Ăn để nhiều sữa nuôi con

,
Chia sẻ

Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng trong vòng mươi năm trở lại đây, người ta dễ dàng nhận thấy tình trạng sản phụ không có sữa hoặc ít sữa đã trở nên khá phổ biến

Móng giò heo là thực phẩm rất tốt để sản phụ có nhiều sữa nuôi con. Ảnh: Hương Lan

Mặc dù các chủng loại sữa nhân tạo dành cho trẻ em hiện nay hết sức phong phú, nhưng không ai có thể phủ định sữa mẹ vẫn là thức ăn quý giá và tối cần thiết cho con trẻ trong những năm tháng đầu đời. Theo quan niệm của cổ nhân, sữa được tạo ra từ huyết và do khí vận hành, nếu huyết thiếu hoặc khí trệ thì sẽ phát sinh bệnh chứng khuyết nhũ. Để giải quyết tình trạng này, y học cổ truyền sử dụng nhiều biện pháp như châm cứu, bấm huyệt, dùng thuốc theo biện chứng hoặc kinh nghiệm dân gian... trong đó có một phương thức phối hợp các thực phẩm và vị thuốc chế biến thành những món ăn có tác dụng chữa bệnh hết sức độc đáo.

Tình trạng khí huyết hư nhược: sản phụ thiếu sữa hoặc hoàn toàn không có sữa. Nếu có thì sữa trong và nhạt, bầu vú nhỏ và mềm nhẽo, không có cảm giác căng tức. Cơ thể mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, chậm tiêu, hay có cảm giác khó thở. Tiểu tiện trong dài, đại tiện nát hoặc lỏng, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt...

- Móng giò heo hai cái, đậu phộng 200g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Móng giò làm sạch, chặt miếng, rồi đem hầm với đậu phộng cho thật nhừ, bỏ thêm gia vị, ăn trong ngày.

- Cá diếc một con (nặng chừng 100 – 150g), làm sạch, rán qua rồi hầm nhừ ăn hàng ngày. Bảy ngày là một liệu trình. Hoặc đem hầm cùng với móng giò heo hai cái cho thật nhừ, bỏ thêm gia vị, chia ăn hai lần trong ngày.

- Móng giò heo hai cái, đậu phộng 200g, hoàng kỳ 100g, gia vị vừa đủ. Móng giò làm sạch, chặt miếng, hoàng kỳ gói vào túi vải. Hai thứ đem hầm với đậu phộng cho thật nhừ rồi bỏ bã hoàng kỳ, thêm đủ gia vị, chia ăn hai lần trong ngày.

- Chân giò heo một cái, làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm nhừ với xuyên sơn giáp 15g và thiên hoa phấn 15g. Bỏ thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Tình trạng can uất khí trệ: sữa không thông, bầu vú căng hoặc đau tức. Ngực sườn đầy chướng, không muốn ăn, thậm chí phát sốt. Tinh thần căng thẳng bực bội khó chịu, rêu lưỡi vàng mỏng...

- Rau diếp 400g, rửa sạch, thái nhỏ, nấu canh ăn trong ngày. Liệu trình ăn trong năm ngày.

- Móng giò heo hai cái, mộc thông 5g, phật thủ 10g, lậu lô 15g, hành hai củ. Móng giò làm sạch, chặt miếng, các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ rồi bỏ bã thuốc, thêm gia vị, chia ăn hai lần trong ngày.

- Móng giò heo hai cái, củ niễng non 100g, gia vị vừa đủ. Móng giò làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm với củ niễng cho thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

- Xương heo 500g, thông thảo 6g, gừng tươi 10g, gia vị vừa đủ. Xương heo rửa sạch, chặt nhỏ, đem hầm với thông thảo cho thật kỹ rồi thêm gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.

- Rau hoàng kỳ khô 30g, thịt heo nạc 250g. Hoàng kỳ rửa sạch, thái nhỏ, thịt heo rửa sạch thái chỉ. Hai thứ nấu thành canh ăn trong ngày.

 
Ths.BS Hoàng Khánh Toàn
(trưởng khoa đông y, bệnh viện Trung ương quân đội 108)
 

Kiêng ăn cua, ốc

Bên cạnh ăn theo chế độ bệnh lý, thực đơn của sản phụ thiếu sữa nên trọng dụng các thực phẩm như thịt dê, cá diếc, cá chép, vừng đen, đậu phộng, hạt bí ngô, rau diếp, đậu phụ, sữa đậu nành, mạch nha... và đặc biệt là móng giò heo. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, móng giò heo có công dụng thúc sữa, bổ huyết, thường dùng làm thức ăn cho sản phụ ít hoặc không có sữa.

Những thực phẩm cần kiêng kỵ là hạt tiêu, nhục quế, ớt, tỏi, đinh hương, rượu, trà đặc, cà phê, thuốc lá, mướp đắng, dưa hấu, dưa chuột, chuối tiêu, quả thị, ốc, cua...


 

Theo SGTT

Chia sẻ