Ả đàn bà đến… trời cũng phải thua!
Ả là đàn bà nhưng về làm dâu, giấy đăng kí kết hôn, mẹ chồng đi làm cho ả. Giấy khai sinh của con, đã có cô em chồng lật đật lo toan thủ tục và nộp phạt vì đăng kí muộn.
Ả hơn chồng 2 tuổi. Ả về làm vợ, làm dâu nhưng vẫn luôn hậm hực với nhà chồng vì không được cưới xin đàng hoàng như bao cô gái khác. Ả hận và vẫn nung nấu ý định một ngày phục thù…
Ngày ấy, ả 20 có hai gã trai đến tán tỉnh. Nhưng đôi mắt trố lồi của ả sáng quắc khi dừng ánh nhìn ở gã đàn ông cao ráo, bảnh bao. Ả liền xuôi theo ánh mắt đó và quyết tâm cưới bằng được “con mồi béo” kia. Ít ra vì thế đời ả sẽ sang trang khác khi lấy gã. Và ả sẽ cho thiên hạ sáng mắt khi nhấm nhẳng nói rằng ả mặt lưỡi cày, chân đi chữ bát, dáng lùn tịt, nhà “rách như xơ mướp”… tìm đâu được chồng. Giờ ả vớ được gã đàn ông kia, ả sẽ khiến tất cả trống mắt, tròn miệng lên vì bất ngờ...
Ả xấu lại không học hành đến nơi đến chốn, công việc không có, nói năng cục cằn, làm gì cũng đoảng. “Vụng rơi vụng rụng” là những lời người ta nói đến tai mẹ gã đàn ông ấy. Nhưng rồi mẹ gã cho rằng phải gặp mặt một lần rồi mới biết được. Rồi mẹ gã gặp ả. Lần đầu gặp và mẹ gã đã không thể có cảm tình. Bà thật lòng khuyên: “Thằng này nhà bác vốn ham chơi, quen ăn ngon nhưng ngại làm việc. Hai đứa còn quá non nớt để yêu và kết hôn…”.
Thế nhưng ả cho rằng mẹ gã khinh ả. Và vì thế ả càng quyết tâm “Phải vào nhà bà cho bằng được”. 9 tháng sau, ả vác cái bụng bầu to đùng đến ăn vạ. Mẹ gã choáng váng, không thể thốt nên lời. Bố gã thì kiên quyết “Không cưới xin gì hết với cái kiểu vác bụng đến nhà người ta ăn vạ như thế”. Nhưng mẹ gã “đắm đuối vì con”, sau khi ả sinh con được 3 tháng, nhân chuyến bố gã đi công tác, mẹ gã huy động họ hàng nội ngoại đến đón ả về. Bố gã vì thế mà giận mẹ gã. Ông đã không về nhà vài tháng sau đó.
Ả là mụ đàn bà mà đến ông trời cũng phải chịu thua... (Ảnh minh họa)
Không đám rước dâu linh đình, không có váy cưới và xe hoa, ả lách trong đám đông lộn nhộn với quần áo, đầu tóc bình thường như bao ngày. Ả hận… Nỗi hận đó của ả gieo vào cách hành xử, lối sống chây ì phó mặc tất cả. Ả sống trong nhà chồng nhưng không khác nào người ở trọ.
Con được 3 tháng, ả để con cho mẹ chồng nuôi, em chồng chăm bẵm. Ả sửa soạn đồ đạc đi chợ bán hàng. Ả đi từ sáng sớm đến tối mịt. Cơm của chồng và cháo của con đã có nhà chồng. Tối, ả thẳng chân ngủ một mình. Đứa con gái bé nhỏ có vẻ biết được phận mình, cứ ro ro thở đều trong vòng tay người cô còn chưa đủ kinh nghiệm nuôi nâng, chăm bẵm. Nó gần và rịn hơi cô đến mức không có cô bên cạnh là không thể ngủ ngon giấc. Sẵn thể có người nuôi nấng con hộ mình, ả cứ thế mặc kệ. Ai nuôi được thì cứ nuôi. Ả không một gợn suy nghĩ rằng thái độ phó mặc của ả sẽ khiến con ngày càng xa ả.
