Ám ảnh câu hỏi ngây thơ của bé gái bị ảnh hưởng HIV từ cha mẹ: "Ngoại ơi, sao bạn bè không dám chơi với con"
"Cha mẹ nhiễm HIV đã qua đời, bé gái phải sống cùng bà ngoại nghèo và luôn luôn bị bạn bè xa lánh. Câu hỏi của bé gái với bà ngoại rằng "sao bạn bè không dám chơi với con" khiến tôi ám ảnh mãi. Do đó khi nghe có dự án dành cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tôi không ngần ngại nhận lời tham gia ngay" - Top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Lê Thu Trang chia sẻ.
Ngày 30/7, buổi khởi động dự án "Đảm bảo các trẻ em nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận và thụ hưởng Quyền trẻ em", gọi tắt là "Quyền của Em" do Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM tổ chức đã diễn ra.
Dự án "Quyền của em" vừa được khởi động vào ngày 30/7.
Hơn 1.200 trẻ tại TP. HCM nhiễm HIV
Rất nhiều lãnh đạo thuộc các cơ quan chức năng, ban ngành của thành phố và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng đến tham dự.
Ngoài ra, Dự án cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ nhiều nhân vật trong giới giải trí. Trong số này có Lê Thu Trang, top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017.
Top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Lê Thu Trang tham gia dự án.
Chia sẻ tại Dự án, Lê Thu Trang cho biết trước đây cô có theo dõi phóng sự rất xúc động về câu chuyện của một cô bé bất hạnh. Cha mẹ nhiễm HIV đã qua đời, bé gái phải sống cùng bà ngoại nghèo và luôn luôn bị bạn bè xa lánh.
"Câu hỏi của bé gái với bà ngoại rằng sao bạn bè không chơi với con khiến tôi ám ảnh mãi. Do đó khi nghe có dự án dành cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tôi không ngần ngại nhận lời tham gia ngay" - Lê Thu Trang tâm sự.
Theo dõi 1 bé gái bị phân biệt đối xử vì ba mẹ nhiễm HIV khiến Trang ám ảnh.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết, số trẻ em dưới 16 tuổi bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi I-IIV/AIDS tại TP. HCM ước tính khoảng 25.000 trẻ. Trong đó, trẻ nhiễm HIV khoảng 1.228 em, trẻ đang điều trị ARV là 1.162 em.
Thời gian qua, Hội Phòng chống HIV/AIDS TP. HCM đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thông tin như một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ hành vi của trẻ và thanh thiếu niên trong trường học và ngoài cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng hứa sẽ hỗ trợ tích cực các hoạt động của Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM.
Từ đó giúp trẻ tự phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho cá nhân, cộng đồng, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em và người nhiễm bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Đồng thời, Hội cũng đã thiết lập mạng lưới hoạt động chăm sóc hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV để trẻ tự tin hơn, có sức khỏe, có điều kiện học tập, vui chơi, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
300 trẻ nhiễm HIV chưa có giấy tờ tùy thân vì ảnh hưởng từ cha mẹ
Bác sĩ Vân cũng nhìn nhận thực tế vẫn còn một số trẻ em bị ảnh hưởng HIV, đặc biệt là trẻ nhiễm HIV khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em và các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Dự án "Quyền trẻ em" được triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, hỗ trợ những trẻ em nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV đang sống hoặc đang điều trị HIV trên địa bàn TP. HCM; tiếp cận những trường hợp cần hỗ trợ về pháp lý, việc làm, học tập.
Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP. HCM cho biết thêm, hiện nay có khoảng 1.500 người nhiễm HIV không giấy tờ tùy thân. Trong đó có 300 trẻ không có giấy tờ vì ảnh hưởng của cha mẹ.
Phụ huynh đưa con đến tham dự buổi khởi động dự án.
Trước thông tin này, Đại diện Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP. HCM chia sẻ, với pháp lý hiện nay để làm Giấy khai sinh cho trẻ là không khó.
Tuy nhiên nếu muốn cấp CMND (hay Căn cước công dân) thì phải cần có hộ khẩu. Đây là một trong những rào cản pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV.
Đại diện Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP. HCM chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
"Trước đây chúng tôi từng tiếp nhận một cô bé 17 tuổi, hành nghề bán cà phê quan hệ và có bầu với bạn trai cùng tuổi rồi phát hiện nhiễm HIV.
Bố người bạn trai buôn bán ma túy phải cải tạo, ông bà ngoại bên vợ lại ly hương nhiều năm nên việc xác minh nhân thân và làm giấy tờ gặp nhiều bất cập. Chúng tôi đã tác động đến công an khu vực, xác nhận tạm trú cho cha mẹ và từ đó chuyện làm giấy khai sinh được giải quyết" - đại diện này chia sẻ kinh nghiệm.
Cha mẹ nhiễm HIV không có giấy tờ nhân thân, hộ khẩu là một rào cản để làm căn cước công dân cho con. (Ảnh minh họa).
Qua dự án "Quyền của em" kéo dài từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020, Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM mong muốn tiếp cận nâng cao nhận thức cho 1.000 trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Tiếp cận 500 người chăm sóc trẻ và 30 cán bộ phường xã (tại Quận 4, Quận 6, Q.Gò Vấp) về pháp lý và cách thức thực hiện quyền trẻ em phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
Tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng quyền trẻ em, cụ thể trợ giúp vui chơi cho 100 trẻ nhỏ, giáo dục nghề cho 30 trẻ vị thành niên; Hỗ trợ pháp lý cho 200 trẻ; Hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho 200 trẻ.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho người làm công tác chăm sóc trẻ và gia đình; huy động kết nối và hỗ trợ gia đình trẻ tiếp cận các nguồn lực từ chính sách nhà nước và các tổ chức quốc tế để các hoạt động hỗ trợ mang tính bền vững.