Chuyện đời đáng khâm phục của cô gái bị bắt cóc cầu xin ông già mua mình: "Mua cháu đi, cháu có tiền!"
Cáo Diễm Mẫn không muốn trải qua cuộc đời bị bắt cóc và làm vợ người ta, cô luôn nghĩ cách trốn thoát.
Rơi vào cái bẫy của bọn buôn người
Cáo Diễm Mẫn, người gốc Hà Nam, sinh ra trong một gia đình nông dân. Cô là con gái lớn, dưới còn có hai em trai. Do gia cảnh nghèo túng nên sau khi tốt nghiệp cấp hai, cô đã bỏ học và làm việc trong một nhà máy dệt ở Hà Bắc.
Năm 1994, Cáo Diễm Mẫn 18 tuổi, đi làm xa nhà được một năm, chuẩn bị về Hà Nam thăm bố mẹ, thì khi đang xếp hàng mua vé xe, có một người phụ nữ lạ chủ động bắt chuyện, tự xưng là người cùng làng với cô và hỏi cô làm việc ở đâu, lương bao nhiêu.
Cáo Diễm Mẫn thật thà đã kể cho bà ấy nghe mọi chuyện.
"Một tháng chỉ có 200 tệ (hơn 670 nghìn đồng)? Ít quá. Vậy tại sao không đến nhà máy của chúng tôi làm việc? Bao ăn bao ở luôn, mỗi tháng nhận 400 tệ (hơn 1,3 triệu đồng), làm thêm giờ thì còn nhiều hơn thế!", người phụ nữ nhiệt tình giới thiệu.
Cáo Diễm Mẫn sau khi nghe được lời này, hai mắt sáng lên, khi người phụ nữ nói nhà máy đang tuyển người, cô không chút do dự đi theo mà không biết mình đã rơi vào bẫy của bọn buôn người.
Vừa xuống xe, đã có vài người đàn ông vây quanh Cáo Diễm Mẫn, khi nhận ra có điều gì đó không ổn và muốn bỏ chạy thì đã bị bắt và nhốt trong một căn phòng có rất nhiều cô gái bị bắt cóc khác.
Ở đó, Cáo Diễm Mẫn bị ba người đàn ông bắt nạt dã man, mắt cô sưng vù vì khóc, vùng vẫy thế nào cũng không thể thoát khỏi nơi khủng khiếp này.
Vài ngày sau, Cáo Diễm Mẫn vô cùng sợ hãi khi cánh cửa mở ra, lần này một ông già bước vào.
"Một người 2.500 tệ (hơn 8,3 triệu đồng), lựa chọn tùy thích", kẻ buôn người cười niềm nở nói với ông già.
Những cô gái trong phòng đều cúi đầu lùi lại, nhưng Cáo Diễm Mẫn cho rằng đó là cơ hội nên ngẩng mặt lên nhìn ông. Và thật vậy, ông đã chọn cô!
Khi ông chuẩn bị trả tiền, kẻ buôn người chợt nghĩ lại và đòi tăng giá thêm 100 NDT (hơn 330 nghìn đồng).
Ông già do dự, muốn tìm cô gái khác “rẻ” hơn. Cáo Diễm Mẫn liền quỳ xuống, ôm chân ông và nói: "Mua cháu đi, cháu có tiền, 50 tệ ạ (hơn 165 nghìn đồng)!".
Nhìn khuôn mặt trẻ trung, dễ thương của cô gái, ông già cũng gật đầu đồng ý.
Cáo Diễm Mẫn thở phào nhẹ nhõm, sau đó cô được ông già đưa lên xe. Cô cầu xin ông cho mình về nhà và sẽ trả lại tiền cho ông.
"Không được đâu! Tôi đã mua cô về làm vợ cho con trai tôi".
Chấp nhận số phận làm vợ người ta
Sau quãng đường gập ghềnh với nhiều khúc quanh, Cáo Diễm Mẫn được ông Lưu đưa về nhà và nhốt trong một căn phòng nhỏ.
Đêm đó, con trai thứ ba của ông Lưu, là Lưu Tam, về nhà và muốn tổ chức đám cưới với Cáo Diễm Mẫn. Cô sợ hãi đến mức toàn thân run rẩy, liều mạng chống cự nhưng vô ích.
Ngày hôm sau, họ thả Cáo Diễm Mẫn, cô gái nhìn xung quanh và muốn chạy trốn. Thế nhưng họ mỉm cười và nói với cô, trong núi có sói hoang, bỏ cuộc đi, cô không thể trốn thoát.
Cáo Diễm Mẫn đã chạy trốn nhiều lần nhưng đều bị bắt trở về. Họ đánh đập và trói cô vào đầu giường.
Thấy Cáo Diễm Mẫn tính tình mạnh mẽ, họ nhờ chị dâu thứ hai của Lưu Tam đến thuyết phục cô.