Ả về làm dâu, giấy đăng kí kết hôn, mẹ chồng đi làm cho ả. Giấy khai sinh của con, đã có cô em chồng lật đật lo toan thủ tục và nộp phạt vì đăng kí muộn.
Từ ngày đó đến khi con trưởng thành, con ốm ả không một ngày chăm bẵm, bón cháo. Ả chưa bao giờ phải trải qua những đêm thức trắng chăm con sốt, con lên sưởi, con mọc răng, con đi ngoài… Chưa bao giờ ả dự sinh nhật con một cách nghiêm túc ở vai trò một người mẹ. Vì tất cả đã có cô em chồng cáng đáng phần lo lắng đó cho ả. Có lần ngủ với con, con ngứa ngáy, khó chịu, khóc đòi mẹ rửa. Ả trong cơn ngái ngủ, bực mình đạp con rơi xuống khỏi giường khiến con bé khóc ré lên. Lần khác, trong lúc cãi nhau với chồng, ả toan hòng nạt nộ đứa con: “Tao sẽ bỏ đi” nhưng phải chưng hửng vì đứa con hồn nhiên đáp lại: “Mẹ cứ đi đi. Từ lâu con đã coi cô là mẹ rồi”. Ả nghe, không đau lòng mà còn cười một cách hồn nhiên và kể lại cho nhiều người nghe.
Một tháng đôi ba bận, vợ chồng ả lại kẻ chạy, người đuổi ầm ầm mắng chửi. Bố chồng ả không chịu được cảnh đó. Ông xây nhà khang trang và tách vợ chồng ả ra ở riêng. Thế nhưng ở riêng rồi ả vẫn gửi con ở lại với ông bà. Ả cho rằng mình bận lắm, bận đi chợ, bận bán hàng đến độ tắm cho con cũng không thể thì làm sao chăm nuôi nổi nó.
Ả và chồng vẫn cứ dật dờ sống kiểu "chung nhà" không tình nghĩa, không sự lo lắng, xót xa cho nhau. Bước vào căn nhà, chỗ nào cũng thấy bụi bẩn và mùi ẩm mốc.... Chồng ốm, ả phó mặc cho gã nằm nhà, thích ăn gì thì ăn, uống gì thì uống. Mẹ gã qua thăm, thấy cảnh tượng đó ngao ngán nhớ lại lá thư của ả năm nào đó gửi cho con trai mình: "Nhà anh tường cao, cổng kín, em không thể vào chăm sóc, nấu cháo cho anh...".
Khi con gái 12 tuổi, ả sinh được thằng cu. Ả lên mặt phách lối, tuyên truyền với thiên hạ rằng giờ đẻ được thằng cu "ông bà ấy phải coi tôi như thánh mẫu" và ả vẫn "ném" con cho ông bà nuôi như vốn dĩ. Chỉ có điều khác là ả phải coi đó là cục vàng, ả không thể để nó rịn hơi, quyến luyến nhà nội như con gái ả. Cháu đích tôn - đó là cái thóp của bố mẹ chồng mà ả phải nắm chặt lấy.
******
Gần 15 năm làm vợ chồng, ả ất ơ, chồng ả cũng lướt khướt. Căn nhà sau mười mấy năm xây dựng giờ đến hồi phải sửa. Bố mẹ chồng ả lại lon ton bàn bạc cho tiền, vạch kế hoạch, gọi thợ đến xây nhà mới cho hai vợ chồng ở. Khi đó con trai ả lên 3 tuổi.
Vừa xong được cái móng thì xảy ra chuyện. Một hôm chồng ả về nhà, mở tủ quần áo lấy đồ. Thấy tủ ngồn ngộn đồ đạc lung tung. Quần áo của con vo tròn nhét vào chiếc ngăn kéo bụi bặm. Gã bảo vợ dọn lại cho ngay ngắn. Ả lên giọng "Không gấp, không thích gấp. Ở bẩn quen rồi"... Chồng gã tát cho một cái nổ đom đóm mắt. Ả vùng lên đánh lại. Mọi chuyện bung ra. Ả trở thành người đàn bà tội đồ trong mắt con gái khi để chồng giặt đồ lót, nấu ăn, đánh lại chồng vì "nay nó yếu rồi, tao có thể đánh chết" và rũ con, "gửi gắm" cho cô em chồng nuôi... Ả đi không lời từ biệt.