Ai ở miền Tây mới biết: Trái nghe tên thì "nghèo", trông thì "rợn người" nhưng ăn vào đảm bảo mê luôn!
Trái bần là một đặc sản dân dã ở miền Tây - thứ quả không hề đắt đỏ nhưng lại gắn bó vô cùng mật thiết với người dân.
Miền Tây sông nước, nơi được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng xanh bát ngát mà còn hấp dẫn bởi vô vàn đặc sản dân dã, trong đó phải kể đến trái bần. Sở hữu vẻ ngoài khiêm nhường nhưng hương vị của trái bần lại khiến bao người nhớ mãi không quên.
Phải chăng loại quả hoang dại chẳng được liệt kê trong sách quý này lại là thức quà cho người dân nghèo nên được đặt tên là trái "bần". Tựa như câu ca dao "Thân em như trái bần trôi/Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu?", loại "trái nhà nghèo" này lớn lên từ miệt vườn sông nước Nam Bộ.
Trái bần với lớp vỏ xanh nõn, hình khá lạ với dáng tròn dẹt giống bánh cam, phần đuôi quả nhọn và cuống có nhiều cánh tỏa ra như hình ngôi sao. Thức quả dân dã, mà hầu như nhà nào ven sông cũng có từ lâu đã gắn liền với đời sống ẩm thực của người dân miền Tây. Cái vị chua chua, chát chát và bùi bùi ấy được chế biến thành những món ăn bình dị nuôi lớn tuổi thơ bao người, dù có ngược xuôi xa xứ cũng chẳng thể nào quên.
Cứ lúc nào buồn miệng, ra ngoài cây với lấy trái bần, chấm với muối ớt, mắm ruốc, sang hơn chút thì ăn kèm với mắm cá linh đặc sản. Vị chua chát và bùi của trái bần giòn hòa lẫn với mắm cá mặn mặn thì còn gì bằng.
TikToker Tóc Vàng Hoe và Việt Phương Thoa đều "múc bang" loại quả đặc sản miền Tây này. @tocvanghoe, @vietphuongthoa.
Trái dành cho nhà nghèo nhưng lại được đặt chân vào bút tích văn hóa qua câu chuyện lưu truyền từ khi Nguyễn Ánh đi lánh nạn ở cuối dòng sông Hậu. Ông được bà con miền sông nước dâng cho món đặc sản là bần chua ăn kèm mắm cá chốt. Khi thưởng xong loại đặc sản này và cảm thấy vị ngon dân dã lại diệu kỳ, ông đổi tên cúng cơm trái bần thành tên gọi mỹ miều hơn là "thủy liễu".
Thế nhưng, tên gọi "bần" vẫn là danh xưng khắc sâu vào tâm khảm người dân miền Tây theo năm tháng. Dù bần, dù nghèo, dù dân dã nhưng ấy là niềm tự hào của miền sông nước, là thứ đặc sản không phải nơi nào cũng có.
Bần thái lát ăn kèm mắm cá linh hoặc cá chốt là món ăn vặt ưa thích ở miền Tây. @utomientay
Cây bần gắn liền với cuộc sống người dân vùng sông nước. Chúng mọc ở khu vực bùn nước, phần rễ phụ nhô lên giữ đất. Bởi vậy mà vùng có sông, có vàm hay có cù lao đều có bần cả. Người ta phân biệt bần mọc nhiều ở vùng bãi bồi ngập mặn với các trái tròn mọng, ăn cứng và giòn, vị chua chát khác với trái bần ổi chỉ sống ở vùng cạn ven sông, rễ phụ nhô lên ít hơn.
Nếu như bần chua (bần sẻ) thường được dùng nấu canh chua, kho cá, dầm muối ớt thì bần ổi mọi người thích ăn trực tiếp kèm với mắm cá hoặc chấm muối ớt. Bởi chúng có vị ngọt và bùi hơn so với bần chua.
Để phân biệt hai loại bần này rất dễ. Nếu nhìn cây thì cây bần chua xù xì trong khi bần ổi vỏ trơn và nhiều lớp tróc giống như vỏ cây ổi. Lá cây bần chua dài và thon mảnh hơn so với bần ổi. Đặc biệt, phần cuống, đài quả của bần chua xòe ra còn bần ổi ôm sát vào quả.
Bần chua mọc dọc bờ sông miền Tây nhiều vô kể, đến thăm vùng đất này bạn có thể hái tùy thích. Nhưng với bần ổi thì bạn có thể phải mua ở chợ, giá cũng rất rẻ. Trái bần mang nấu canh chua, kho cá, ăn lẩu, gỏi hoa bần, làm mứt,...
Mỗi độ hè về, những rặng bần ở miền Tây lại bước vào mùa thu hoạch. Trái bần không chỉ được biến tấu thành những món ngon truyền thống như mứt bần thơm lừng để đãi khách, kho cá cho món ăn thêm đậm đà, nấu canh chua ngọt mát mà còn góp phần vào nền ẩm thực phong phú của vùng sông nước này.
Không chỉ dừng lại ở đó, trái bần còn được người dân đóng gói cẩn thận trong những chiếc lá chuối xanh, gửi gắm bao tình cảm lên cho những người con xa xứ. Đối với họ, mỗi quả bần không chỉ là món quà từ thiên nhiên mà còn là tấm lòng, là niềm tự hào của người dân miền sông nước, nơi mà chuỗi ngày cần cù, lao động không ngừng nghỉ đã tạo nên những sản vật tuyệt vời.
Bần không chỉ là hương vị của tuổi thơ, của những kỷ niệm gắn liền với vùng quê yêu dấu mà còn là biểu tượng của sự màu mỡ, của một vùng đất lúa chín vàng, là điểm nhấn văn hóa đặc sắc, góp phần làm nên bản sắc riêng biệt của đồng bằng sông Cửu Long. Ghé thăm miền Tây mà không thưởng thức trái bần là một thiếu sót lớn. Bởi lẽ, chỉ khi thử một miếng bần mới cảm nhận hết được hương vị đặc trưng, hòa quyện của vị chua chát, giòn bùi, để lại dư vị khó quên trong lòng du khách.