Á hậu Hoàng My yêu nét truyền thống trong văn hóa Tết

Theo Dantri,
Chia sẻ

Sinh năm 1988, còn rất trẻ, nhưng Á hậu Hoàng My bày tỏ, cô rất yêu và nhớ những nét truyền thống trong văn hóa Tết của người Việt...

My sinh ra và lớn lên ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Tết của người Đồng Nai có những nét riêng biệt nhưng vẫn mang dáng dấp văn hóa Tết chung của người Việt.
 
Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong những ngày đầu tiên của năm theo chu kỳ vận hành của mặt trăng theo văn hóa của người Việt Nam và một số nước khác. My thì thích suy nghĩ theo kiểu trẻ con: Tết cổ truyền là từ cái Tết đầu tiên mà My có thể nhớ vào khoảng 3-4 tuổi, sẽ được mặc đồ mới, sẽ có mai vàng, bánh chưng bánh tét, dưa món củ kiệu, mứt, hạt dưa, và sẽ được lì xì. Nhưng trước khi nhận lì xì phải suy nghĩ câu chúc tuổi nào đó thật “tếu”. Và năm nào cũng thế, khi tiết trời lành lạnh thời khắc giao mùa, cả nhà sẽ rục rịch đón Tết.  
 

Chẳng biết mẹ, ông ngoại hay ông ngoại của ông ngoại  đã trải qua bao nhiêu cái Tết thì mới được gọi là “cổ”, nhưng biết chắc là đã lâu lắm lắm rồi nên ông ngoại mới gói bánh ngon đến thế, và vì muốn giữ nét văn hóa lâu đời đó nên lúc My mới lên bảy tuổi ông ngoại đã chỉ cho My cách gói bánh Tét. Tình yêu với ngày Tết lớn theo My. Vì ông ngoại, vì mẹ đã giữ và trân trọng ngày Tết và văn hóa ngày Tết nên My muốn giữ lại hương vị ấy và muốn con cháu đời sau sẽ giữ được nét văn hóa rất đẹp đó. 

Với My, dịp Tết là dịp hội tụ những nét văn hóa đẹp nhất và thú vị nhất của người Việt, là dịp của sự đoàn tụ, sự ấm cúng, dịp thể hiện tình yêu thương, sự tha thứ, và là dịp vui chơi. Tết là mùi hương cỏ hoa đâm chồi nảy lộc và là khởi đầu những điều mới tốt đẹp. Ngày Tết chiếm một khoảng lớn trong tình yêu của My đối với nét văn hóa Việt.  
 

Điều My thích nhất, yêu nhất, nhớ nhất và mong đợi nhất vào ngày Tết là giây phút canh bánh chưng, bánh tét và phút giao thừa. My thích ngửi mùi lá chuối, lá dong, mùi đậu xanh và thịt ướp hành quyện lại khi gói bánh, và cực kỳ yêu mùi củi đốt khi đun nồi bánh trong một buổi tối trời sương se se lạnh. My thích mùi bột và mùi bánh thuẩn (bánh riêng có ở Đồng Nai) mẹ hay nướng để dành tiếp khách ba ngày tết và mình là người được thưởng thức cái bánh đầu tiên còn nóng hổi. My thích vặt lá cây mai trụi lũi rồi bỗng một sáng thức dậy thấy trên cành đầy là những lộc non.. 

Mỗi năm một Tết, và mỗi Tết My lại háo hức hỏi thăm bạn bè có nhà ai nấu bánh chưng bánh tét không. Và sau mỗi câu trả lời My lại thấy buồn buồn tiếc tiếc. Dường như, ngày càng có ít người tự gói bánh. Cũng không trách được sự bận rộn. Cuộc sống hiện đại hối hả cuốn theo bao nhiêu bộn bề, người ta không còn náo nức chuẩn bị cho những ngày Tết như xưa nữa. Thức canh bánh chưng bánh tét và được mở cái bánh đầu tiên gói bằng nếp dư lúc sáng sớm là một niềm hạnh phúc khôn tả của trẻ con. Truyền thống có từ thời Hoàng Tử Lưu Lang ấy dường như đang mất dần…
 

Bạn hỏi, “năm nay, My đã là Á hậu. Ngày Tết của một Á hậu có gì khác?”, chẳng có gì khác cả, vì vẫn là Hoàng My. My sẽ “về quê ăn Tết” sau khi lang thang hội hoa xuân ở Sài Gòn với hi vọng sẽ tìm được quả cà na nóng hổi. Cái Tết ở miền quê ‘thơm’ lắm. Mùi đất, mùi cỏ cây, mùi củi nấu bánh… làm My mê mẩn. Chắc chắn sẽ có màn canh bánh chưng, bánh tét. My sẽ “dụ dỗ” mẹ đổ bánh thuẩn. Chắc chắn mẹ sẽ làm củ kiệu, dưa món, tai heo ngâm giấm, thịt ngâm nước mắm, sẽ nấu một nồi thịt kho hột vịt và một nồi bún măng vịt thật to! My sẽ mang một cái chiếu ra trước hiên nhà và “lôi kéo” mọi người ra đón giao thừa. Sẽ có pháo bông và rượu sâm-panh. My sẽ chuẩn bị phong bì đỏ cho những bé nhỏ hơn và chuẩn bị nhận phong bì từ các tiền bối (cười). My sẽ đi thăm thầy cô vào mồng ba Tết và có khả năng sẽ bay ra Hà Nội hưởng thêm chút cái lạnh đầu xuân. My đang rất nhớ Hà Nội sau lần trở về vừa rồi. 

Tết với My tràn ngập tình yêu và niềm vui như thế đấy. 

Chia sẻ