Ấn Độ: Nhiều cô dâu nỗ lực thay đổi nghi lễ đám cưới lạc hậu
Đầu năm 2022, Priya Aggarwal, sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Luật ở Ambala, bang Haryana, Ấn Độ, thu hút chú ý từ truyền thông khi đi ngược lại với các nguyên tắc cưới hỏi truyền thống. Trong ngày cưới, cô cầm kiếm và cưỡi ngựa đến nhà trai, một điều được cho là vai trò của nam giới.
Viết "kịch bản" cho riêng mình
Trong đám cưới năm 2017, cô dâu Amisha Bharadwaj đã nhảy ca khúc nổi tiếng Cheap Thrills với áo cưới và quần short. Bharadwaj nói với BBC: "Tôi đã phá vỡ định kiến về cô dâu Ấn Độ nhút nhát, những người không được phép nhảy và mặc trang phục như tôi đang mặc. Những gì các cô dâu Ấn Độ phải làm trong ngày cưới từ xưa đến nay vẫn cứ như vậy. Họ phải e thẹn, không mỉm cười và khóc khi rời nhà cha mẹ đẻ. Giờ đây, các cô dâu Ấn Độ hiện đại đang viết ‘kịch bản’ cho riêng mình".
Ở xã hội phụ hệ Ấn Độ, các nghi lễ đám cưới luôn làm nổi bật quyền thống trị của nam giới. Các nghi thức có thể bao gồm để cha mẹ cô dâu rửa chân cho chú rể, cô dâu chạm vào chân chú rể hay nghi lễ trao con gái trong đám cưới.
Hiện tại, ngày càng nhiều cô dâu Ấn Độ tìm cách vượt qua những nghi lễ truyền thống lạc hậu và thể hiện bình đẳng giới trong đám cưới. Theo Parthip Thiagarajan, người điều hành nền tảng trực tuyến chuyên cung cấp dịch vụ đám cưới Wedding Sutra, ở nhiều gia đình Ấn Độ, cha mẹ và người lớn tuổi vẫn là người quyết định các nghi lễ. Nhiều cặp đôi nếu muốn thay đổi hoặc bỏ đi các nghi lễ này cần phải nói chuyện với cha mẹ. Tuy nhiên, vì xã hội Ấn Độ rất coi trọng truyền thống và việc thuyết phục những người lớn tuổi rất khó nên cô dâu không thể thay đổi gì.
Chuyên gia nhân sự Avanee Kapoor, cho biết cô muốn tổ chức đám cưới tiến bộ, bỏ đi những lời thề lạc hậu và phân biệt giới tính, bao gồm việc phụ nữ không ra khỏi nhà nếu chồng không cho phép. Kapoor và hôn phu đã tổ chức lễ ký tên và lễ kỷ niệm đám cưới nhưng điều chỉnh các nghi lễ như milni khi để nhà gái chào đón nhà trai bằng những món quà. "Chúng tôi giảm quà tặng và để tất cả cùng tham gia vào đám cưới, kể cả phụ nữ. Tôi và chồng cũng chia đều chi phí tổ chức đám cưới".
Medha Khanna, một kế toán ở Mumbai, muốn hôn nhân của mình và chồng dựa trên những giá trị cả hai cùng hướng đến. Sau khi nghiên cứu các nghi lễ đám cưới của người Hindu, cặp đôi đã chọn làm lễ kết hôn dưới sự chủ trì của hai nữ linh mục và không thực hiện kanyadaan - nghi lễ trao cô dâu hay vidaai - nghi lễ chia tay cô dâu. "Chúng tôi không trao lời thề bằng tiếng Phạn mà bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến và nhiều người có thể hiểu hơn", cô nói.
Đốm sáng nhỏ
Không chỉ những cô dâu bình thường, các "ngôi sao" Bollywood cũng góp phần loại bỏ những truyền thống lạc hậu trong đám cưới. Diễn viên Katrina Kaif đã để chị gái thay vì anh trai theo thông lệ đội hoa lên người cô. Đám cưới của nam diễn viên Dia Mirza không tổ chức phô trương mà chỉ là buổi tiệc đơn giản mang phong cách bền vững và do linh mục nữ thay vì nam chủ trì.
Trong đám cưới của Priyanka Chopra với Nick Jonas, cô dâu đã để mẹ dắt xuống lễ đường, phá vỡ truyền thống khi đây được coi là vai trò của người cha hoặc một thành viên nam trong gia đình. Nam diễn viên Rajkummar Rao đã yêu cầu vợ mình, Patrelekhaa, bôi sindoor lên trán anh, thay vì ngược lại. Mặc dù vidaai là một nghi lễ đầy xúc động trong các đám cưới ở miền Bắc Ấn Độ nhưng nó cũng đang được nhiều cặp đôi thay đổi để phù hợp hơn. Khi các cô dâu thường tạm biệt cha mẹ đẻ trong nước mắt để về nhà chồng thì những cô dâu nổi tiếng như Anushka Sharma và Sonam Kapoor từ chối khóc, trong khi Diya Mirza hoàn toàn bỏ nghi lễ này.
Không chỉ đấu tranh để thay đổi các nghi lễ đám cưới lạc hậu, nhiều phụ nữ Ấn Độ còn đang nỗ lực để giảm vấn nạn tảo hôn. Ở một đất nước có nhiều "cô dâu nhí" như Ấn Độ, Rajni Devi, 21 tuổi, đã ngăn cản 5 cuộc hôn nhân trẻ em, bao gồm cả cuộc hôn nhân của cô. Hiện Devi là người đứng đầu một nhóm hỗ trợ và trao quyền cho phụ nữ ở Uttar Pradesh.
Anusha Ravi, một nhân viên thuộc tổ chức phi chính phủ ở Delhi, cho biết những thay đổi và nỗ lực này chỉ là đốm sáng nhỏ trong hiện thực rộng lớn về đám cưới ở Ấn Độ khi yêu cầu về của hồi môn và quan niệm lâu đời về các nghi lễ vẫn không thay đổi. "Để xã hội Ấn Độ thực sự thay đổi sẽ phải mất nhiều thập kỷ nhưng đó vẫn là dấu hiệu khả quan cho thấy, nhiều phụ nữ đang nỗ lực chống lại kỳ thị nữ giới và bất bình đẳng giới trong đám cưới", Ravi nói.
Nguồn: SCMP