Ám ảnh nhà tập thể "cũ mốc" ở Hà Nội

Moon. Q,
Chia sẻ

Giữa lòng Thủ đô náo nhiệt, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng lung linh ánh đèn mỗi tối, bên cạnh phố phường Hà Nội phồn hoa tấp nập vẫn tồn tại những khu tập thể "quá đát", đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Khu tập thể hay “khu ổ chuột”? 

Hiện nay, số lượng những dãy nhà tập thể bị liệt vào danh sách cần được sửa chữa và xây mới ở Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Hầu hết nhà tập thể đời cũ này đều được xây dựng từ những năm 60 của thế kỉ trước và ngày càng hư hỏng nặng.
 

 Dãy nhà E1 và Đ1 khu tập thể Văn Chương (Đống Đa)


Dãy nhà D1 không sáng sủa hơn là bao

Khu tập thể Văn Chương (Đống Đa – Hà Nội) là một trong số những khu tập thể "cổ kính" nhất nhì Hà Nội. Đây là khu nhà được xây dựng từ những năm 1960 và được cấp, phát cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Khu tập thể gồm 2 dãy nhà chính, mỗi dãy nhà có 5 tầng, gồm 40 hộ nhỏ cùng chung sống. Những căn hộ nằm ở giữa đều có chung diện tích là 30m2 còn căn hộ 2 bên đầu hồi có diện tích "nhỉnh" hơn là 40m2. Mỗi căn hộ đều có công trình phụ bên trong, gia đình nào cũng có hành lang gần 1m dùng làm lối đi lại và phơi quần áo. Vào thời điểm đó, việc có được một căn hộ như thế này là niềm mơ ước của rất nhiều gia đình. Trải qua hơn 60 năm tồn tại cùng với sự bào mòn, tàn phá của thời gian, khí hậu, những dãy nhà đã bị biến dạng, tường bao xung quanh nhà đã bong tróc, dãy hành lang ban công bị vỡ lở, bong thành từng miếng vôi vữa rơi vãi tung tóe làm lộ những thanh sắt đã hoen rỉ.


Tường bảo vệ lan can đã bị lở, rơi vãi vôi vữa 





Khu tập thể Trại Găng (Bạch Mai - Hai Bà Trưng) là dãy nhà có 4 tầng, mỗi tầng chứa 4 phòng. Mỗi phòng có giá cho thuê khoảng 4,5 triệu/tháng (chưa tính giá điện, nước, vệ sinh). Mặc dù diện tích phòng có vẻ “dễ thở hơn” so với một số khu chung cư cùng loại khác, trung bình mỗi phòng rộng 55m2 gói gọn các công trình phụ. Nhưng vấn đề bất cập, nổi cộm nhất của của dãy nhà chính là an ninh. Khu không có bảo vệ, đồ đạc, tài sản các gia đình tự có ý thức bảo quản, cầu thang đi lên từng căn hộ quá nhỏ, hơn nữa đường đi hành lang ngoài ban công của cả khu nhà đã xuống cấp, gạch nát nền bị bong tróc, để lộ từng khoảng xi măng đen kịt phía dưới. Nhà vệ sinh được xây dựng từ lâu bị hoen ố, rỉ vàng. 

Cùng trong tình cảnh tương tự là khu tập thể Xây dựng công nghiệp nằm ở ngõ 170-172 trên phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng. Ở đây, có gần 100 hộ gia đình sinh sống trong khu tập thể tồi tàn này. Hầu hết tường nhà đều bị bong tróc, vôi vữa rơi vãi khắp, hệ thống đường ống dẫn nước, mạng lưới dây điện, dây điện thoại chằng chịt như mạng nhện chạy dọc và bám sát hành lang của từng căn hộ. Để tận dụng thêm không gian sinh hoạt, nhiều hộ gia đình phải "đeo ba lô" cho căn hộ của mình. Vì thế, những khu tập thể này vốn đã xập xệ, cũ mốc nay lại càng thê thảm hơn.


 Dây điện được chăng nhằng nhịt khắp nơi


Các hộ phải cơi nới diện tích để sinh hoạt


Phía trước, phía sau căn hộ đều được tận dụng tối đa 

Các hộ gia đình muốn có được không gian phơi đồ hoặc để đồ đạc đều phải cơi nới diện tích bằng cách bắn mái tôn, mái nhựa đua ra phía ban công và phía sau hàn những “khung sắt”. Nhìn từ xa, những căn hộ này không khác gì "hộp diêm" luộm thuộm.