“Nơi này nghèo khó, hẻo lánh, trong làng không người đàn ông nào có thể lấy được vợ, để nối dõi tông đường, họ phải dùng đến biện pháp cực đoan như vậy. Hãy chấp nhận số phận đi, không một ai trong số hơn 30 phụ nữ ở đây có thể trốn thoát”, người chị dâu thứ hai cũng bị mua về làm vợ, tận tình khuyên nhủ Cáo Diễm Mẫn.
Nhưng Cáo Diễm Mẫn lại không muốn trải qua cuộc đời như thế này, cô vẫn phải nghĩ cách trốn thoát.
Không lâu sau, Cáo Diễm Mẫn đã có thai. Gia đình ông Lưu rất vui mừng, đối xử với cô tốt hơn rất nhiều, cũng thả cô được tự do hơn. Không ngờ có một ngày, Lưu Tam lại nói sẽ đưa cô về nhà bố mẹ đẻ.
Cáo Diễm Mẫn vô cùng phấn khích, cùng với Lưu Tam trở về nhà, nhào vào lòng bố mẹ khóc nức nở.
Bố mẹ cô đã tìm kiếm con gái suốt một năm trời, tóc bố đã bạc, mẹ khóc hết nước mắt.
Tuy nhiên, khi Cáo Diễm Mẫn nói muốn ở lại và xin bố mẹ đưa 2.600 NDT (hơn 8,7 triệu đồng) để đổi lấy sự tự do, mẹ nhìn cái bụng to tướng của cô và từ chối: “Chúng ta không đủ khả năng chi ra số tiền đó. Có trở về cũng không lấy chồng được nữa, hay là cứ sống tiếp ở nơi đó đi”.
Những lời nói của mẹ đã làm tổn thương Cáo Diễm Mẫn và khiến cô hiểu tại sao Lưu Tam lại sẵn lòng gửi cô về nhà bố mẹ đẻ.
Thất vọng, cô không còn cách nào khác là quay lại với Lưu Tam.
Trở thành “thiên sứ bị bắt cóc”
Lưu Tam bình thường thì không sao, nhưng lại thích uống rượu, khi say sẽ phát điên, đánh đập mắng mỏ khiến cô đau khổ tột cùng. Nhưng cô không có nơi nào để đi và lại có một đứa con, vì con mình mà cô phải chịu đựng.
Chẳng bao lâu sau, hiệu trưởng các làng lân cận lên kế hoạch thành lập một điểm dạy học trong làng để trẻ em không phải đi bộ quãng đường dài đến trường mỗi ngày. Sau khi biết Cáo Diễm Mẫn từng tốt nghiệp trung học cơ sở, hiệu trưởng đã đề nghị cô làm giáo viên với mức lương hàng tháng là 200 NDT (hơn 670 nghìn đồng).
Cứ thế, Cáo Diễm Mẫn đã trở thành một cô giáo vùng quê. Nhìn thấy nụ cười hồn nhiên và ánh mắt ngây thơ của tụi trẻ, lòng cô ấm áp, đôi mắt sáng ngời, từ đó cô chuyên tâm vào công việc giảng dạy.
Cáo Diễm Mẫn không ngừng động viên, dạy các em chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức, trở thành người có ích cho xã hội và dũng cảm đương đầu với thử thách trong cuộc sống.
Nhiều năm trôi qua một cách vội vã, dưới sự dạy dỗ của cô, nhiều em đã đạt thành tích học tập xuất sắc và rời khỏi vùng nông thôn nghèo để đi khám phá chân trời mới. Cuộc sống của cô cũng đã thay đổi, chồng Lưu Tam đã bỏ thói uống rượu, không còn đánh đập, mắng mỏ vợ. Hai người có ba đứa con, cuộc sống bình lặng cứ thế trôi qua.
Sau này, Cáo Diễm Mẫn đã làm hòa với bố mẹ. Mẹ mất, cô đã trở về quê mà quỳ khóc trước nấm mồ của bà.
Năm 2005, một nhiếp ảnh gia đã đến nông thôn Hà Bắc để chụp ảnh và tìm hiểu câu chuyện của Cáo Diễm Mẫn. Anh đã đăng câu chuyện lên mạng xã hội và mọi người gọi cô là “thiên thần bị bắt cóc”.
Cáo Diễm Mẫn là một người phụ nữ bất hạnh nhưng kiên cường, cô từng gặp hoạn nạn và đứng lên chống cự, tuy nhiên số phận lại đầy rẫy những ngã rẽ.
Vết sẹo bị “bắt cóc và buôn bán” khắc sâu trong lòng cô chưa bao giờ lành lại!
Nhưng điều đáng khâm phục là nỗi đau này không gây ra thù hận, mà là sự lương thiện. Cô đã dành hơn mười năm tuổi trẻ quý báu của mình để trở thành niềm hy vọng của trẻ em làng quê miền núi, mở ra cánh cửa tri thức và tương lai cho các em.
Câu chuyện của Cáo Diễm Mẫn mang đến bài học, dù số phận bất hạnh, chúng ta vẫn có thể chọn làm người tử tế, chọn giúp đỡ, chọn thay đổi và vẫn có cơ hội thay đổi thế giới xung quanh.
Nguồn: Zhihu