chồng quen thói lả lướt gió trăng biết giật mình khi cần thiết, đừng tưởng vợ ta chỉ biết ôm lòng chờ đợi một mình ta.
 
Có lẽ, phải thẳng thắn mà thừa nhận, chỉ chính người phụ nữ mới có thể tự canh giữ họ mà thôi. Nền tảng để xây dựng cái ý thức “giữ mình” ấy có thể được gia đình đặt nền móng từ nhỏ, được người bạn đời củng cố, xây đắp thêm, nhưng cơ bản và quan trọng nhất là do người phụ nữ tự ý thức về giá trị của mình. Khi người ta ý thức được phẩm giá, người ta không dễ “bán rẻ” nó, cho dù vì nỗi căm hận hay vì để trả thù. Còn một khi người đàn bà đã muốn trả thù, đã nổi loạn, đã vứt cái ý thức giữ mình sang một bên thì những ràng buộc, rào chắn khác chẳng có ý nghĩa gì nữa.
 
Sau bốn năm kể từ khi xảy ra chuyện lùm xùm trong gia đình, hai bên nội ngoại đã tưởng mọi việc yên ổn, ai cũng khen chị T. khôn ngoan, bao dung, giỏi chịu đựng, đã bỏ qua được cái tội lòng thòng của anh H., thì đột ngột anh chị đưa nhau ra tòa. Đến lúc đó mọi người mới biết chị T. cũng có quan hệ với một người đàn ông khác, đã có vợ, vợ anh ta tìm đến đánh ghen.
 
Dù chị T. thành thật nhận đó chỉ là một lần lầm lỡ, do quá thất vọng, quá tức giận chồng, rồi sau đó thấy người kia cũng chẳng như mình mong đợi, nên chị đã chấm dứt. Nhưng anh H. cay đắng uất ức kết tội: bao nhiêu sự bao dung, bao nhiêu những chịu đựng của vợ chẳng qua chỉ là thứ “đạo đức giả” để che đậy cuộc ngoại tình của vợ mà thôi.
 
Vết thương gia đình tưởng đã hàn gắn lại được, nay lại vỡ ra, toang hoác, không thể cứu vãn, ngay cả danh dự của mỗi người cũng bị vứt ra vỉa hè. Bao nhiêu lời mỉa mai cay độc đổ lên đầu chị T., anh H. đột nhiên thấy mình chẳng còn chút tội lỗi gì nữa. Trong trường hợp này, dù vụ trả đũa của chị T. chỉ nhằm mục tiêu làm cho “phương trình lầm lỗi” được cân bằng, nhưng thực ra, thiệt hại cuối cùng lại đổ về phía chị.
 
Nhân vật “trả thù” theo kiểu trên không chỉ riêng phụ nữ, nhưng phụ nữ dễ rơi vào tình cảnh này hơn nam giới. Không ít những cuộc ngoại tình chẳng phải vì tình, mà vì trả đũa như thế. Tuy nhiên mục tiêu để cho kẻ kia phải “biết tay”, phải nếm trải cảm giác đau khổ khi bị phản bội… thường không đạt được. Ngược lại, người phụ nữ “ăn nem” còn phải gánh chịu sự dằn vặt của bản thân, cảm giác có lỗi với con cái, và cả mối nguy bị tống tiền, tống tình trong trường hợp món “nem” không ra gì.

Dân gian có một bài học vô cùng thâm thúy Trộm vàng chết chém cho cam/ Trộm một nắm cám cũng mang tiếng đời - chính là trường hợp này đây. Trộm cắp là hành vi xấu xa rồi, nhưng trộm cắp cũng có đẳng cấp của trộm cắp, kẻ trộm có suy nghĩ cũng phải cân nhắc giá trị của món hàng trước khi liều mạng mình đánh cắp nó. Điều quan trọng là một lần trót lỡ nhúng chàm, vậy nên, trước khi tự làm bẩn thân mình, hãy nghĩ, hãy xem xét xem mình có nên làm thế không, có nên liều mình vì một món hàng không đáng giá hay không?

Cái dễ dãi trong tất cả mọi chuyện đều đáng lên án, riêng cái dễ dãi cộng với ý muốn trả đũa người khác một cách sâu cay thường lại mang đến một kết quả ngược, chính mình phải nhận lãnh lấy hậu quả mình gây ra.
Chia sẻ