Trong tất cả số đó, thì xuống cấp trầm trọng và đáng lo ngại nhất vẫn là Khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Nằm lọt thỏm trong một khu đất biệt lập trên Phố Huế - con phố sầm uất, nhộn nhịp vào bậc nhất ở Hà Nội hiện nay, đa phần các dãy nhà đều đã mốc xanh, mốc vàng, ọp ẹp, có không ít những căn hộ đã bị phá vỡ, trống trơn không một bóng người từ cách đây hàng chục năm trời. Con đường dẫn vào dãy nhà heo hút tối thăm thẳm, leo lét duy nhất 1 ánh đèn mờ mịt.

Ngổn ngang trước khu tập thể là những đống rác, vôi vữa, gạch – ngói. Cây dại, bụi cỏ mọc nhằng nhịt, um tùm như muốn quây chặt và cô lập những người dân sinh sống trong đó với thế giới bên ngoài. Con đường hun hút dẫn vào dãy nhà cũng không khá hơn là bao: rộng chưa tới 1m, mặt đường gồ ghề những ổ voi, ổ chuột, không đèn đường chiếu sáng. Con đường nhỏ tới mức 2 xe máy đi ngược chiều nhau phải khó khăn, chật vật lắm mới có thể “né” được nhau. Bên cạnh những ngôi nhà cao tầng lung linh ánh đèn mỗi tối, bên cạnh phố phường Hà Nội phồn hoa tấp nập lại là một khu tập thể "quá đát", đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng như thế.


Dãy hành lang dẫn vào từng căn hộ buổi tối


Ban ngày, hành lang cũng phải bật điện thì mới nhìn rõ đường đi

Khu nhà Nguyễn Công Trứ được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước, cấp cho những hộ dân trong diện được đền bù đất đai khi giải phóng mặt bằng các công trình lớn. Những bức tường nhà rêu phong, cổ kính bị thời gian bào mòn, cào xé tới mức bung ngang, nứt dọc. Từ khi xây dựng cho tới nay, những căn nhà ấy vẫn giữ nguyên hiện trạng, chưa 1 lần được tu bổ, sửa chữa hay nâng cấp. Nhiều hộ gia đình trước được cấp nhà ở khu tập thể này đã chuyển đi nơi khác, họ đã phá nhà lấy sắt, gỗ hoặc những đồ đạc có thể tận dụng được mang đi. Chính những căn nhà bị phá dỡ làm cho khung cảnh bao quanh dãy tập thể càng hoang sơ, đổ nát và heo hút hơn.


Khu tập thể Nguyễn Công Trứ


Nhiều căn nhà bị chủ phá vỡ lấy sắt, để lại vẻ xuống cấp thê thảm cho bộ mặt khu tập thể

Ngoài những khu tập thể kể trên, còn nhiều những khu tập thể khác ở Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí có những khu  vừa xây dựng và đi vào hoạt động chưa được bao lâu đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Tuổi đời của những căn hộ mới xây này còn chưa bằng một nửa thế hệ tập thể “đàn anh”. Liệu sẽ ra sao khi những căn hộ này chạm ngưỡng 60 năm tuổi đời? Có được “chắc chắn” như khu tập thể Văn Chương, khu tập thể Trại Găng… hiện nay? Đó là câu hỏi mà chính những người đang ở đó cũng không dám trả lời rõ ràng.

Nỗi lòng những người sống trong “khu ổ chuột”

Chú Lê Hữu Dũng (chạy xe ôm trên phố Huế), chủ 1 căn hộ tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Nhà tôi chật chội lắm, 31m2 mà có tới 5 người lớn và 2 đứa nhỏ cùng sinh sống. Đây là mảnh đất nhà nước đền bù cho các cụ thân sinh ra anh, em tôi. Quanh năm chỉ lái xe ôm và đi làm thuê ngày kiếm không được 1 trăm, ăn còn không đủ. Chúng tôi lấy đâu tiền mà thuê nhà khác rộng hơn nên đành phải chịu thôi”. Trong ngôi nhà của đại gia đình chú Dũng chỉ kê được duy nhất 2 chiếc giường, 1 khu để kê ti vi và chiếc bàn gỗ nhỏ uống nước khi tiếp khách. Chú cũng chia sẻ thêm, do nhiều hộ xung quanh đã chuyển đi nên căn hộ bị bỏ trống, là nới để chuột sinh sống và phá phách kinh hoàng. Chúng lùng sục tìm ăn cả đêm, người sống chung với chuột, với muỗi và gián. Có những đêm đang ngủ mà chú giật mình vì tiếng chuột chạy dưới gầm giường,

