Ăn 1 triệu, để dành 15 triệu, cô gái này thà đi vay chứ nhất quyết không động vào tiền tiết kiệm

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Tiết kiệm là tốt, tuy nhiên nếu thái quá lại không phải là hay.

Một bài đăng tải thu hút nhiều sự chú ý của những người quan tâm đến việc quản lý chi tiêu, bài viết này khiến nhiều người phải mắt chữ A mồm chữ O vì khó hiểu với các khoản chi phí trong một tháng của chủ nhân bài viết.

Cụ thể, cô gái này đã chia sẻ rằng bản thân tháng nào cũng thiếu tiền, phải đi vay rồi tháng sau lại phải trả, cô muốn hỏi cách để cắt bớt các khoản mua sắm vì cứ được khoảng 2/3 tháng là đã bị âm tiền rồi.

Bài viết khiến nhiều người khá quan tâm vì chuyện chưa hết tháng đã hết tiền chẳng phải là chuyện của riêng ai, thậm chí không hề ít người rơi vào cái cảnh này.

Ăn 1 triệu tiết kiệm 15 triệu, cô gái này thà đi vay chứ nhất quyết phải "cất bớt" không dám động vào 50% thu nhập - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình

Những tưởng thu nhập của cô gái này quá thấp hay việc chi tiêu quá phóng tay nên mới dẫn đến việc mới được 2/3 tháng đã hết tiền và thường xuyên phải vay mượn, nhưng khi nhìn vào bảng chi tiêu của cô ấy thì ai cũng phải ngả nón không phải vì bái phục khả năng vén khéo mà vì choáng váng với cách quản lý tiền không hợp lý của cô ấy.

Tổng thu nhập của cô ấy trong tháng 6/2024 là 22,565 triệu, đây là một khoản thu nhập đáng mơ ước, nếu không vướng bận gì thì số tiền này, việc cân đối chi tiêu không phải là quá khó.

Với tổng thu nhập hơn 22 triệu thì đây là ghi chép chi tiêu của cô ấy.

1. Ăn uống: 1,018 triệu

2. Chi tiêu hằng ngày: 1,041 triệu

3. Quần áo: 1,2 triệu

4. Mỹ phẩm: 2,915 triệu

5. Đưa mẹ: 3 triệu

6. Phí liên lạc: 187.000

7. Cưới hỏi, sinh nhật: 1 triệu

8. Trả nợ: 909.000

9. Tiết kiệm: 15 triệu

10. Chi phí khác: 125.000

Ảnh chụp màn hình

Nhìn vào bảng chi tiêu này đập ngay vào mắt là sự bất hợp lý giữa tiền ăn uống và tiền tiết kiệm. Tiền tiết kiệm của cô gái này gấp 15 lần so với chi phí ăn uống. Đây quả thực là một màn vén chưa thật sự khéo lắm. Không biết rằng cô ấy có nhận được sự hỗ trợ của gia đình trong việc ăn uống hằng ngày không chứ với chi phí chưa đến 12.000/bữa ăn thì chắc chắn không thể đảm bảo dinh dưỡng mà duy trì các hoạt động của cơ thể trong một ngày.

Tiết kiệm là tốt nhưng chúng ta vẫn nên có kế hoạch cụ thể, phù hợp và hợp lý chứ không nên cố tiết kiệm đến 56,8% thu nhập để rồi sau đó ăn tằn uống tiện. Như vậy khá là bất tiện và khó có thể duy trì lâu dài.

Bên cạnh sự bất cập của khoản chi số 1 và số 9 thì cũng có một số khoản khác cô gái này có thể cân nhắc lại đó là khoản 3 và khoản 4 - chi phí cho quần áo và mỹ phẩm.

Cô gái này có lẽ là người chú trọng vẻ ngoài, ngoại hình nhiều hơn là sức khỏe bản thân khi sẵn sàng chi cho quần áo và mỹ phẩm đều nhiều hơn tiền ăn. Hai khoản này, cô ấy hoàn toàn có thể cắt gọt hợp lý hơn để có thể san bớt cho hạn mức chi tiêu cho việc ăn uống.

Cuối cùng, bạn thấy việc chi tiêu của cô gái này có cực đoan quá với mục tiêu tiết kiệm hay không?

Chia sẻ