Án Mạng Lầu 4: 2024 rồi mà vẫn còn những phim Việt dở như thế này!
Có một ý tưởng thú vị, Án Mạng Lầu 4 lại gây thất vọng khi không tạo được điểm nhấn nào bởi nội dung lan man, thiếu kịch tính.
Cách đây vài năm, remake phim ngoại trở thành trào lưu của điện ảnh Việt bởi đã có sẵn một kịch bản hay, chỉ cần thêm bớt "gia vị" cho phù hợp khán giả nước nhà. Song, nhiều phim thành công thì cũng có không ít tác phẩm thất bại. Án Mạng Lầu 4 là trường hợp thứ hai khi không thể tạo được không khí căng thẳng và những tình tiết bất ngờ như phiên bản gốc của Iran.
Án Mạng Lầu 4 xoay quanh đôi vợ chồng Thắng (Trương Thế Vinh) và Đình Đình (Lương Bích Hữu) đang dọn nhà để chuẩn bị sang Canada. Họ được người hàng xóm nhờ giữ dùm em bé sơ sinh vì có việc gấp. Biến cố ập đến khi cả hai phát hiện ra em bé đã qua đời một cách bí ẩn. Thắng và Đình Đình liên tục đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ để che giấu cái chết này.
Kịch bản khiên cưỡng
Ý tưởng - thứ thú vị nhất của Án Mạng Lầu 4 - thì dĩ nhiên được lấy từ kịch bản Melbourne (2014) của Iran. Phim đặt ra tình huống một đứa trẻ sơ sinh chết bí ẩn trong nhà của đôi vợ chồng chuẩn bị xuất ngoại. Để tránh liên lụy bản thân, họ buộc phải nói dối và tạo ra các tình huống giả nhằm đối phó với những cuộc viếng thăm bất ngờ suốt ngày hôm đó. Đồng thời, phim tạo ra câu hỏi tò mò về thủ phạm thật sự của vụ án và liệu đôi vợ chồng có thoát nạn.
Đối với logic thông thường, nếu phát hiện ra một đứa trẻ gặp nạn thì người ta phải báo ngay cho cơ quan chức năng càng sớm càng tốt vì biết đâu vẫn còn trong "thời gian vàng" để cấp cứu. Nhưng không, vì một lý do "bí ẩn" gì đó mà đôi vợ chồng lại quyết định che giấu. Để giải thích cho hành vi đi ngược nguyên tắc này, đạo diễn buộc phải đưa ra một lý do thật sự thuyết phục để người xem tin và thông cảm được.
Không có gì bất ngờ khi phiên bản Việt Nam không làm được điều này. Khi phát hiện ra em bé qua đời, Thắng có một hành động hợp logic là gọi cấp cứu. Nhưng đó cũng là tình tiết đúng đắn duy nhất của phim. Sau đó, anh chàng lại nói dối với Dũng (Blacka) - cha của đứa bé - và ê-kíp bác sĩ rằng cháu không sao và đã được Đình Đình bế đi chơi. Lý do không thể khó đỡ hơn là Thắng sợ không ai tin anh vô can và… nhìn Dũng có vẻ giang hồ.
Đầu đã không xuôi thì đuôi cũng chẳng lọt, những gì Án Mạng Lầu 4 làm tiếp sau đó chỉ khiến mọi thứ càng thêm vô lý. Cách suy nghĩ, hành động của Thắng và Đình Đình cứ như người cõi trên và đầy mâu thuẫn. Nhìn cái cách họ lòng vòng trong phòng mà ai cũng phải lắc đầu ngao ngán bởi sự vụng về của biên kịch.
Ê-kíp có cố gắng điều hướng suy nghĩ của người xem về một giả thuyết và thủ phạm để rồi tạo ra cú bẻ lái gây bất ngờ. Nhưng thực tế là, khi plot twist ập đến, không ai còn sức hay sự hào hứng để mà ngạc nhiên. Cũng chẳng còn ai nhớ đến những câu hỏi ở đầu phim nữa mà chỉ mong giải quyết cho nhanh để còn đi về.
Phim giật gân nhưng không thấy hồi hộp
Melbourne đã tạo rất tốt bầu không khí bí bạch, ngột ngạt khi mọi thứ chỉ diễn ra trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng. Nhưng Án Mạng Lầu 4 thì không. Phim cẩu thả đến mức để em bé trong tay các nhân vật nhìn rõ là búp bê bằng nhựa. Thế là cả phim, chúng ta có cảnh mọi người sợ hãi, khóc lóc với… một con búp bê. Lời thoại của các nhân vật thì gượng gạo, như đang đọc cho đủ số chữ trong kịch bản.