Bác Hiền, có con gái thuê trọ ở dãy nhà E1, khu tập thể Văn Chương vẫn luôn thấy ái ngại về tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở đây. Vượt hàng trăm cây số từ Hà Tĩnh ra Hà Nội thăm con gái và cháu ngoại mới sinh, vậy mà đoàn tụ với con, cháu chưa đầy hai tháng bác đã ngán ngẩm, muốn về. Muốn ở lại chơi lâu với con, cháu nhưng cảnh bức bối, chật hẹp trong căn phòng rộng 30m2, bao gồm tất cả các công trình phụ, công trình vệ sinh khiến bác đâm "hãi". Diện tích chỉ có từng ấy nhưng đến 7,8 con người cùng chung sống. Chật hẹp với bác không thành vấn đề nhưng điều làm bác bức xúc nhất vẫn là nước sinh hoạt.

Bác Hiền nói: “Tôi phải tiết kiệm triệt để nước sinh hoạt, để dành 2 mẹ con nó tắm giặt, cơm cháo. Vậy mà nhiều khi giặt giũ đồ đạc cho cháu xong hết nước, tôi phải đi mua nước lọc đóng bình về dùng đấy. Nói ra lại bảo nói quá, nhiều khi muốn đi vệ sinh mà phải đợi được 3 người cùng đi, dội cho đỡ tốn nước”.

Bà Liên là người gắn bó với dãy nhà E1 (Khu tập thể Văn Chương) ngay từ những ngày đầu mới xây dựng. Trước đây, 2 ông bà đều là công nhân viên chức nhà nước, vì vậy được xét duyệt cấp một căn hộ rộng 30m2 (bao gồm các công trình phụ: bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm) tại khu tập thể Văn Chương này. Là người có thời gian dài sinh sống ở đây, bà hiểu rõ hơn ai hết những bất cập, khổ sở ở khu tập thể “quá cố” này. Bà nói: “Khu nhà này già nua, tồi tàn lắm rồi. Lan can bảo vệ bị hư hết nguy hiểm lắm, nhà nào mà có trẻ nhỏ phải bắn lan can sắt cao bọc hết khu hành lang đi lại. Nếu không thì cứ nơm nớp lo cho sự an toàn của bọn trẻ."

Anh Tuấn, người thuê nhà tại khu tập thể Trại Găng cho hay: “Khu tập thể tôi ở không có bảo vệ nên an ninh không được đảm bảo. Các hộ tự bảo quản đồ đạc, tài sản của gia đình mình. Ngoài ra mỗi tháng tôi mất khoản tiền khá lớn cho việc gửi xe cộ. Nhưng như thế chưa hề hấn gì so với việc mỗi khi trời mưa gió, cả nhà tôi nháo nhào tay chậu, tay xô hứng nước mưa dột từ trần nhà xuống, rồi tắc nhà vệ sinh như cơm bữa do đường ống dẫn thoát nhà vệ sinh đã quá cũ kĩ”. Anh cũng chia sẻ thêm rằng mặc dù rất muốn sửa chữa, nâng cấp căn hộ cho khang trang nhưng trong điều khoản thuê nhà có qui định rõ việc nghiêm cấm các hoạt động đục, khoét, xây dựng làm ảnh hưởng tới cục bộ căn hộ. Các hộ thuê chỉ được phép lăn sơn, trang trí ở ngoài… Chính vì điều bất cập này mà gia đình anh cũng như các hộ khác trong khu không muốn động chạm vào căn nhà mình đang trú ngụ.

"Biết là nhiều bất cập và khó khăn nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để chuyển đến nơi ở khác tốt hơn. Bây giờ ở Hà Nội giá cả đều đắt đỏ, để tìm được một ngôi nhà cho gần chục người sinh sống với mức giá mình có thể chi trả được không dễ dàng gì. Nên đành "bấm bụng" bảo nhau cố gắng ở tạm chỗ này, biết đến đâu hay đến đó vậy", Anh Tuấn chép miệng thở dài.

Chia sẻ