Ăn hàu chiên thấy vị y hệt món bố làm, chàng trai tìm được người thân sau 13 năm nhờ câu nói của chủ quán
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, hai cha con chia lìa 13 năm đã ôm nhau bật khóc. Biết bao cay đắng, bất bình và nhung nhớ, giờ đây đã tìm thấy đáp án.
Năm 2016, một vị khách kỳ lạ đến quán ăn ở Văn Sơn (Châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn, Vân Nam, Trung Quốc), ăn một miếng hàu rồi bật khóc. Điều này đã thu hút sự chú ý của ông chủ. Phải chăng tay nghề của ông quá xuất sắc khiến chàng trai không thể cầm lòng mà khóc lên?
"Ông chủ, món hàu chiên của ông thực sự rất ngon". Chàng trai mới 20 tuổi bật khóc, tay cầm đũa đang gắp miếng hàu cũng hơi run, anh nhìn ông chủ với đôi mắt đẫm lệ và hỏi.
Ông chủ rất vui khi khách thích món ăn của mình, mặc dù trong lòng khó hiểu vì sao chàng trai lại khóc, nhưng cũng vui vẻ tiếp chuyện: “Đây không phải đặc sản Vân Nam, mà là món trứ danh ở xứ Mậu Danh, Quảng Đông…”.
Nói được nửa chừng, ông chủ dừng lại, đột nhiên hỏi: "Cậu trai trẻ, giọng nói của cậu giống như người Quảng Đông. Cậu chưa từng ăn món này à?".
Chàng trai nghe xong lại rơi nước mắt: "Đã từng ăn, nhưng không biết nó ở Mậu Danh, Quảng Đông. Chỉ là món này khiến cháu nhớ đến bố mà thôi. Trước đây bố cũng làm món này cho cháu ăn, mùi vị y hệt”.
Chàng trai tên là Diệp Phong Cường, 20 tuổi, lẽ ra phải lớn lên trong sự chăm sóc của cha mẹ như một đứa trẻ bình thường, nhưng khi 7 tuổi, hành động xấu xa của bọn bắt cóc đã đột ngột xé nát sự yên bình trong cuộc sống của anh.
Quê hương của Diệp Phong Cường là trấn Điện Thành, quận Điện Bạch, thành phố Mậu Danh, Quảng Đông, nơi có nhiều cảnh sắc tươi đẹp và ẩm thực đường phố phong phú.
Nhưng anh không có nhiều cơ hội ra ngoài đi chơi, vì mẹ khờ ở nhà chỉ như đứa trẻ 5 tuổi lúc nào cũng cần được chăm sóc. Chính điều này đã bị những kẻ buôn người với mục đích xấu xa lợi dụng.
Những kẻ buôn người tự xưng là họ hàng của mẹ anh, lừa hai mẹ con lên hai chiếc ô tô đi về hai hướng khác nhau. Khi Diệp Phong Cường nhận ra mình đang đi càng ngày càng xa và bắt đầu vùng vẫy một cách tuyệt vọng thì đã quá muộn.
Tuy nhiên, Diệp Phong Cường cũng mang đến không ít rắc rối cho những kẻ buôn người, bởi vì lúc này anh đã đủ lớn để có thể nhớ mọi thứ, quấy khóc đòi về nhà nên không ai muốn mua anh.
Cuối cùng, tại một ngôi làng miền núi vô danh, một gia đình đã có con gái nhưng vẫn muốn có con trai. Để “bán quách đi món hàng ế” này, bọn buôn người đã quyết định giảm 80% giá tiền ban đầu và thành công giao dịch.
Mặc dù gia đình người mua biết rằng Diệp Phong Cường đã có tính tự lập nhưng họ cảm thấy rằng chỉ cần đối xử tốt, cậu vẫn có thể thích nghi với cuộc sống ở gia đình mới.
Bố nuôi mua cho Diệp Phong Cường rất nhiều đồ chơi mới nhưng anh không thèm, mẹ nuôi đã thử món ngon nhưng cậu không động đũa, thậm chí còn làm vỡ hết đồ chơi, bát đĩa. Anh chỉ muốn trở về nhà ở Quảng Đông mà thôi.
Bố mẹ nuôi cảm thấy bất mãn, họ đã cố gắng hết sức để đối xử tốt với anh, vậy tại sao cậu lại không chấp nhận họ? Nhưng họ quên mất rằng dù có làm gì thì cũng không thể thay đổi được sự thật rằng Diệp Phong Cường đã bị bắt cóc, lẽ ra anh có cha mẹ yêu thương và gia đình hạnh phúc, nhưng chính cuộc giao dịch này đã khiến anh mất hết tất cả.
Nhưng một đứa trẻ 7 tuổi có thể làm mình làm mẩy được bao lâu? Sau 3 ngày chống cự, cuối cùng anh cũng bắt đầu ăn uống, điều này khiến bố mẹ nuôi vô cùng mừng rỡ. Thế nhưng họ không biết rằng, Diệp Phong Cường chưa bao giờ bỏ cuộc.
Thôn nhỏ, chuyện gì cũng có thể lan truyền rất nhanh. Và rồi Diệp Phong Cường đã bị bạn bè cười chê, hàng xóm nói ra nói vào.
Dưới áp lực triền miên này, khi lên 12 tuổi, chưa kịp nói lời từ biệt với bố mẹ nuôi, anh dựa vào trí nhớ về quê hương và tìm người làm giả chứng minh thư để lên tàu đi Quảng Đông.
Hơn 10 năm sau đó, Diệp Phong Cường tự lập, tự nuôi sống bản thân. Anh tham gia các nhóm tìm kiếm gia đình, xuất hiện trên các chương trình tìm kiếm người thân, đăng nhập thông tin trên các trang web, dù đã đi đến nhiều thành phố nhưng anh vẫn không biết đâu là nhà của mình.
Nhưng đúng lúc tuyệt vọng, anh dừng lại ở một quán ăn bên đường ở Vân Nam và bất ngờ tìm ra manh mối quan trọng. Theo lời của chủ tiệm hàu chiên, anh lập tức đến sở cảnh sát thành phố Mậu Danh, và đã liên lạc được với cha ruột, Lê Thắng Hùng.
Lúc này, Diệp Phong Cường mới biết tên thật của anh là "Lê Nhật Sinh". Nhiều năm qua, bố đã gần như tán gia bại sản để tìm anh. Một điều trùng hợp nữa là bố cũng kiếm sống bằng nghề bán món hàu chiên.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, hai cha con chia lìa 13 năm đã ôm nhau bật khóc. Biết bao cay đắng, bất bình và nhung nhớ, giờ đây đã tìm thấy đáp án.
Hiện tại Lê Nhật Sinh đã trở thành một công nhân lành nghề trong nhà máy, thời gian rảnh rỗi lại phụ bố kinh doanh quán ăn. Mong muốn chung của họ là tìm được mẹ của Lê Nhật Sinh để gia đình đoàn tụ trọn vẹn.
Nguồn: 163