9 nguyên tắc trữ đông thực phẩm bạn nhất định phải tuân theo để không hại cả gia đình
Trữ đông thực phẩm bây giờ là việc hầu như nhà nào cũng phải làm, vậy nhưng không phải ai cũng đã làm đúng, thậm chí sai thậm sai đến mức gây hại!
Đã có nhiều trường hợp ngộ độc hoặc tổn hại sức khỏe âm thầm mà dài lâu gây ra do việc trữ đông thực phẩm không đúng cách… Để bản thân và gia đình không rơi vào tình cảnh này, hãy nhớ thật kỹ những nguyên tắc vàng sau đây:
1. Cố gắng chừa lại ít không khí nhất có thể trong hộp đựng (để được như vậy, bạn chọn hộp đựng vừa vặn với phần thực phẩm trữ đông); nếu bạn dùng túi có khóa kéo, hãy dùng kỹ thuật cuộn túi, đẩy không khí ra trước khi đóng miệng túi lại. Làm như vậy không chỉ tiết kiệm điện năng hơn mà còn bảo quản thực phẩm tốt hơn;
2. Nếu có thể, bạn nên bọc thực phẩm kỹ trong giấy bạc trước khi cho vào ngăn đá, vì túi nilong hay bao bì thực phẩm mà bạn mua từ siêu thị về (khay xốp và màng bọc nilong) thật ra không phải là thứ lý tưởng nhất để dùng cho thực phẩm trữ đông;
3. Nên làm nguội nhanh thực phẩm (tốt nhất chỉ trong vòng 90 phút) trước khi cất vào tủ lạnh thay vì để nguội tự nhiên mất nhiều tiếng đồng hồ, để hạn chế vi khuẩn xuất hiện và phát triển;
4. Không bao giờ trữ đông thực phẩm mà bạn đã nghi ngờ về chất lượng, đã quá hạn hoặc đã để ngoài quá lâu… vì nhiệt độ thấp dưới 0 độ C chỉ có thể ngưng hoạt động của vi khuẩn và các vi sinh vật chứ không tiêu diệt được chúng;
5. Để bảo đảm thực phẩm đông lạnh nhanh nhất có thể, tránh vi khuẩn sinh sôi và gây hại, bạn nên dùng những vật đựng nhỏ, thực phẩm bên trong không dày quá 8cm. Việc chia nhỏ thực phẩm như thế này còn giúp thuận tiện hơn khi bạn cần sử dụng: cần bao nhiêu lấy ra bấy nhiêu, tránh việc lấy ra, rã đông rồi cất lại - đây là điều tối kỵ!
6. Sử dụng thực phẩm theo hạn sử dụng, thứ gì cất trước nên dùng trước, nhìn chung không sử dụng thực phẩm đã quá 3 tháng. Nếu bạn không có khả năng nhớ được thứ tự này, khi cất thức ăn mới vào tủ lạnh, bạn nên để chúng ở phía sau những hộp thức ăn cũ, rồi đẩy dần ra trước;
7. Việc rã đông ở nhiệt độ phòng chỉ áp dụng với các loại bánh, còn lại bạn đều cần rã đông trong tủ lạnh, hoặc dùng chế độ rã đông của lò vi sóng;
8. Nếu thực phẩm sau khi rã đông thấy có mùi lạ hoặc có bất kỳ nghi ngờ nào thì tốt nhất nên bỏ đi, đừng cố đấm ăn xôi;
9. Và không bao giờ áp dụng trữ đông thực phẩm các loại sau:
- Trứng và các loại sốt từ trứng, như mayonnaise;
- Rau có hàm lượng nước cao, như dưa chuột, giá, củ cải… vì sau đó chúng sẽ bị mềm nhũn. Các loại rau lá mềm như rau mùi, húng quế, hành… cũng không nên để lên ngăn đá nếu bạn không thích lá chuyển màu nâu, thâm;
- Các loại thực phẩm và nước đóng lon.
Tổng hợp, theo webmd