Ăn mận nhiều có tốt không?
Mận đang vào mùa chín rộ nên vừa ngon vừa rẻ, vậy ăn mận nhiều có tốt không?
Mận đang vào mùa chín rộ cực ngon, những trái mận căng bóng ngọt lịm là món ăn vặt được nhiều chị em ưa thích. Vậy ăn mận nhiều có sao không?
Những công dụng của quả mận
Theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, quả mận có nhiều giá trị dinh dưỡng, rất tốt cho sức khoẻ.
Giảm mỡ máu, tốt cho tim mạch
Kali trong quả mận giúp kiểm soát huyết áp, ổn định nhịp tim và bảo vệ hệ tim mạch. Mận còn rất ít chất béo và nhiều chất xơ, có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như thiếu máu, nhồi máu cơ tim.
Làm chậm quá trình hấp thụ chất béo
Mận rất ít calo nhưng nhiều chất xơ, giúp làm chậm quá trình hấp thụ chất béo và chất đường từ thực phẩm, tăng tiết insulin. Ngoài ra nhờ quá trình này mà lượng đường huyết trong cơ thể luôn được duy trì ở mức ổn định, vì vậy mận rất thích hợp cho người bị thừa cân, rối loạn mỡ máu và tiểu đường.
Ngừa táo bón và cải thiện hệ tiêu hóa
Chất xơ không hòa tan của quả mận có tác dụng ngăn cản dịch vị và vi khuẩn có hại tác động xấu đến niêm mạc dạ dày. Ngoài ra nó còn tạo cảm giác no lâu, giảm sự thèm ăn, kích thích tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, nhuận tràng.
Có lợi cho thị lực
Các vitamin và khoáng chất trong mận như vitamin A, B, C, beta carotene... đều rất tốt cho thị lực và giúp phòng tránh các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, cận thị, thoái hóa điểm vàng.
Chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch
Một quả mận có thể cung cấp cho chúng ta 7% lượng vitamin C, 8% lượng vitamin A cơ thể cần, có công dụng nâng cao sức đề kháng, chống oxy hóa, tăng liên kết các mô và tạo collagen, nhờ đó giúp làn da luôn căng mịn và giảm nếp nhăn.
Tốt cho bà bầu
Nhờ hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào, quả mận rất thích hợp cho phụ nữ có thai vì sẽ giúp phòng ngừa các cơn co thắt tử cung, tránh tình trạng thiếu máu và nguy cơ sinh non, giảm stress...
Phòng bệnh ung thư
Sắc tố Anthocyanin có trong quả mận giúp loại bỏ các gốc tự do, chống oxy hóa, nhờ đó hỗ trợ phòng ngừa một số bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú.
Ăn mận nhiều có tốt không?
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, là một loại trái cây chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, mận có thể dùng khô hoặc dùng tươi tùy theo mục đích sử dụng, ví dụ như ăn tươi, sấy dẻo, làm mứt, nước giải khát, sốt... Tuy nhiên, ăn quá nhiều mận cũng không tốt, nhất là với những người dễ bị nóng trong hoặc có cơ địa đặc biệt. Việc tiêu thụ loại quả này quá nhiều có thể ảnh hưởng tới men răng, dạ dày, khiến người dùng dễ nổi mụn nhọt vì nóng trong.
Trong mận có nhiều oxalat - chất làm giảm khả năng hấp thụ canxi và làm lắng đọng canxi ở thận. Đây được coi là nguyên nhân tạo thành sỏi thận, sỏi tiết niệu. Do đó nếu bạn đã hoặc đang bị sỏi thận thì nên hạn chế ăn mận.
Trước khi đưa mận vào sử dụng, nên rửa sạch, sau đó ngâm mận trong nước muối pha loãng khoảng 30 phút để loại bỏ bớt thuốc trừ sâu, chất độc bám trên vỏ quả.