Xuyên suốt thời lượng, thay vì sợ hãi, lo lắng cùng Thắng và Đình Đình thì khán giả chỉ có sự khó chịu. Có vẻ vì bí ý tưởng hay deadline dí gấp quá mà biên kịch cho các tình tiết lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa. Mô-típ của phim là cứ mỗi khi một trong hai quyết định báo cảnh sát thì người còn lại sẽ nghĩ ra một lý do gì đó để ngăn cản. Cứ vài phút thì nhà lại có người gõ cửa rồi nói rất nhiều thoại, gần phát hiện ra xác em bé rồi lại thôi. Xen kẽ là những màn cãi vã giữa hai vợ chồng.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn có cố tình dùng âm thanh nước sôi hay tiếng gõ cửa liên hồi để tạo cảm giác giật gân. Song, anh lại tỏ ra non tay trong việc điều tiết nhịp phim. Những cảnh cần chậm rãi, slowburn thì không ra hồn, những đoạn cần đẩy nhanh tiết tấu, tạo cảm giác căng thẳng thì chỉ có sự lê thê, dài dòng. Dàn nhân vật phụ thì nói nhiều, thoại liên tục cho đáng thời lượng lên hình.
Họ cứ lặp đi lặp lại việc con cái qua nước ngoài quên mất tiếng mẹ đẻ, chỉ làm "nô lệ cho tư bản" hay "ở Việt Nam sướng lắm". Thực tế, chỉ cần một lần là khán giả có thể hiểu thông điệp của nhà làm phim. Việc nói quá nhiều những thứ nhàm chán, rập khuôn chỉ mang đến cảm giác bức bối. Thậm chí, những đoạn lẽ ra phải tạo sự giật gân này lại còn gây cười như phim hài vì quá ngô nghê.
Cuối cùng, Án Mạng Lầu 4 cũng không giải quyết được hai câu hỏi về số phận của Đình Đình và Thắng lẫn thủ phạm vụ án. Có thể hiểu rằng Nguyễn Hữu Tuấn muốn bỏ lửng cái kết để khiến khán giả tự đoán hay đứa bé vì sao qua đời cũng không quan trọng nữa. Song, cả bộ phim như một sự tổng hợp của rất nhiều thứ gây khó chịu và cần một câu trả lời cụ thể. Cái kết này như giọt nước tràn ly làm ai nấy đều cảm thấy như được giải thoát khỏi màn tra trấn suốt 2 tiếng vừa qua.
Trương Thế Vinh, Lương Bích Hữu có cố gắng nhưng không đáng kể
Với những bộ phim như Án Mạng Lầu 4, diễn xuất của hai nhân vật chính vô cùng quan trọng. Nó đóng vai trò tạo sự đồng cảm với khán giả, từ đó mang đến cảm giác sợ hãi cùng nhân vật khi tội ác sắp bị phát hiện. Nhưng nếu có thứ gì mỏng hơn kịch bản Án Mạng Lầu 4 thì đó chính là tính cách của Thắng và Đình Đình.
Từ đầu, phim không hề cho thấy quá khứ hay bản tính của họ. Đây là hai yếu tố quan trọng quyết định lý do cả hai không báo công an mà che giấu cái chết của đứa bé. Xuyên suốt thời lượng phim, hai vợ chồng hầu hết chỉ có cãi nhau. Những câu nói của bạn bè, người thân chỉ cho biết Thắng từng làm ở Singapore nhiều năm hay Đình Đình là một biên kịch khao khát làm phim về Hò Quảng. Nhưng nhiêu đó vẫn là rất nông và chẳng giải thích gì cho những hành động này.
Trương Thế Vinh thể hiện tốt những cảnh sợ hãi, tay run khi cầm điếu thuốc. Song, lối diễn của anh tạo cảm giác Thắng là một người gia trưởng, xấu tính và có nhiều bí mật. Người xem không có cảm tình với Thắng ngay từ đầu nên càng không ủng hộ những gì nhân vật này làm. Đình Đình thì lại cực kỳ ngô nghê, như ở cõi trên suốt cả phim. Những đoạn thể hiện sự giận dữ, bất lực hay sợ hãi thì Lương Bích Hữu chỉ mang đến cảm giác ngượng ngùng, buồn cười.
Dàn nhân vật phụ đông đảo như bà hàng xóm, cha của đứa bé xấu số, cô lao công, ông chủ nhà, bà thu mua đồ cũ… xuất hiện liên tục nhưng không để lại bất kỳ điểm nhấn nào. Họ chỉ xuất hiện, nói rất nhiều về việc ở Việt Nam sướng hơn nước ngoài rồi biến mất. Những hé lộ nhỏ của nhóm này về quá khứ của Thắng và Đình Đình chẳng đủ làm dày thêm tính cách hai nhân vật chính.
Chấm điểm: 1/5
Việc làm lại phim nước ngoài luôn là con dao hai lưỡi. Nhà làm phim có lợi thế là kịch bản tốt ngay từ đầu nhưng nếu không thể thoát được cái bóng của bản gốc thì chỉ có thể trở thành thảm họa. Cách đây vài năm, Song Song (2021) đã thất bại khi Việt hóa Mirage (2018) của Tây Ban Nha. Cùng thể loại giật gân, Án Mạng Lầu 4 lặp lại sai lầm tương tự khi không thể phát huy thế mạnh của Melbourne mà còn làm tệ hơn bởi những thêm thắt không cần thiết.