Ăn mắm cá chua tự làm, 2 người ở Kon Tum ngộ độc Botulinum
Cả 2 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum đều do ăn mắm cá chua tự làm theo cách truyền thống và được bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu qua cơn nguy kịch.
Sau gần 20 ngày nhập viện cấp cứu và điều trị, đến ngày 21/2 cả 2 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum type E đã qua cơn nguy kịch. Hiện, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum vẫn đang tiến hành điều trị phục hồi cho 2 bệnh nhân.

Một trong 2 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum đang được bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị phục hồi.
Trước đó vào ngày 2/2, bệnh nhân Y Chuih, 46 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy được đưa tới cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
Hai ngày sau bệnh viện tiếp nhận thêm bệnh nhân A Rô, 42 tuổi, trú thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy với các biểu hiện đau bụng, sụp mí mắt, khó nói.
Tiến hành các xét nghiệm, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum xác định cả hai bệnh nhân đều bị ngộ độc Botulinum do ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Bác sỹ Võ Khắc Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, thông tin từ người nhà thì cả 2 bệnh nhân đều có ăn món mắm cá chua. Đây là món ăn truyền thống ở một số vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum. Cách chế biến thông thường của người dân là sử dụng cá suối ủ lên men cùng với bột gạo hoặc muối. Trong điều kiện yếm khí, nhiều loại vi khuẩn phát triển, trong đó có Clostridium Botulinum gây ngộ độc.
“Độc lực của Botulinum rất mạnh nên việc điều trị rất khó khăn, phải mất một thời gian rất dài bệnh nhân mới có thể hồi phục. Bên cạnh đó, thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) điều trị rất hiếm và đắt tới 8.000 USD một lọ. May mắn, những bệnh nhân ngộ độc Botulinum ở Kon Tum chủ yếu là type E, độc lực không cao bằng type A, B. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên ăn món mắm cá chua, những sản phẩm đóng hộp có dấu hiệu hư hỏng và các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh”-bác sỹ Võ Khắc Tuấn cho biết rõ hơn.
Từ năm 2020 đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận và điều trị cho 25 trường hợp bị ngộ độc Botulinum, trong đó có 2 người tử vong.